Học nghề để lập thân, lập nghiệp
Thứ năm - 13/06/2013 10:25
- Đã xem: 1320
Tốt nghiệp THPT, Y KTan ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút) nhận thấy bản thân không đủ khả năng theo học các trường cao đẳng, đại học nên quyết định vào học nghề điện công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Mặc dù phải hơn 4 tháng nữa mới tốt nghiệp, thế nhưng đã có một số công ty, doanh nghiệp... trong và ngoài tỉnh đến tiếp xúc, đăng ký sẽ tuyển dụng Y KTan vào làm việc với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng.
. |
Nhiều doanh nghiệp, công ty rất cần nguồn lao động có tay nghề |
Tương tự, bạn Nguyễn Quốc Mạnh ở thôn 3, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) học cùng lớp Y KTan cũng cho biết: “Ngay sau khi học xong THPT, mình đã bàn với gia đình là đăng ký vào học tại trường nghề ngay tại địa phương, không phải chi phí nhiều, bây giờ lại có thêm cơ hội có việc làm thì thật là đáng mừng. Thế nhưng, nhiều bạn bè cùng trang lứa ở địa phương cũng chưa thấy rõ điều này vẫn cố thi vào đại học hoặc ở nhà làm nương rẫy”.
Theo ông Nguyễn Khải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đắk Nông thì hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động liên hệ với nhà trường để tuyển nguồn lao động có tay nghề vào làm việc. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, nhà trường vẫn gặp khó trong việc tuyển sinh đầu vào cho dù đã tổ chức tuyển sinh suốt cả năm.
Cùng với việc tổ chức quảng bá các ngành nghề tuyển sinh, đào tạo trên các phương tiện truyền thông, nhà trường còn cử cán bộ trực tiếp đến tận các thôn, bon trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phát tờ rơi, tư vấn... Vậy mà, kết quả tuyển sinh vẫn không khả quan, thậm chí một số ngành học đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng đào tạo.
Đơn cử như năm học 2012, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường khoảng 250 học sinh hệ trung cấp, nhưng chỉ tuyển được 150 người. Nhà trường hiểu rất rõ những khó khăn, nhưng để tháo gỡ những vướng mắc này cũng rất cần đến sự chung tay của các cấp quản lý, doanh nghiệp.
Ông Trần Đăng, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Đắk Nông ở thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng cho rằng: “Hiện nay, không riêng gì nhà máy chúng tôi mà còn nhiều công ty, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh rất cần nguồn lao động có tay nghề. Thế nhưng, về lâu dài, để đảm bảo nguồn tuyển sinh, giải quyết đầu ra cho các học viên sau khi tốt nghiệp, các trường nghề cần liên kết với các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược đào tạo, lấy chất lượng tay nghề làm thước đo cho công tác tuyển sinh. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các đối tượng học nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của học viên và doanh nghiệp”.
Theo ông Đỗ Trọng Cung, Trưởng Phòng Quản lý dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thì muốn giải quyết bất cập này, trước hết, ngành Giáo dục cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề cũng cần tổ chức khảo sát nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển đào tạo theo ngành, có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp...
Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, các trường dạy nghề cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, đánh giá kết quả học tập của học sinh khi tốt nghiệp để có thể tiếp nhận, bố trí việc làm phù hợp.
Mặt khác, chính quyền, đoàn thể các địa phương cũng cần phối hợp, vào cuộc điều tra, nắm bắt tình hình thực tế học sinh trên từng địa bàn để có chính sách khuyến khích, thu hút thanh thiếu niên theo học nghề. Công tác tuyên truyền, quảng bá phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên và liên tục đến các đối tượng. Điều quan trọng nhất là làm sao để thanh thiếu niên ngày càng có nhận thức là học nghề cũng vẫn có thể lập thân, lập nghiệp một cách đàng hoàng.
Bài, ảnh: Phan Tuấn
Nguồn tin: Đăk Nông Online