Nhiều điểm “nóng” lấn chiếm đất rừng, rừng chưa được giải quyết dứt điểm

Thứ hai - 05/08/2013 03:47 - Đã xem: 1391
Thời gian qua, tình trạng người dân lấn chiếm rừng, đất rừng để sinh sống, sản xuất đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.




Hiện tại, phần lớn diện tích đất rừng, rừng bị xâm chiếm trái phép chưa được ngành chức năng, các địa phương giải tỏa để trồng lại rừng
 




Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì qua kiểm tra, rà soát ở các địa phương, toàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều điểm “nóng” lấn chiếm đất rừng, rừng với quy mô lớn. Đây cũng là nơi xuất hiện tình trạng mua bán, sang nhượng đất rừng, vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép và phức tạp. Thống kê của Đoàn 12 huyện Chư Jút, tại tiểu khu 826 thuộc xã Ea Pô, địa phương này hiện có 181 mảnh đất với tổng diện tích hơn 260 ha đất sản xuất là đất lấn chiếm rừng, đất rừng.
 
Ngoài ra, xã Ea Pô hiện còn hàng trăm héc ta đất rừng, rừng bị lấn chiếm trái phép chưa được thống kê, xác minh đối tượng cụ thể... Ở huyện Đắk Glong, mới đây, địa phương này cũng đã lập 103 biên bản vi phạm mà các đối tượng đã chiếm hơn 240 ha đất rừng tại tiểu khu 1648, 1658, 1659 thuộc địa phận xã Quảng Sơn để sản xuất.
 
Tương tự, rà soát ở xã Nâm Nung (Krông Nô), ngành chức năng cũng phát hiện và lập biên bản 117 ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép; xã Đức Xuyên có 210 ha đất rừng, rừng cũng được người dân chiếm làm nương rẫy.
 
Ngoài các điểm “nóng” phá rừng, rồi chuyển thành đất canh tác, thời gian qua, tình trạng người dân tiếp tục vào rừng phá vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vừa qua, Đoàn 12 huyện Tuy Đức đã phải huy động lực lượng ngăn chặn 30 người dân ở bản Tân Lập, xã Đắk Ngo vào phá rừng tại tiểu khu 1511.
 
Tại xã Nâm N’jang (Đắk Song), các cơ quan chức năng phát hiện nhiều người dân vào chặt phá rừng trái phép ở khu vực thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Thuận Tân; khu vực dự kiến xây dựng khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly cũng xảy ra tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Kiểm tra các địa phương như thị xã Gia Nghĩa, huyện Krông Nô, Tuy Đức thì rừng bị mất trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều.
 
Theo đó, trong 6 tháng qua, toàn tỉnh có 147 ha rừng bị chặt phá, được lập biên bản. Diện tích rừng bị mất vẫn tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều điểm “nóng” phá, lấn chiếm đất rừng như: huyện Đắk Song 74,12 ha; Tuy Đức hơn 12ha; thị xã Gia Nghĩa 20,81 ha; huyện Krông Nô 19,31 ha…
 
Có thể nói, mặc dù tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp, nhưng thực tế thì việc xử lý, giải tỏa các điểm “nóng” này lại không được nhiều. Trong 6 tháng qua, Đoàn 12 tỉnh và các địa phương mới chỉ giải tỏa, xử lý được một số điểm “nóng” phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở huyện Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô.
 
Cụ thể, tại huyện Đắk Song, các đơn vị đã giải tỏa, tháo 10 lều, quán; phá bỏ 34 ha hoa màu, cây công nghiệp trồng trái phép trên đất rừng. Ở huyện Đắk Glong, nơi có diện tích đất rừng, rừng bị xâm chiếm trái phép với số lượng lớn, nhưng việc giải tỏa cũng chẳng bao nhiêu. Qua 6 tháng đầu năm, toàn huyện mới giải tỏa được hơn 10 ha đất, trong tổng số hàng trăm ha đất rừng, rừng bị xâm chiếm trái phép. Đáng chú ý, ở huyện Krông Nô, trong hơn một tháng qua, địa phương này đã giải tỏa được gần 100 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm canh tác sản xuất, thuộc xã Đức Xuyên.
 
Ông Hoàng Tiến Mạnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Nô cho biết: “Để giải tỏa triệt để các điểm lấn chiếm đất rừng, rừng và tránh nguy cơ tái lấn chiếm những diện tích này thì địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn. Nếu không áp dụng những biện pháp mạnh thì huyện sẽ rất khó giữ được những diện tích đất rừng, rừng đã giải tỏa, cũng như ngăn chặn có hiệu quả việc phá rừng”.
 
Còn theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Jút thì việc giải tỏa tình trạng lấn chiếm trái phép đất rừng, rừng chậm vì gặp nhiều khó khăn. Ngay việc kiểm kê, điều tra, xác minh đối tượng lấn chiếm đất rừng, tuyên truyền để bà con hiểu phải giao lại đất đã xâm chiếm trái phép cho Nhà nước cũng không hề dễ dàng.
 
Thực tế, khi triển khai công tác điều tra, xác minh, tuyên truyền thì bà con thường né tránh, bất hợp tác, hoặc là chống đối… Nếu mình làm không tốt khâu này, chắc chắn quá trình giải tỏa sẽ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện… Vì vậy, ở địa phương, nếu có giải tỏa được các điểm “nóng” lấn chiếm đất rừng, rừng thì cần sự vào cuộc hỗ trợ lớn từ các cấp, ngành của tỉnh.
 
Được biết, theo kế hoạch của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp cùng ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai giải tỏa hàng trăm ha đất rừng, rừng bị lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, để những kế hoạch trên có thể thực hiện được thì lại đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính các cơ quan, ngành chức năng, chính quyền địa phương có đất rừng, rừng bị lấn chiếm trái phép. Còn nếu không, những kế hoạch này cũng chỉ dừng lại ở … kế hoạch.
 
Bài, ảnh: Công Tính

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây