Những điển hình sáng tạo

Thứ ba - 18/06/2013 06:23 - Đã xem: 1334
Đam mê nghề nghiệp và sự nhẫn nại đã giúp người thợ thành công, khẳng định chỗ đứng vững chắc tại doanh nghiệp

Từ một nhân viên kỹ thuật của tổ sửa chữa điện, sau 6 năm phấn đấu, ông Nguyễn Thiện Dũng đã khẳng định mình ở cương vị trưởng phòng kỹ thuật của Công ty Hữu Liên Á Châu (quận Bình Tân, TP HCM). Đam mê học hỏi và sáng tạo không ngừng, ông Dũng hiện là chủ sở hữu của chục sáng kiến có giá trị, được ban giám đốc và đồng nghiệp đánh giá cao.


Thầy Phạm Phú Thọ (giữa) và học sinh trong giờ thực hành

Khó khăn không lùi bước

Một trong những sáng kiến của ông Dũng được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao là "Chế tạo board mạch công suất cao tần" thực hiện năm 2009. Thời điểm đó, dây chuyền sản xuất ống thép nhập từ Đài Loan liên tục trở chứng khiến sản xuất ngưng trệ. Khó khăn lớn nhất lúc ấy là phần lớn các thông số kỹ thuật của linh kiện bị nhà cung cung cấp thiết bị xóa mã số. Muốn khắc phục, doanh nghiệp (DN) phải mời chuyên gia nước ngoài, vừa tốn kém vừa mất thời gian.

Trong lúc khó khăn ấy, ông Dũng mạnh dạn đề nghị ban giám đốc cho thử sức. Bên cạnh việc tận dụng linh kiện có sẵn trong nước, ông Dũng đã nghiên cứu thiết kế lại mạch. Gần 2 tháng ăn ở ngay tại xưởng, ông Dũng đã chế tạo thành công board mạch "Made in Việt Nam", giúp dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại, tiết kiệm cho DN hơn 1,4 tỉ đồng. Theo ông Bùi Quang Hiệp, Giám đốc điều hành Công ty CP Hữu Liên Á Châu, thành công này có ý nghĩa đặc biệt, bởi từ thời điểm ấy DN giảm bớt sự lệ thuộc vào việc cung cấp linh kiện từ nước ngoài và giảm chi phí đầu tư. Tiếp nối thành công trên, ông Dũng cho ra đời hàng loạt sáng kiến có giá trị, làm lợi cho DN gần 8 tỉ đồng. Giỏi nghề, luôn tận tình với thợ trẻ, từ một nhân viên kỹ thuật, ông Dũng được đề bạt làm trưởng phòng kỹ thuật. Năm 2012, ông Dũng vinh dự nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng.

Thắng không kiêu, bại không nản

Ở Công ty FAPV (KCX Tân Thuận), ông Thái Anh Tuấn, Chủ nhiệm Quản lý nhà máy sản xuất dây điện, cũng được đánh giá cao bởi ý thức ham học hỏi và nỗ lực tự thân. Hơn 3 năm theo đuổi khắc phục tình trạng đứt dây điện ở bộ phận accumu của máy bọc nhựa là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ ấy. Trong quá trình sản xuất tự động ở khâu máy bọc nhựa, do sản xuất tốc độ cao nên máy thường xuyên đứt dây, vừa lãng phí nguyên liệu vừa mất thời gian.
 
Nhà không có điều kiện, trong suốt quá trình nghiên cứu, nhiều đêm liền ông Tuấn phải "đóng đô" tại tiệm internet để tham khảo tài liệu, chưa kể lặn lội đặt gia công từng linh kiện. Gần 3 năm trời mày mò, cuối cùng ông Tuấn đã nghiên cứu thiết kế thành công bộ phận điều chỉnh lực căng tự động, làm giảm lực căng của bộ accumu, từ đó hạn chế tình trạng đứt dây điện, giảm tiêu hao nguyên liệu.

Chia sẻ thành công này, ông Tuấn tâm đắc: "Kiến thức tích lũy là điều kiện cần, điều quan trọng là người thợ phải có sự nhẫn nại, được DN ủng hộ, tạo điều kiện. Thắng không kiêu, bại không nản là bí quyết thành công của tôi". Không được đào tạo bài bản về kỹ thuật nhưng 12 năm gắn bó với DN, ông Tuấn đã thực hiện hơn 20 sáng kiến, làm lợi gần 9 tỉ đồng.

Sống có trách nhiệm

Không chỉ là chuyên gia cơ điện tử hàng đầu, thầy Phạm Phú Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Cơ Điện tử, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TP HCM), còn là một thầy giáo yêu nghề, tận tâm với học sinh.

Nhiều năm nay, ngoài nhiệm vụ đứng lớp, thầy Thọ được tin tưởng giao trọng trách huấn luyện đội tuyển học sinh tham gia Hội thi Tay nghề quốc tế. Dấu ấn đầu tiên mà thầy giáo trẻ để lại là dẫn quân tham dự Hội thi Tay nghề ASEAN năm 2008. Thời điểm ấy, dù đang làm luận văn cao học nhưng thầy Thọ vẫn chấp nhận gác lại để truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho học sinh. Không phụ lòng tin của thầy, 2 học sinh Lê Minh Bằng và Nguyễn Văn Hòa đoạt huy chương đồng ngay lần đầu tham dự. Một năm sau, 2 học sinh này tiếp tục gặt hái thành công tại Hội thi Tay nghề quốc tế và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Nói về kỷ niệm khó quên này, thầy Thọ bộc bạch: "Tôi không hối hận khi quyết định hoãn việc làm luận văn cao học, bởi học trò của tôi đã khẳng định được tay nghề của người thợ Việt Nam với bạn bè thế giới".

Đó là 3 trong số 232 cá nhân và 90 tập thể điển hình trong phong trào thi đua yêu nước (giai đoạn 2009-2013) sẽ được LĐLĐ TP HCM tuyên dương vào sáng 22-6.

Hạt nhân phong trào

"Ý thức học hỏi, tinh thần cầu tiến, đặc biệt là đam mê sáng tạo ở người thợ, đã tạo nên chất men của phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo do Công đoàn phát động. Tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhất là với lớp thợ đàn em đã giúp họ trở thành hạt nhân trong phong trào" - ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch LĐLĐ
TP HCM, khẳng định.

Bài và ảnh: THANH NGA

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây