Nhận dạng tám chiêu lừa của cán bộ ngân hàng

Thứ hai - 17/06/2013 22:04 - Đã xem: 1045
Phương pháp và thủ đoạn của loại tội phạm trong lĩnh vực tín dụng–ngân hàng đang ngày càng trở nên hết sức tinh vi và đáng báo động khi nhiều vụ việc xảy ra có sự tiếp tay của chính cán bộ ngân hàng.

Đó là ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị chuyên đề về tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng do Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức vào ngày 13-6.

Theo thống kê của Viện KSND tối cao, kể từ năm 2011 đến nay cơ quan này đã thụ lý 11 vụ với số tiền thiệt hại ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh số tiền hơn 3200 tỷ đồng. Vụ Ngô Thanh Long chiếm đoạt của Ngân hàng Hàng hải và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh số tiền gần 400 tỷ đồng…

Từ thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tín dụng- ngân hàng, các cơ quan chức năng đã chỉ ra tám sai phạm chủ yếu của các cán bộ ngân hàng.

Đó là: Cố ý làm sai, hợp thức hóa thủ tục cho vay; Lợi dụng sự thay đổi chính sách để tư lợi; Cho vay tín chấp không đủ điều kiện, cho vay trước, hoàn thiện hồ sơ sau; Vay “ké”, vay lại để sử dụng vào mục đích riêng; Quản lý tài sản, kho hàng thế chấp không chặt chẽ; Định giá tài sản không đúng giá trị thực; Thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra việc sử dụng vốn vay; chính sách với khách hàng VIP còn nhiều sơ hở.

Trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ việc thuộc lĩnh vực tín dụng - ngân hàng. Ví dụ như vụ cố ý làm trái, lạm dụng chức quyền, chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên quan trực tiếp đến các cán bộ của ngân hàng này, gây thất thoát gần 4,5 tỷ đồng.

Có trường hợp cán bộ ngân hàng chủ động tìm các kẽ hở trong nghiệp vụ ngân hàng để lừa chính ngân hàng, như trường hợp của đối tượng Nguyễn Quốc Thái, nguyên Trưởng phòng Giao dịch số 2 Bà Rịa (thuộc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Vũng Tàu). Bằng các thủ đoạn giả mạo chữ ký của thủ quỹ và kế toán phòng giao dịch, Thái đã ghi thêm 70 nghìn USD vào sổ tiết kiệm của mình và thực hiện hàng loạt các hành vi lừa đảo ngay tại ngân hàng mình đang làm việc. Hay như vụ việc liên quan đến ông Phạm Hồng Kỳ, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Kỳ sau khi nhận vốn cấp từ Quỹ Tín dụng trung ương đã không nhập tiền vào sổ sách, tạo dựng hồ sơ khống, để chiếm đoạt…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng trên, đống thời kiến nghị trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín dụng - ngân hàng nhằm lập lại trật tự, bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống tín dụng - ngân hàng trên phạm vi cả nước nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.'

Theo Lê Anh Tuấn

Nhân dân điện tử


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây