Hình ảnh ấy ám ảnh những người chứng kiến mãi, trong đó có người viết bài này. Chắc chắn nữ du khách kia sẽ chẳng bao giờ trở lại Việt Nam nữa và những trường hợp như vậy đã xảy ra không ít.
Nhiều năm trước, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn song gần đây, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tục; số vụ du khách bị cướp giật, hành hung tăng; nạn chèo kéo, chặt chém, lừa gạt vẫn nhan nhản thì sự “an toàn” ấy không còn nữa. Năm 2009, có thống kê cho biết 70% du khách đến Việt Nam rồi một đi không trở lại nhưng những người trong ngành thì nói tỉ lệ ấy cao hơn, đến những 85%! 70% hay 85% cũng đều đã quá nhiều và rất đáng buồn. Suy cho cùng, khách đến ít vì ta không biết cách mời; khách không đến nữa vì ta không biết cách cầm chân khách, thậm chí lắm khi đuổi khách.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tổ chức ở Hà Nội hôm 30-5, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận: Du lịch Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng, sản phẩm còn nghèo nàn, cách quảng bá còn đơn điệu, nạn chèo kéo và lừa gạt khách còn diễn biến phức tạp… Bức tranh cận cảnh ấy cũng được Báo Người Lao Động khắc họa qua loạt bài “Chán nản du lịch nội địa”, khởi đăng từ ngày 1-6.
Những gì ngành du lịch thừa nhận, những bức xúc được người dân và báo chí phản ánh… đều không mới bởi đã diễn ra từ rất lâu. Để cho những yếu kém, bất cập tồn tại trong thời gian quá dài như vậy, chứng tỏ cách làm du lịch ở nước ta rất thụ động và trì trệ. Một đất nước có đến 7 di sản của thế giới (2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa) và 7 di sản phi vật thể của nhân loại cùng vô vàn di tích, danh thắng đẹp tuyệt trần mà thành quả du lịch mãi lẹt đẹt theo sau những nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan...