Nan giải chuyện chống thất thu thuế

Thứ năm - 19/09/2013 00:01 - Đã xem: 1499
Bắt đầu từ tháng 6, ngành Thuế đồng loạt ra quân chống thất thu thuế trong lĩnh vực nông sản, nhưng hiệu quả lại không đạt như mong muốn.




Theo Cục Thuế tỉnh, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh nông sản năm 2013 là 100 tỷ đồng. Ảnh: V.H
 




Mất nhiều, thu lại chẳng bao nhiêu
 
Cũng ra quân chống thất thu ngân sách Nhà nước, ở huyện Ðắk Glong, kết quả thu được không thấm tháp gì so với số thuế bị hụt. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Huynh, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Ðắk Glong thừa nhận: “Sau 3 tháng đồng loạt ra quân, địa phương mới chỉ truy thu được gần 600 triệu đồng tiền thuế. Ðây là con số thấp so với tỷ lệ thất thu thuế lĩnh vực nông sản ở địa phương từ đầu năm đến nay là 5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do địa bàn quá rộng, nhân lực ít nên đơn vị chỉ quản lý được những vùng trung tâm như xã Quảng Khê; còn các xã Ðắk Ha, Quảng Sơn… thì “ôm” không xuể. Hơn nữa, các doanh nghiệp dùng nhiều chiêu thức trốn thuế rất tinh vi, gây khó khăn cho cán bộ thuế”. Ông Huynh cho biết thêm, ngoài yếu tố khách quan tác động, có đôi lúc, đôi nơi, cán bộ thuế cũng còn buông lỏng, quản lý thiếu chặt chẽ, dẫn đến kết quả chống thất thu chưa như mong đợi.
 
Vẫn là câu chuyện chống thất thu, ở huyện Ðắk Mil còn nhiều vấn đề đáng bàn hơn nữa. Tuy có nguồn thu thuế đứng nhất nhì tỉnh (lĩnh vực nông sản chiếm hơn 80%), nhưng kết quả chống thất thu thuế của huyện lại đang tỷ lệ nghịch với thực tế đó. Theo Chi cục thuế huyện Ðắk Mil, hiện tại, số thuế bị hụt thu là 35 tỷ đồng thì hiện mới truy thu được gần 390 triệu đồng.
 
Ông Vũ Văn Thiện, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Ðắk Mil giải thích: “Với thực trạng như hiện nay, từ giờ đến cuối năm, địa phương rất khó hoàn thành dự toán được giao. Bởi, bên cạnh nguồn thu hạn chế, số thuế bị thất thu của huyện ngày càng tăng lên. Cụ thể, thời điểm này năm 2012, số thuế lập bộ từ lĩnh vực nông sản là 45 tỷ đồng, nhưng đến năm 2013, con số đó đã giảm xuống còn 9,7 tỷ đồng”.
 
Ông Thiện cho biết thêm, trong khi doanh nghiệp gian lận thuế thì nhiều, mà lực lượng thuế chỉ có giới hạn. Ðiển hình ở huyện có 3 doanh nghiệp “sừng sỏ” về kinh doanh nông sản, thuộc quản lý của Cục Thuế tỉnh, nhưng hàng ngày, cơ quan thuế huyện vẫn phải giám sát quá trình xuất bán hàng hóa của các doanh nghiệp này. Tuy vậy, có những  lúc địa phương phát hiện được doanh nghiệp trốn thuế, nhưng  không phối hợp kịp thời với lực lượng thuế tỉnh thì cũng đành “bó tay”.
 
Mặc dù kết quả chống thất thu không được như mong muốn, nhưng tại các huyện Ðắk Glong, Ðắk Mil vẫn có con số để báo cáo, trong khi ở huyện Tuy Ðức thì chưa thấy gì. Cũng thành lập đoàn chống thất thu ngay từ đầu tháng 6, nhưng khi hỏi đến số thuế truy thu được, lãnh đạo thuế địa phương bảo chưa thể trả lời (?!).
 
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Xuân Thà, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Tuy Ðức cho rằng: “Ðến đầu tháng 8, địa phương mới thu được 17 tỷ đồng thuế, phí, đạt 40,5% kế hoạch, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài nguồn thu hạn chế, tình trạng thất thu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thuế thu không đạt…Hiện nay, do chưa phải thời kỳ cao điểm của mùa thu hoạch nông sản, trong khi đang mùa mưa dầm, điều kiện đi lại khó khăn nên đoàn chống thất thu chưa thể phát huy hết khả năng”.
 
