Tùy tiện đuổi người

Thứ ba - 04/06/2013 20:59 - Đã xem: 1030
Không chỉ vi phạm pháp luật, cách hành xử tùy tiện của doanh nghiệp còn thể hiện một môi trường văn hóa quá kém
“Tôi đang làm việc, chưa hề vi phạm gì thì kế toán trưởng yêu cầu phải bàn giao công việc. Ngay sau đó, tôi bị cho nghỉ việc nhưng không được giải thích vì sao”. Trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động mới đây, chị Đào Khánh Linh, nguyên nhân viên kế toán Công ty CP Dầu khí Quốc tế Việt Ấn, quận Tân Bình,
TP HCM, cho biết như trên.
 

Chị Nguyễn Đình Lệ Thúy trình bày bức xúc vì bị Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha cho nghỉ việc

Đuổi người theo lệnh sếp!

Tháng 11-2012, chị Linh vào làm kế toán cho Công ty CP Dầu khí Quốc tế Việt Ấn, hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 1 năm. Ngày 6-3-2013, ông Phùng Gia Cường, kế toán trưởng, yêu cầu Linh bàn giao công việc và hôm sau buộc chị nghỉ việc. Chị Linh thắc mắc, hỏi lý do, ông Cường chỉ nói “đây là ý kiến của sếp”, ông chỉ là người truyền đạt lại ý kiến.

Sa thải lao động trái luật như vậy nhưng khi trả lời chúng tôi, bà Vũ Bích Hường, phó giám đốc công ty, cho biết vẫn giữ quan điểm cho chị Linh nghỉ việc dù không đưa ra lý do thuyết phục. “Nếu Linh kiện thì công ty sẽ đi hầu” - bà Hường cho biết.

Chị Nguyễn Đình Lệ Thúy, Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha, quận Phú Nhuận, TP HCM, cũng vô cớ bị chấm dứt HĐLĐ. Tháng 4-2013, bộ phận tiếp thị của công ty nhận được đơn tố cáo chị Thúy có hành vi xúc phạm danh dự lãnh đạo và tập thể tổ tiếp thị. Sau đó, bộ phận tiếp thị họp và nhất trí đình chỉ công tác đối với chị Thúy.

Chị Thúy gửi khiếu nại đến công ty. Thay vì giải quyết khiếu nại, ngày 10-5, công ty lại điều động chị từ bộ phận tiếp thị sang làm việc tại xưởng sản xuất ở Bình Dương. Đáng nói là trong thông báo điều động, phía công ty nói rõ chị Thúy sẽ đến Bình Dương làm việc từ ngày 15-5 và đến 1-6 thì chấm dứt HĐLĐ.

Giải thích chuyện cho chị Thúy nghỉ việc không thấu tình đạt lý, ông Trần Văn Hội, Phó Phòng Tổ chức Hành chính Công ty CP Dược phẩm Trương ương Vidipha, nói: “Do bộ phận tiếp thị trả Thúy về nên công ty bố trí công việc khác và cho chị nghỉ việc khi hết hạn HĐLĐ”.

Thai sản cũng không tha

Không chỉ cho người lao động nghỉ việc không lý do, không báo trước, ngay cả lao động nữ đang nghỉ thai sản cũng bị như thế. Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động tiếp nhận khá nhiều khiếu nại của lao động nữ mang thai bị doanh nghiệp (DN) o ép, cho nghỉ việc trái luật.

Điển hình là trường hợp của chị Võ Thanh Phượng, DNTN Thiên Long, huyện Bình Chánh - TP HCM. Ngày 23-10-2012, chị Phượng xin nghỉ việc trước khi sinh 1 tháng nhưng DN cương quyết không cho. Chỉ đến khi chị đau bụng, có dấu hiệu sắp sinh, DN mới cho nghỉ việc. Sau khi sinh được 3 tháng, chị Phượng nhận được điện thoại từ đơn vị là DN sẽ chấm dứt HĐLĐ với chị. Từ khi bị chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật đến nay, chị Phượng vẫn chưa nhận được trợ cấp thai sản và các chế độ khác.

Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Giàn giáo Hùng Cường, quận 12, TP HCM. Chị Lục Thị Phương Thùy ký HĐLĐ với công ty vào tháng 1-2011. Đến ngày 18-6-2012, khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực thì công ty ra quyết định cho chị nghỉ việc mà không hề có lý do. Lúc bị cho nghỉ việc, chị Thùy đang mang thai 4 tháng. Hiện cuộc sống của chị rất khó khăn, nhất là sau khi sinh con.
 

LUẬT SƯ CAO THẾ LUẬN, CÔNG TY LUẬT MINH MẪN:

Trả giá vì bạc đãi người lao động

Cách thức DN đối xử với người lao động thể hiện văn hóa DN. Đối xử tốt sẽ tạo nên uy tín cho DN cũng như sự gắn bó, cống hiến hết mình của người lao động cho DN. Ngược lại, người lao động sẽ quay lưng. Trong thực tế, rất nhiều DN đã phải trả giá vì bạc đãi người lao động. Khi đó, không chỉ mất uy tín đối với người lao động, cơ quan chức năng và đối tác, thương hiệu DN cũng bị người tiêu dùng tẩy chay.

 

Bài và ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây