Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc giải đáp câu hỏi: có nên hay không nên phát hành trái phiếu Chính phủ tại thời điểm này ? Hay phát hành bao nhiêu là đủ để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các dự án, công trình phục vụ phát triển đất nước ? và câu hỏi còn quan trọng hơn là : liệu việc phát hành trái phiếu Chính phủ có thành công hay không, khi các yếu tố cần và đủ cho một thị trường trái phiếu ở nước ta vẫn còn chưa được định hình rõ nét và vì thế, mà ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ ?
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, để tiếp tục hoàn thiện dự án mở rộng quốc lộ 1A – con đường huyết mạch, xương sống của nền kinh tế nước ta cần một số tiền không nhỏ: 55.000 tỷ đồng; Trong khi đó, việc thu hút các nguồn vốn tư nhân là bất khả thi, vì phương thức đầu tư trước, thu hồi vốn bằng thu phí đường bộ đã không còn hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước như trước do mức phí thấp, và nhất là khi việc thu phí đường bộ đã tập trung vào một đầu mối là Bộ Giao thông vận tải.
Việc vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế cũng bế tắc, do việc Việt nam đã vượt qua ngưỡng nghèo để gia nhập các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, nên các ưu đãi tín dụng gần như bị cắt giảm rất mạnh. Một số đoạn trên con đường huyết mạch 1A được xây dựng bằng nguồn vốn ODA, thì tiền từ ngân sách chỉ đủ để cung cấp lượng vốn đối ứng, trong khi đó tiến độ giải ngân lại rất chậm do những hạn chế cố hữu của cơ chế . Vì những lý do ấy, giải pháp duy nhất còn lại là phát hành trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, con đường này cũng đang đặt ra rất nhiều cản trở. Và không phải lúc nào trái phiếu Chính phủ cũng hấp dẫn nhà đầu tư, nếu không đưa ra mức lãi suất đủ hấp dẫn. Bài toán lãi suất lại càng trở nên khó khăn hơn khi các mức lãi suất cơ bản trên thị trường tiền tệ đang cần phải giảm hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, giúp phục hồi sản xuất kinh doanh.
|
Quốc hội bàn về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai các dự án mở rộng quốc lộ 1A – con đường huyết mạch, xương sống của nền kinh tế nước ta |
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng nếu không khéo giải bài toán trái phiếu, rất có thể sẽ xảy ra hai thất bại . Một, có thể là thất bại khi không khớp được lệnh bán trái phiếu lô lớn, hoặc không bán được trái phiếu nào ( trong trường hợp mức lãi suất đưa ra không hấp dẫn ), mà độ hấp dẫn của lãi suất trái phiếu thông thường được các nhà đầu tư tính chung bằng một công thức là lãi suất cơ bản + rủi ro lạm phát + chi phí thời gian + lợi nhuận nhà đầu tư. Trong khi đó, lãi suất cơ bản đang ở mức khá thấp và cần tiếp tục hạ để cứu nguy cho doanh nghiệp khi sản xuất và kinh doanh đều đang cần vốn tín dụng với lãi suất thấp; rủi ro lạm phát vẫn tiềm ẩn ở mức cao ; chi phí thời gian là không tránh khỏi, do thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ thường ngắn là 3 năm, dài là 5 năm.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, những nhà đầu tư lớn cũng rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đặc biệt khi kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế còn mờ nhạt. Năm 2009, chúng ta đã phải trải qua kinh nghiệm này, khi phát hành tới 40 đợt trái phiếu thì có đến 38 đợt là thất bại, có đợt không bán được trái phiếu nào. Hai, là nếu đặt mức lãi suất trái phiếu cao hơn mức lãi suất cơ bản tới mức đủ hấp dẫn, sẽ khiến các ngân hàng đổ tiền huy động được vào mua trái phiếu chính phủ và vì thế, nguồn vốn tín dụng đang mong khơi thông cho chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh lại ách tắc hoặc chảy nhỏ giọt. Đồng tiền lại được đầu tư kiểu “ đánh bùn sang ao”, không đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.
Bởi thế, bài toán trái phiếu ở giai đoạn này thực sự nan giải. Đặc biệt càng khó hơn khi bối cảnh kinh tế khó khăn , những bất cập của các kỳ phát hành trái phiếu trước đây chưa được khắc phục, hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chưa được làm rõ. Một quan ngại nữa mà chắc chắn các đại biểu Quốc hội cũng khó bỏ qua, đó là việc rà sóat tính hiệu quả của các dự án, công trình và các chương trình mục tiêu quốc gia mà Chính phủ đề xuất chưa được thực hiện một cách quyết liệt và nhất quán, vì thế, vẫn còn không ít dự án, công trình được phê duyệt và khởi công mà không tính toán kỹ. Dẫn đến tình trạng bỏ thì thương- vương thì tội.
Vì vậy, đây sẽ là quyết định khó khăn của Quốc hội. Một thách thức về tinh thần trách nhiệm trước yêu cầu phát triển của đất nước, cũng như trước đòi hỏi chính đáng của người dân về việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đồng tiền do người dân đóng thuế và mua trái phiếu chính phủ, đang một lần nữa đặt ra trước những đại biểu của dân. Minh Hoàng