Người cựu binh và giống lúa màu tím

Chủ nhật - 04/08/2013 22:23 - Đã xem: 1570
Rời quân ngũ, ông lao đi tìm giống lúa thuần Việt. Gần 20 năm với bao thăng trầm, vất vả, suýt mất cả cửa nhà mới nhân thành công giống lúa thuần chủng AC5. Sau đó ông tự mình nghiên cứu, tạo ra một loại giống lúa chưa từng có trên đời - lúa thảo dược.



Đó là chuyện về nông dân - cựu chiến binh Phan Văn Hòa ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Tôi đùa ông thời trai trẻ chắc có tình ý với cô nào ở Huế nên mới có giống lúa mang màu tím Huế như vậy. Ông cười: “Mần chi có. Nông sản màu tím nói chung thường có rất nhiều chất bổ, nhất là nhóm Omega, có khả năng kháng bệnh tim mạch và ung thư cao, do đó tôi đã tạo chúng”.

Mở đồng Hói Sác

Năm 1984, ông Phan Văn Hòa được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Không quên lời thề với cây lúa quê hương, ông đã lao vào vỡ hoang hết đồng trên bãi dưới.

Tin ở nghị lực của ông, năm 1990 xã Vĩnh Thành đồng ý cho ông được vỡ hoang cánh đồng Hói Sác. Nói là đồng nhưng từ ngàn đời nay cây lúa chưa được cắm xuống đất này, chỉ có lau lách quanh năm um tùm. “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, nhớ lời ông cha, ông Hòa chưa vội gieo cấy mà thả cá ở đồng Hói Sác.
 

Vụ cá đầu tiên thắng lợi. Vụ tiếp theo ông thả gấp đôi số con giống vụ trước, nhưng nước mặn tràn vào, thế là trắng tay. “Nhìn cá chết trắng đồng mà tôi ngất luôn. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đi toi hết” - ông Hòa nhớ lại.

Không nản, ông đi vay tiền ngân hàng, thuê người đắp bờ ngăn mặn. Năm đó, ông thuê những 30 thợ cày với 10 con trâu mộng, tắc rì từ sáng đến tối. Thế mà vẫn không kịp đất để gieo cấy. Phân nửa mạ đã gieo chết trắng cả đồng. Một vụ gieo trồng lại toàn lép. Bà Phan Thị Loan, vợ ông, vẫn chưa quên những ngày khốn khó: “Suốt ngày tôi chỉ tiếp người đến đòi nợ.

Hồi đó nếu không có ông giám đốc ngân hàng nông nghiệp huyện tốt bụng thì nhà cửa chúng tôi đã bị phát mãi rồi. Thế mà ông Hòa nhà tôi vẫn không chừa”.

Được một cán bộ Viện Cơ giới nông nghiệp giới thiệu, ông bán hết những gì có thể bán được sang Trung Quốc nhập ngay một máy cày mini. Vụ ấy, sau rền vang tiếng máy, ông thắng lớn trên cánh đồng Hói Sác.

Ông nói: “Tôi vui lắm nhưng vẫn chưa trọn, vì lời thề tìm giống lúa thuần chủng vẫn chưa thực hiện được. Không lẽ “đất nước của ba miền cày ruộng” mà phải phụ thuộc giống lúa lai, vừa đắt vừa bị động như vậy mãi sao”. Sau lần ấy, ông Hòa khăn gói đi tìm giống lúa thuần Việt. Run rủi cho ông được gặp giáo sư Vũ Tuyên Hoàng. 5 lượng thóc giống mà ông Hòa gọi là 5 lượng vàng được giáo sư Vũ Tuyên Hoàng giao cho đã làm nên gạo AC5 nổi tiếng - thương hiệu gạo xứ Nghệ.

Giống lúa thảo dược

Sau khi giống lúa thuần chủng AC5 được bà con trong tỉnh Nghệ An và một số tỉnh lân cận phát triển, ông Hòa lại nghĩ tới một giống lúa đặc biệt hơn. Từ năm 2005, ông một mình âm thầm, hết phòng kín đến chân ruộng, hết bổ sung dinh dưỡng cho cây đến lai các giống với nhau, qua bao nhiêu thất bại cuối cùng có hai bông lúa màu tím ra đời.

Ông nói với tôi như reo lên: “Mừng lắm chú ơi. Một bông được 176 hạt và một bông được 134 hạt”. Từ hai bông lúa tím, ông đã gieo được chừng 2m2 mạ. Lá mạ mỗi ngày một tốt, ông mừng thầm trong bụng. Khốn khổ, khi mạ ra đồng thì gặp lũ. Cấy xuống rồi lại phải bứng lúa lên, chăm bẵm hơn cả con trẻ, chờ lũ rút mới cấy lại. Thế mà năng suất vẫn vượt xa AC5, đạt những 370 kg/sào Bắc bộ.