40 tỷ đồng đã mất hẳn
 
Cũng trong thời điểm trên, Cục Thuế tỉnh cũng đã thành lập 2 đoàn chống thất thu liên ngành chốt tại những địa bàn trọng yếu và kết quả mang lại cũng chẳng khá hơn là mấy. Tính đến ngày 15/8, Ðoàn chống thất thu liên ngành số 1, (chốt chặn địa bàn Cai Chanh, huyện Ðắk R’lấp, thị xã Gia Nghĩa và huyện Ðắk Glong) mới thu được 873 triệu đồng thuế. Ðoàn số 2 (chốt chặn ở huyện Chư Jút, Krông Nô, Ðắk Mil, Ðắk Song) cũng chỉ thu hơn 1,3 tỷ đồng thuế.
 
Ðược biết, số thuế bị thất thu trong năm 2013 (riêng ở lĩnh vực nông sản) là hơn 100 tỷ đồng, trong khi đó, số thuế truy thu được của toàn ngành Thuế hiện chẳng bao nhiêu. Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Thực tế, việc thành lập các đoàn chống thất thu thuế của tỉnh và địa phương chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính bề nổi. Còn về lâu dài cần có những biện pháp mang tầm vĩ mô hơn”.
 
Ông Nghị chỉ ra, trong 100 tỷ đồng bị thất thu, có 40 tỷ đồng đã mất hẳn do 5 doanh nghiệp “ma” chiếm dụng. Và muốn truy thu được 60 tỷ đồng còn lại, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế phải nỗ lực lớn hơn nữa.
 
Phải “trắng đêm” mới thành công
 
Nói đến chống thất thu thuế, trường hợp ở huyện Ðắk Song lại khác. Là địa phương có tổng số thu hàng năm không nhiều, nhưng kết quả chống thất thu rất khả quan. Theo Chi cục thuế huyện Ðắk Song, qua thời gian triển khai chống thất thu thuế, đơn vị đã truy thu vào ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Phước Thiện, Chi cục phó Chi cục thuế huyện Ðắk Song phân tích, sở dĩ kết quả truy thu cao hơn so với những địa phương khác, bởi vì việc chống thất thu được đơn vị triển khai ngay từ đầu năm, nhất là trong lĩnh vực nông sản. Theo đó, ngành Thuế đã tiến hành theo dõi việc vận chuyển nông sản, kiểm kê hàng tồn kho, chốt hóa đơn sử dụng của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc thanh tra, kiểm soát giá trị hàng hóa “đầu ra, đầu vào” của các cơ sở kinh doanh nông sản luôn được thực hiện chặt chẽ.
 
Ông Thiện nói: “Thông thường, các cơ sở kinh doanh chọn thời điểm đêm khuya để xuất hàng nên cán bộ thuế phải túc trực, theo dõi kỹ, nhiều lúc “trắng đêm” bám sát mới thành công. Ðể trốn thuế, các doanh nghiệp đã không ngần ngại bỏ công  sức, tiền của để theo sát từng “nhất cử nhất động” của cán bộ thuế. Khi bị cơ quan thuế phát hiện, doanh nghiệp sử dụng các “chiêu, trò” để qua mặt... Vì thế, khi phân công lực lượng chống thất thu, chúng tôi thường cử những cán bộ vững chuyên môn, nghiệp vụ mới xử lý được".
 
Ðược biết, ngoài kết quả truy thu thuế cao, Ðắk Song còn có nhiều doanh nghiệp luôn chấp hành thuế tốt. Ðây là cơ sở kéo giảm số thuế bị thất thu ở địa phương này. Tìm hiểu từ những người nộp thuế, ngoài ý thức của họ thì chính việc thực hiện chức trách của cán bộ thuế cơ sở cũng đóng góp một phần quan trọng.
 
Giải thích về kết quả nộp thuế đạt cao và luôn được ngành Thuế tỉnh tuyên dương, bà Nguyễn Thị Hà, chủ Cơ sở kinh doanh thu mua nông sản Cương Hà, xã Nâm N’jang cho biết: “Trong thời điểm kinh doanh khó khăn, thay vì dùng “kỹ năng” lách luật, chúng tôi vẫn xác định luôn đồng hành với ngành thuế địa phương. Mỗi khi cơ quan thuế có chủ trương, tôi và các doanh nghiệp khác trên địa bàn đều nỗ lực thực hiện”.
 
Ở gần đó, Doanh nghiệp tư nhân Bá Nguyện cũng được xem là đơn vị nộp thuế tiêu biểu. Ông Thân Văn Bá, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bá Nguyện bày tỏ: “Nếu ngành Thuế quản lý, giám sát chặt chẽ, tôi nghĩ các doanh nghiệp làm ăn “chụp giật” khó mà trốn thuế. Mặt khác, đã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khi được quán triệt chủ trương, ký cam kết về nghĩa vụ thuế thì không có lý do gì để trốn thuế dù làm ăn thuận lợi ít hay nhiều”.
 
Có thể nói, qua thực tế trên cho thấy, việc chống thất thu thuế từ cơ sở đến tỉnh thực sự vẫn còn nhiều khó khăn, nan giải, trong khi thời điểm cuối năm đã cận kề.
 
Nguyễn Lương - Đỗ Công

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây