Theo nhận định từ các sở LĐ-TB-XH, trong những năm gần đây, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) tại ĐBSCL có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như số người chết. Nguyên nhân là do người lao động và người sử dụng lao động còn quá chủ quan trong việc tuân thủ các nguyên tắc về an toàn lao động.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh với đôi chân bị đứt lìa sau vụ tai nạn
"Sát thủ" máy nghiền cám
Cách nay chưa đầy 1 tháng, một vụ TNLĐ khủng khiếp đã xảy ra tại xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi) đã bị máy trộn thức ăn cho cá tra nghiền đứt cơ thể, tử vong tại chỗ.
Chị Trần Thị Phế (37 tuổi, vợ anh Phong) đau khổ kể: Sáng 22-5, khi đang chuẩn bị trộn thức ăn cho cá tra bằng máy nghiền thì anh Phong bảo chị đi mua nước giải khát. Khoảng 10 phút sau, chị Phế đến gần chảo cám đang sôi thì phát hiện chồng mình bị cuốn vào bên trong, máy nghiền đứt cổ, thân thể bị phỏng chín. Mất lao động chính, cả nhà chị Phế đang lâm vào cảnh khó khăn.
Trước đó, tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cũng có 3 người chết bởi "sát thủ" máy nghiền cám là anh Lê Văn Đặng, chị Võ Thị Bích (ngụ cùng xã Khánh Hòa) và em Nguyễn Đức Long (ngụ xã Mỹ Đức). Tất cả các vụ tai nạn trên đều có cùng nguyên nhân là do bất cẩn trong lúc làm việc nên bị máy nghiền cám quật chết hoặc bị phỏng.
Cũng có một số người may mắn sống sót sau những vụ tai nạn tương tự nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (41 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là công nhân bốc vác của Xí nghiệp Sản xuất thức ăn thủy sản Anfoodco (có chi nhánh tại ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung). Khi vác cám vào máy xay, chị Hạnh bị trượt chân và các lưỡi dao của cối xay phía dưới cắt đứt cả 2 chân. Phía xí nghiệp chỉ mới hỗ trợ cho chị được khoảng 40 triệu đồng để trang trải chi phí điều trị và mua xe lăn.
Chịu thiệt vì lao động tự do
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp, dù trên địa bàn thường xảy ra các vụ TNLĐ nhưng vì đa phần người lao động làm việc tự do nên các cơ quan chức năng cũng không thể thống kê hết được. Nhiều nạn nhân tuy gia cảnh rất khó khăn nhưng cũng không được hưởng những chính sách dành cho người bị TNLĐ.
Bà Lê Thị Thao (ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết cách nay không lâu, con trai bà đã bị tai nạn ngay trên đồng ruộng ở xã nhà. "Nó đang ngồi trên phần thùng của máy suốt lúa thì bị té ngã, tay áo bị dây curoa quấn rồi kéo vào bên trong. Bánh trớn của máy suốt đã lột hết phần thịt ở bụng và đùi. Những người làm chung vội lấy khăn quấn vết thương lại rồi đưa nó xuống chiếc ghe chở đến bệnh viện huyện cấp cứu" - bà Thao nhớ lại.
Cũng theo bà Thao, tai nạn khủng khiếp như vậy mà ông Năm Hồng (chủ máy suốt lúa) cho là do anh Dũng tự té nên ông không có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, do thấy gia đình bà Thao quá khó khăn nên ông chủ này hỗ trợ được gần 20 triệu đồng "để gọi là giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn (?)". Chi phí điều trị quá cao, bà Thao phải bán 1 công đất rẫy duy nhất của gia đình để lo cho con nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp, cho biết đối với những trường hợp bị TNLĐ như thế này thì ít khi được khai báo và người sử dụng lao động thường né tránh trách nhiệm nên người lao động luôn chịu thiệt thòi.
Chi nhiều nhưng tai nạn vẫn tăng Trong giai đoạn II (2011-2015) của chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động, tổng nguồn vốn của Trung ương và đối ứng của các địa phương lên đến 670 tỉ đồng. Thế nhưng, tình hình TNLĐ ở nhiều nơi vẫn chưa cải thiện. Ông Đặng Văn Kể, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, cho biết mặc dù mỗi năm UBND tỉnh đã chi khoảng 700 triệu đồng phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn cho người sử dụng lao động và các công tác liên quan nhưng tình hình TNLĐ vẫn tăng về số vụ cũng như số người chết. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 10 vụ TNLĐ, làm 5 người chết và 5 người bị trọng thương. |