Ông cho biết giống lúa này chuyển màu theo từng giai đoạn phát triển. Gieo mạ thì có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang màu xanh đậm, khi trổ bông lại đổi màu tím Huế.

Đoạn ông thở phào: “Chính màu tím này mà suýt nữa tôi lại sạt nghiệp. Bà con thấy màu lúa lạ quá, định không gieo mạ nữa trong lúc mầm lúa đã lên đủ ngày”. Ông giải thích: “Lúc ủ mộng, mầm lúa có màu tím thay vì màu trắng như các giống lúa thông thường. Bà con tưởng mầm bị thối, có người cho là bị nhiễm bệnh nên tẩy chay. Giải thích đến khản cả cổ mà họ vẫn không nghe. Cuối cùng tôi phải ký cam kết họ mới chịu. Rồi khi trổ bông nó trở sang màu tím, trên một số lá có hiện tượng lốm đốm vì chuyển màu chưa hết, cả cán bộ bảo vệ thực vật cũng khẳng định là bệnh lạ. Tôi lại một phen phải cam kết với dân”.

Vụ mùa năm 2008, lúa thảo dược được bà con thu hoạch với năng suất 385kg/sào. Ông Hòa mua với giá gấp đôi lúa thường nên ai cũng phấn khởi. Đâu đâu người ta cũng bàn về giống lúa thảo dược. Cũng từ năm này, ông lấy tên Vĩnh Hòa, tên công ty, đặt cho giống lúa mới - giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1. Chưa dừng lại, các bộ giống lúa thảo dược mới lần lượt ra đời: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4. Tất cả đều đã được bảo hộ bởi Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới Bộ NN&PTNT.

Niềm vui kiểm định

Giống như năm năm về trước đi kiểm định vi chất và dư lượng chì, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho gạo AC5, hè này ông Hòa lại đùm đùm gói gói ra Hà Nội kiểm định chất lượng gạo thảo dược, nhất là hàm lượng Omega. Mấy cô nhân viên ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 nhìn ông ái ngại. Có cô thành thật khuyên: “Bác nên về đi kẻo tốn tiền, cháu chưa thấy ai đưa sản phẩm đến kiểm định mà đạt được hàm lượng Omega như mong muốn”. Ông lặng người, không lẽ công mình công cốc. Nhưng rồi ông quả quyết: “Cháu cứ làm cho bác, đạt hay không cũng vui vì bác chính là tác giả của loại gạo này”. Cô gái nhận lời ông như một sự chia sẻ, bằng cớ là cô đã cố gắng giảm cho ông 200.000 đồng lệ phí.

Một ngày cuối tháng 6, tôi nhận được điện thoại của ông khi ông đang nhận kết quả kiểm định từ Tổng cục Đo lường chất lượng. Ông vui đến lạc cả giọng: “Các chỉ số đều đạt cả, thành công thật rồi”. Đoạn ông đọc các chỉ số cho tôi ghi chép mà như vỡ tung cả điện thoại: hàm lượng canxi (đơn vị mg/100g): 16,6, hàm lượng sắt: 1,1, hàm lượng vitamin A: 57,0, hàm lượng Omega 9: 1.290,0, hàm lượng Omega 6: 6,5.

Chiều nay, cùng lội ruộng với ông, tôi mới hiểu ông trăn trở thật nhiều về lợi ích của nông dân. Ông nói: “Mùa gặt tới tôi sẽ mang rơm rạ đi kiểm định, nếu đạt các chỉ số về dưỡng chất, nhất là hàm lượng Omega, thì bà con ta có thể bán lúa từ gốc đến ngọn”.

 

Gạo chức năng

PGS.TS Nguyễn Văn Tuất, phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, cho biết: “Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 rất phù hợp với vùng có khí hậu khắc nghiệt như ở Nghệ An, lúa có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt. Chúng tôi gọi gạo thảo dược là gạo chức năng. Gạo này có các thành phần vi lượng như Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và Viện Dinh dưỡng đã có kết quả kiểm định. Gạo vừa bổ dưỡng vừa có khả năng kháng bệnh cho con người. Tôi nghĩ nên bổ sung giống lúa thảo dược vào bộ giống lúa chất lượng của VN. Nó vừa có chất lượng, năng suất cao, giá bán gấp đôi lúa thường, bà con chủ động được giống, không tốn tiền, tốn công như gieo trồng các giống lúa lai”.

THÀNH AN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây