Riêng ĐBSCL, nơi có bờ biển chạy dài hàng trăm km, gió lộng quanh năm, sẽ là khu vực quan trọng để phát triển nguồn năng lượng sạch. Ngày 29-5, tại vùng đất đầm lầy ven biển Bạc Liêu, 10 turbine điện gió đầu tiên chính thức vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia.
Những turbine gió đầu tiên của dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã được vận hành
Vượt trội về tiềm năng
Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khảo sát chi tiết về năng lượng gió tại khu vực Đông Nam Á. Trong 4 nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận như Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở các nước còn lại lần lượt là 0,2%, 2,9% và 0,2%.
Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ, hơn gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực. Các chuyên gia năng lượng cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển điện gió tại khu vực ĐBSCL.
Ngày 9-9-2010 là thời khắc đánh dấu bước ngoặt của cuộc cách mạng năng lượng xanh tại ĐBSCL khi Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được chính thức khởi công. Đây là nhà máy điện gió thứ hai của Việt Nam nhưng có quy mô lớn hơn Nhà máy Điện gió Bình Thuận. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu xây dựng trên diện tích 500 ha đất bãi bồi ven biển, có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD với 62 turbine gió, công suất thiết kế 99 MW, tương đương với sản lượng điện khoảng 400 triệu KWh/năm.
Nối tiếp thành công này, hàng chục dự án điện gió đang manh nha tại các tỉnh ĐBSCL. Tại Sóc Trăng đang có kế hoạch xây dựng 4 nhà máy điện gió nằm ven biển thuộc thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, với tổng công suất 300 MW.
Điện “sạch”
Ưu điểm khi triển khai các dự án điện gió ở ĐBSCL là vị trí xây dựng nhà máy và đặt các turbine gió thuộc vùng đất đầm lầy ven biển, nơi gần như không nằm trên đất sản xuất của dân cư, người dân không bị ảnh hưởng bởi dự án. Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Công Lý (chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu), cho biết: “Tuy hiện tại giá thành điện gió còn cao nhưng trong tương lai sẽ thấp hơn thủy điện và nhiệt điện.Trong khi đó, điện gió vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, các dự án điện gió không tác động đến môi trường, không ảnh hưởng đến đất đai của người dân và đặc biệt nguồn năng lượng gió là không bao giờ cạn”.
Để phát triển điện “sạch”, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển lĩnh vực điện gió (Quyết định 37/2011/QĐ-TTg), trong đó có nhiều nội dung khuyến khích phát triển điện gió tầm quốc gia và các địa phương. Với nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước và cơ chế pháp lý khá thoáng, các nhà đầu tư điện gió Việt Nam đủ độ yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Hy vọng trong một tương lai không xa, các bờ biển lộng gió của vùng ĐBSCL sẽ là nguồn cung cấp năng lượng điện dồi dào và thân thiện với môi trường theo đúng tinh thần chiến lược phát triển năng lượng sạch.
Ngân hàng Mỹ cho vay 1 tỉ USD Tháng 10-2011, một ngân hàng của Mỹ ký cam kết cho Việt Nam vay 1 tỉ USD để tài trợ cho chương trình phát triển điện gió tại các tỉnh ĐBSCL (giai đoạn 2011-2015). Ngày 8-11-2012, nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới Vesta đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác lập kế hoạch và phát triển các nhà máy điện gió tại Việt Nam với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Công Lý. Quan hệ này được thực hiện dưới sự bảo trợ của cơ quan hợp tác phát triển thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch, mở đầu thời kỳ hợp tác giữa hai nước trong chiến lược phát triển các nguồn năng lượng gió hiệu quả tại Việt Nam. |
Bài và ảnh: DUY NHÂN
CẦN ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIÓ & MẶT TRỜI HẠN CHẾ THỦY ĐIỆN.
Hiện nay nguồn năng lượng điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh họat không đáp ứng đủ , mặc dù nhà nước đã triển khai nhiều dự án thủy điện ,nhiệt điện ,khí điện đạm vv.. đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn không đáp ứng cho nhu cầu cho sự phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực. Do vậy không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá, lợi thế so sánh của nước ta nằm ở vùng nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi ,có bờ biển dài trên 2.400km và nhiều núi đồi , nên đễ dàng phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió(Phong điện) . Đây là lọai năng lượng sạch mà đến nay nước ta chưa phát huy mạnh mẽ nguồn năng lượng tiềm năng này. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW, hơn 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La hiện nay, gần đây có một số dự án phong điện được Chính phủ cho thực hiện thí điểm ở các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu , bước đầu đã mang lại hiệu quả như Nhà máy điện gió Bạc Liêu được hòa vào lưới điện quốc gia là cột mốc quan trọng cho sự phát triển các nguồn năng lượng sạch ở nước ta, đặc biệt là phát triển điện gió ở khu vực ĐBSCL. .Cần thiết nên triển khai ở các huyện đảo xa như các huyện đảo Lý Sơn Qủang Ngãi, huyện đảo Trườnng Sa Khánh Hòa, huyện đảo Phú Quý Bình Thuận, huyện Côn Đảo Bà Rịa Vũng Tàu vv… để các địa phương này chủ động về nguồn điện. Nhiều nước trên thế giới đã khai thác nguồn năng lượng sạch này, đã góp phần nhu cầu điện của quốc gia chiếm tỷ lệ từ 30 đến 50% , đây là con số không phải là nhỏ. Để có thể phát triển được nguồn năng lượng này trong tương lai , Nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngòai nước đầu tư vào lãnh vực này, để nước ta có thêm nguồn năng lượng điện đủ cho phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Các Ngân hàng nước ta ưu tiên dành nguồn vốn cho các tổ chức ,hộ gia đình vay với mức lãi suất thấp, để đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ cho dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhà nước cần thiết hỗ trợ chênh lệch phần lãi vay của ngân hàng đối các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, các tổ chức nghiên cứu sản xuất các lọai thiết bị năng lượng sạch. Khuyến khích các hộ , các tổ chức sử dụng các lọai thiết bị năng lượng điện sạch này ,nếu sử dụng không hết ngành điện có thể mua lại sản lượng điện dư thừa này , thực tế nhiều nước trên thế giới, các hộ nông dân trang trại không sử dụng hết năng lượng điện từ quạt gió đã bán lại cho tổ chức thu mua điện.Để thực hiện có hiệu quả thiết thực Bộ tài nguyên và môi trường , Bộ công thương cần làm tốt công tác tuyên truyền trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch để người dân ý thức được trong việc bảo vệ môi trường , thực hiện được mục tiêu CHIẾN LƯỢC KINH TẾ XANH của Việt nam.
MINH TRÍ.