Theo quy định của UBND TP HCM, Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở GTVT, Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường thuộc phạm vi mình quản lý, thế nhưng đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào được quy trách nhiệm.
Lề đường Nguyễn Trãi (quận 5) bị lấn chiếm để mua bán, người đi bộ phải đi dưới lòng đường
Ảnh: TẤN THẠNH
Trông chờ lực lượng quản lý đô thị
Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5, cho biết sau khi giải tán lực lượng thanh tra xây dựng, quận vừa thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị theo chỉ đạo của UBND TP, đồng thời phân công cán bộ phối hợp với lực lượng quản lý đô thị từng phường thành lập tổ công tác giải quyết nạn lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè tại những điểm “nóng”, những tuyến đường đăng ký văn minh đô thị.
“Tại những phường để xảy ra nạn lấn chiếm lòng lề đường nhiều lần thì chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm” - bà Thảo nói.
Theo ông Tôn Văn Thêm, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 5, kế hoạch dẹp hàng rong vẫn được thực hiện thường xuyên trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh… Biên bản xử phạt hành chính cũng không ít nhưng do lực lượng hàng rong chủ yếu là người nghèo, nhập cư nên không thể mời lên phường để nhắc nhở. Chưa kể, khi thấy lực chức năng, họ đẩy xe dạt vào các hẻm trong khi lực lượng kiểm tra mỏng, không thể dàn trải khắp các tuyến đường, bố trí chốt chặn liên tục nên chưa thể dẹp hàng rong triệt để. Sắp tới, lực lượng quản lý đô thị quận sẽ phối hợp với phường tăng cường chốt chặn, kiểm tra tại các tuyến đường “nóng”.
Không làm được thì kỷ luật
Ông Bùi Thế Hải, Chánh Văn phòng UBND quận 10, cho biết trong thời gian qua, quận đã tập trung lực lượng “dọn dẹp” lòng lề đường ở hai điểm nóng nhất của quận là khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Công viên Lê Thị Riêng nên có phần lơi lỏng trong việc giữ gìn trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên đường 3 Tháng 2 và Sư Vạn Hạnh.
“Cuối tháng 5-2013, chủ tịch quận đã mời các phường lên yêu cầu giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Chúng tôi đã giao Trung tâm Văn hóa Hòa Bình ghi hình lại tình hình trên 10 tuyến đường trọng điểm của quận. Hằng tháng, các phường đều họp giao ban với quận để xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nếu tình hình không được cải thiện thì quận sẽ có hình thức xử lý, kỷ luật cụ thể đối với lãnh đạo phường” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đa phần diễn ra buổi tối trong khi lực lượng kiểm tra lại hoạt động theo lối mòn là tập trung kiểm tra ban ngày, buổi tối lực lượng rất mỏng. Vì vậy, trong những ngày tới, khi thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị (khoảng 50 người), quận 10 sẽ bố trí lực lượng hợp lý hơn, nhất là thời điểm ban đêm và những ngày cuối tuần, ngày lễ.
Ông Hải cho biết trong năm 2013, quận 10 sẽ cố gắng hoàn thành việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên 10 tuyến đường điểm, gồm: 3 Tháng 2, Điện Biên Phủ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Lê Hồng Phong, Thành Thái.
“Lập lại trật tự không phải là đuổi sạch mà là sắp xếp lại cho ngăn nắp, gọn gàng. Chỗ nào được bán, được để xe thì để, chỗ nào dành cho người đi bộ thì phải để trống. Lực lượng kiểm tra sẽ kiểm tra nhiều lần trong ngày chứ không phải chỉ rảo một vòng rồi về” - ông Hải khẳng định.
Vỉa hè và chuyện mưu sinh Nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán ở TP HCM không còn là chuyện lạ. Các lực lượng chức năng luôn phải “chạy đua” để chốt giữ, đẩy đuổi, xử phạt... nhưng hiệu quả không cao. Nơi nào ổn lắm thì thu gọn diện tích chiếm dụng hoặc có thể vỉa hè, lòng đường không còn bị lấn chiếm bởi người buôn bán dọn đi nơi khác. Nhưng khỏe nơi này thì mệt nơi kia. Những người bán đồ cũ trên lề đường phía sau chợ An Đông (quận 5), khi bị đẩy đuổi họ chạy qua đường Lê Đại Hành phía quận 10 và ngược lại. Hay những xe hàng rong trên cầu Bông, cầu Chợ Cầu, cầu Tham Lương khi lực lượng chức năng quận này đi qua thì họ chạy sang bên kia cầu thuộc quận khác để “né”. Kiểu “đánh bùn sang ao” này tạo một hình ảnh khó nhìn: Lực lượng chức năng đứng bên đây cầu nhưng bên kia cầu hàng rong vẫn vô tư bày bán. Kinh tế vỉa hè gắn liền với chén cơm, manh áo của người dân, nhất là người nhập cư. Muốn giải quyết rốt ráo chuyện lấn chiếm vỉa hè phải giải được bài toán mưu sinh nhưng chuyện đó không dễ. TP HCM đã tạm chấp nhận việc kinh doanh trên vỉa hè ở những tuyến đường cụ thể có kẻ vạch; đồng thời hình thành những khu chợ đêm theo từng khu vực, như chợ đêm Bến Thành (quận 1), chợ đêm Kỳ Hòa (quận 10) từ lâu trở thành nét đặc trưng, thu hút khách. Quận 5 - địa bàn có nhiều vỉa hè bị chiếm dụng - cũng manh nha ý tưởng thành lập chợ đêm để quy tụ những người bán hàng rong… Đây là biện pháp lâu dài, ổn định, dễ quản lý. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người nhập cư đổ về thành phố ngày một đông, nếu chần chừ, thiếu giải pháp căn cơ thì TP HCM sẽ mất dần vẻ đẹp bởi những con đường nhếch nhác, xấu xí. Thu Hồng |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-6
ÁNH NGUYỆT - THU HỒNG
CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM TỪNG NGÀNH ĐỂ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ LÒNG LỀ ĐƯỜNG
Trong thời gian vừa qua các giải pháp để lập lại trật tự lòng lề đường đã được đưa ra rất nhiều - từ cấp thành phố đến quận huyện, các sở ngành - thế nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, vì chưa quy định được trách nhiệm cụ thể của từng ngành, do vậy khi từng đợt các lực lượng các ban ngành phối hợp triển khai xử lý xong việc lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè để buôn bán, thì sau đó vẫn tiếp tục tái diễn và không ai chịu trách nhiệm. Chúng ta biết muốn xử lý vấn đề này đòi hỏi các ngành phải đầy đủ thẩm quyền, chức năng có thể xử phạt ngay nếu các hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức cố tình vi phạm luật, để thực hiện điều đó phải là Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, nhưng hiện nay cấp quận, huyện, thị xã các phòng ban chức năng không có Thanh tra chuyên ngành giao thông, xây dựng, mà chỉ có trên sở chuyên ngành cấp tỉnh, thành phố như Sở xây dựng, Sở Giao thông vận tải, đây chính là sự thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước cấp quận, huyện. Việc Chủ tịch UBND cấp quận ,huyện, phường, xã chịu trách nhiệm chung là đúng, tuy nhiên các ngành có chức năng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi nhiệm vụ đã được phân công rạch ròi. Cụ thể: phần lòng đường là trách nhiệm của Cảnh sát giao thông xử lý các loại xe, phương tiện đậu đổ những nơi không cho phép lấn chiếm lòng đường; phần lề đường vỉa hè trách nhiệm của Thanh tra giao thông xử lý các hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức vi phạm trong việc buôn bán, làm nơi bãi đậu xe trên lề đường vỉa hè; lãnh vực xây dựng trách nhiệm của Thanh tra xây dựng, Điện lực xử lý đối với các hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức xây dựng nhà ở vật kiến trúc không có giấy phép xây dựng, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường điện. Còn đối với các tuyến đường quốc lộ trong cả nước do Bộ giao thông vận tải trực tiếp quản lý thì trách nhiệm chính là Thanh tra giao thông trực thuộc Khu quản lý đường bộ, Tổng cục đường bộ Việt nam có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền các địa phương trong vấn đề xử lý vi phạm lấn chiếm lòng lề đường và xây dựng trái phép. Để quản lý tốt đảm bảo trật tự lòng đề đường đề nghị Ủy ban an toàn giao thông quốc gia có văn bản hướng dẫn quy định trách nhiệm cụ thể từng ngành, đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường thêm chức năng Thanh tra giao thông, xây dựng cho cấp quận, huyện.
MINH TRÍ