Tỉ phú Đài Loan Vương Vĩnh Khánh, người được mệnh danh là “Thần tài” qua đời năm 2008, thọ 92 tuổi đã để lại “8 bài học kinh doanh” cho các nhà doanh nghiệp trẻ. Không có bằng cấp mà trưởng thành từ thực tế, nhưng Vương Vĩnh Khánh vẫn trở thành tỉ phú đầu bảng của Đài Loan và là doanh nghiệp duy nhất của đảo này đứng trong bảng vàng “50 doanh nghiệp hàng đầu thế giới” “. Bài học thành công của ông là gì?
Vương Vĩnh Khánh sinh năm 1917 tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, nhưng tổ tiên ông là người Phúc Kiến di cư sang Đài Loan từ thời nhà Thanh cách đây hơn 150 năm. Khi đó gia đình rất nghèo túng. Tới thời cha ông là Vương Trường Canh cũng chỉ có ít đất đồi trồng trà xanh nuôi thân. Nhà nghèo, nên tới năm 15 tuổi mới tốt nghiệp tiểu học và phải nghỉ học ở nhà giúp gia đình mưu sinh. Sau khi nghỉ học, ông đi làm tạp vụ cho nhiều nơi và cuối cùng làm tạp vụ cho cửa hàng bán gạo và máu kinh doanh bắt đầu ngấm vào lúc nào không biết. Ông nhờ cha chạy vạy đi vay được 200 đồng mở cửa hàng riêng bán gạo.
Khi đó ở Đài Bắc, rất nhiều cửa hàng gạo, nên cạnh tranh cũng rất gay gắt, nhất là thương lái bán gạo của Nhật Bản. Trước nguy cơ cửa hàng có thể bị phá sản và mất toi 200 đồng tiền vay, Vương Vĩnh Khánh liền nghĩ cách sinh tồn, vươn lên trong nghịch cảnh. Ông mang gạo tới từng gia đình, một việc làm mà các chủ cửa hàng chưa làm bao giờ. Gạo nói chung thời đó nhiều tạp chất như trấu, sạn, sỏi, nên ông đã tiến hành sàng xảy, làm gạo sạch bóng trước khi giao cho khách hàng. Gạo được mang tới từng gia đình, ngon, sạch, giá cả cạnh tranh làm khách hàng rất hài lòng. “Gạo chú Vương” tốt lắm, tiếng lành đồn xa. Lúc đầu cửa hàng của ông chỉ bán được mỗi ngày khoảng trên 10 kilô, sau đó mỗi ngày bán được tới hơn 100 killo. Cửa hàng chẳng những tồn tại mà còn làm ăn phát đạt đứng vững trong cạnh tranh khốc liệt.
Vào thập kỷ 50 Thế kỷ 20, công nghệ sản xuất đồ nhựa bắt đầu phát triển. Nhạy bén, thức thời, năm 1954 Vương Vĩnh Khánh chuyển sang kinh doanh sản phẩm nhựa, thành lập Công ty công nghiệp nhựa Đài Loan và nhà máy sản xuất đồ nhựa. Như vậy, từ cửa hàng gạo với vốn đầu tư 200 đồng đi vay, nay Vương Vĩnh Khánh đã trở thành ông chủ của Công ty, rồi thành ông chủ của Tập đoàn Vương Vĩnh Khánh ngày nay với hơn 30 công ty con, hơn 1500 nhà máy, công xưởng. Năm 1984 doanh số của Tập đoàn tới hơn 4,5 tỉ USD và được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong “50 công ty mạnh hàng đầu thế giới”.
Lúc về già, ông tâm sự: “Tôi từ một người nghèo khó, không được học hành, từ một cửa hàng bán gạo nhỏ bé phấn đấu vươn lên thành một Tập đoàn hàng đầu thế giới thực sự phải bươn chải, vượt qua đầy rẫy khó khăn gian khổ và nếm đủ mùi thất bại cay đắng, nhưng rồi vẫn vững tâm vươn lên để đạt được thành công hôm nay. Trải qua bao thất bại, thành công, bản thân đã rút tỉa được Tám bài học kinh doanh mà tôi muốn gửi tới các nhà doanh nghiệp trẻ và hậu thế. Có thể nó có ích cho họ thành công trong kinh doanh.”
Bài học thứ nhất, phải tìm hiểu gốc rế ngọn ngành của sự việc, đối với bất kỳ vấn đề nào lỗ hay lãi, thất bại hay thành công đều phải truy tìm bằng được nguyên nhân vì sao để rút kinh nghiệm cho lần sau. Quyết không buông thả cho qua, vì chỉ có như vậy mới hạ được quyết tâm và tìm ra lối thoát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tương lai.
Bài học thứ hai, mọi việc, mọi khâu đều phải nghiên cứu vấn đề cốt lõi, không thể đơn giản buông xuôi và “tặc lưỡi cho qua”, cố gắng nghĩ cách tìm được những biện pháp tốt hơn, hợp lý hơn, hiệu quả hơn.
Bài học thứ ba, trong đời tôi luôn dùng “Thuyết con ngỗng gầy” để răn mình. Lúc trẻ, gia đình tôi có nuôi con ngỗng, do cả nhà phải đi làm, nhiều lúc không có ăn, quên cả cho ngỗng ăn, nên con ngỗng của nhà luôn trong tình trạng bị bỏ đói và gầy guộc. Nhưng con ngỗng vẫn chịu đựng và không bỏ đi. Từ con ngỗng gầy của gia đình, tôi nghĩ ngay con vật cũng biết chịu đựng gian khổ trong lúc khó khăn, cho dù gầy còm nhưng cũng không bỏ đi nơi khác. “Thuyết con ngỗng gầy” giúp tôi kiên định mục tiêu và răn mình phải chịu đựng gian khổ, không nao núng trước khó khăn.
Bài học thứ tư, từng bước vững chắc, không thể một bước nhảy lên trời. Trong quá trình kinh doanh, tôi luôn răn mình thang bước từng nấc, cơm ăn từng miếng, kiên trì phấn đấu, không được nôn nóng. Từ đó đặt cho mình phấn đấu từng nấc thang để vươn lên đỉnh cao.
Bài học thứ năm, phải cố gắng phấn đấu cho doanh nghiệp có thực lực và lăn lộn với thực tế để tích lũy được kinh nghiệm. Người xưa có câu có thực mới vực được đạo, có thực lực mới thực hiện được ý tưởng của mình. Học vấn cũng quan trọng, nhưng trong tay có thực lực mới quyết định được. Hai yếu tố này phải kết hợp với nhau mới thành công. Khi đi làm tạp vụ cho các cửa hàng, tối bắt đầu thấm nhuần chân lý này. Người ta thường nói “tiền lưng gạo bị” không lo. Từ thực lực lại có kinh nghiệm thực tế thì yếu tố thành công tăng lên.
Bài học thứ sáu, gắn lợi ích của công ty, doanh nghiệp với lợi ích thiết thân của nhân viên, thực hiện phương châm năng nhặt chặt bị. Khi nhân viên nhận thức được lợi ích của họ gắn bó với doanh nghiệp thì họ sẽ nghĩ cách giúp chủ khắc phục khó khăn. Trong thực tế kinh doanh trong đời, tôi hiểu rất rõ nhân tố này và khi trí tuệ của mọi người được phát huy thì dù khó khăn tới mấy cũng vượt qua. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên dù một xu, một hào cũng thu, cũng nhặt. Đây không phải là một hai xu mà nó chứa đựng một tinh thần cần kiệm, chắt chiu, không xa hoa lãng phí.
Bài học thứ bảy, giá cả và chất lượng. Tâm lý chung của tất cả khách hàng là mua được giá cạnh tranh nhưng hàng có chất lượng. Làm sao bán cho khách hàng giá hạ hơn nhưng chất lượng đảm bảo. Một hiện tượng thường thấy ở các nhà doanh nghiệp trẻ hay bóc ngắn cắn dài, muôn ăn đậm để phất lên nhanh chóng, từ đó làm ẩu nhưng muốn giá cao. Văn hóa kinh doanh này chỉ làm cho doanh nghiệp tồn tại thời gian ngắn và dễ đổ vỡ.
Bài học thứ tám, bài học này hầu như ai cũng biết kể cả người không kinh doanh. Đó là “Khách hàng là thượng đế, là tối thượng”, nhưng làm được lại không dễ dàng. Làm sao để lợi ích của Doanh nghiệp và Khách hàng gắn chặt với nhau, hai bên cùng có lợi. Rõ ràng doanh nghiệp phải luôn tính tới và chăm lo lợi ích của khách hàng, nó như sợi dây vô hình cột chặt lấy hai bên để cùng nhau có lợi. Như vậy doanh nghiệp mới có chỗ dựa vững chắc để phát triển.
Ông Vương Vĩnh Khánh nói tám bài học này có thể nhiều nhà doanh nghiệp đã biết, nhưng để làm được không phải dễ dàng. Bởi vì khi thắng lợi, thành công họ thường say sưa đắc chí mà lãng quên những chân lý và văn hóa kinh doanh chân chính, nên dễ bị thất bại./. Kiều Tỉnh (theo báo Đài Loan 29/5/2013)