Thủ đoạn mua bán trái phép hóa đơn thuế ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Thứ bảy - 08/06/2013 05:50 - Đã xem: 1151
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục thuế TP.HCM và Công an TP.HCM sáng 6.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã đề nghị truy tố 55 vụ án với 139 bị can và đề nghị truy thu, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 228,5 tỉ đồng.

Từ năm 2007 đến nay, ngành thuế đã chuyển 1.486 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm về lĩnh vực thuế và cung cấp 2.142 thông tin cho công an. Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra 640 vụ vi phạm pháp luật về thuế; trong đó khởi tố 86 vụ, xử lý vi phạm hành chính 124 vụ, chuyển 394 vụ (xử phạt, truy thu thuế…) cho cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền và hiện còn 36 vụ đang điều tra.

Đến nay, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố 55 vụ án với 139 bị can và đề nghị truy thu, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 228,5 tỉ đồng.

Những hành vi vi phạm phổ biến mà ngành thuế phát hiện như: doanh nghiệp bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, mang theo hóa đơn; mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khấu trừ thuế; ghi hóa đơn không đúng quy định; sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty, ẩn lậu doanh thu; hành vi lừa đảo bằng hình thức huy động vốn…

Trong đó, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán hóa đơn GTGT diễn biến phức tạp là do doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp “ma” khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát...

PC46 đã thẳng thắn đề nghị ngành thuế cần tăng cường hơn trong công tác hậu kiểm; chú ý “đầu ra, đầu vào” hóa đơn chứng từ để kịp thời phát hiện các nghi vấn; một số chi cục thuế chậm trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về các đối tượng nghi vấn theo yêu cầu của cơ quan điều tra như Chi cục thuế Q.1, Chi cục thuế Q.7 (hẹn quá lâu từ 1-3 tháng) gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra.

 

Đáng chú ý nhất là việc mua bán hóa đơn GTGT gây thiệt hại lớn nhưng mức hình phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Như trước đây hành vi trên được xử theo điều 181 của BLHS có mức khung hình phạt đến 20 năm nhưng hiện nay lại áp dụng điều luật 164A của BLHS có mức hình phạt cao nhất chỉ 5 năm. Chính vì vậy cơ quan công an đề nghị tăng khung hình phạt về tội danh trên cho phù hợp.

Đàm Huy

 

CẦN SỚM CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP MA TRỐN THUẾ NHÀ NƯỚC HIỆN NAY
Trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp “ma” khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát, điều đó đã dẫn đến hệ lụy làm thất thoát ngân sách nhà nước. Trước đây theo quy định của Bộ Tài chính giao cho ngành thuế in hóa đơn và cấp phát cho các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán, nên việc quản lý doanh số bán ra của các đơn vị nhận hóa đơn tương đối chuẩn xác, mặc dù vẫn có một số đơn vị vẫn cố tình bằng nhiều cách gian lận doanh thu thông qua hóa đơn nhưng ngành thuế cũng phát hiện được và truy thu thuế. Còn đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua thực hiện theo nghị định Số: 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2010 của chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thì thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hết sức đơn giản không cần kiểm tra tài chính ban đầu mà doanh nghiệp đã đăng ký, không cần biết cụ thể địa chỉ doanh nghiệp kinh doanh ở đâu và chỉ cần trong vòng 5 ngày DN đã có giấy phép kinh doanh, do vậy đã ra đời hàng lọat các doanh nghiệp họat động. Có doanh nghiệp ra đời họat động rất tốt có trách nhiệm, tuy nhiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp ra đời họat động mang tính chất lừa đảo, như. buôn bán hóa đơn tìm mọi cách để trốn thuế nhà nước.
Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng.
Thực tế đã xảy ra tại tỉnh Hải dương , thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh Hải Dương trong đấu tranh phòng, chống hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã xác minh được 42 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có một số trường hợp mua bán hóa đơn khống; một số doanh nghiệp có kinh doanh nhưng không có hóa đơn đầu vào đã mua hóa đơn khống để hợp lý hóa, với doanh số hàng hóa dịch vụ mua vào là hơn 952 tỷ đồng, thuế GTGT là 69 tỷ đồng. Đây là họat động tội phạm buôn bán hoá đơn GTGT (VAT) rất nguy hiểm cho xã hội, thiệt hại đến ngân sách nhà nước. Để khắc phục tình trạng gian lận, trốn thuế nhà nước trong thời gian qua, đề nghị Bộ Tài chính nên giao cho ngành thuế in hóa đơn thuế giá trị gia tăng để cấp cho các tổ chức doanh nghiệp cho nhu cầu, không cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn thuế giá trị gia tăng như trong thời gian vừa qua đã làm cho ngành thuế bất lực không kiểm soát được. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi điều chỉnh lại nghị định 43 CP cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải đủ năng lực về tài chính, trước khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thì cơ quan có chức năng phải hết sức thận trọng xác minh cụ thể khả năng tài chính của doanh nghiệp, trụ sở mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp; do vậy đòi hỏi phải có thời gian từ 10 đến 15 ngày để kiểm tra xác minh chứ không phải 5 ngày như quy định hiện nay. Đồng thời phải xác định cụ thể người đăng ký làm giám đốc phải có năng lực trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề đã đăng ký, tránh trường hợp đã xãy ra doanh nghiệp thuê người không có trình độ chỉ biết nhận lương làm giám đốc nhưng hậu quả pháp lý xãy ra thì doanh nghiệp không chịu trách nhiệm, cuối cùng thiệt cho xã hội, thiệt cho ngân sách nhà nước, quan điểm không chạy theo số lượng cấp đăng ký doanh nghiệp ít nhưng chất lượng, sẽ hạn chế gây hậu quả về mặt kinh tế và xã hội đối với nước ta.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây