Chân tướng những vụ mua nông sản lạ

Thứ sáu - 07/03/2014 09:42 - Đã xem: 1434
Câu chuyện thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để mua ốc bươu vàng chỉ mới tạm lắng xuống chưa lâu thì hơn nửa tháng nay tại Vĩnh Long lại xảy ra chuyện có người hỏi mua lá khoai lang non giá cao.
Thương lái nước ngoài thu mua sẽ đi đâu? Được sử dụng làm gì và ai hưởng lợi? Những câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng và tình trạng lại lâu lâu tiếp diễn với nhiều nông sản “lạ, mới, độc” vì thiếu sự vào cuộc mạnh tay từ cơ quan quản lý.

Bỗng dưng biến mất

Nếu cách đây cả chục năm thì thương lái Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam thu mua móng trâu, móng bò,… vài năm trở lại đây thì đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim,…, hay gần đây nhất là lá khoai mì, lá khoai lang... Trong những mặt hàng nông sản này chúng ta cần chú ý hai loại. Loại thứ nhất có thể xác định được nhu cầu tiêu thụ nhưng không rõ ràng về thị trường tiêu thụ. Đó là đọt khoai mì, lá khoai lang là thực phẩm rau xanh, đọt sắn muối còn được coi là đặc sản. Rễ sim, cây chua ke…, có thể làm thuốc. Tuy nhiên, nhập với số lượng lớn, giá lại cao thì cũng khó mà biết được mục đích không rõ ràng.

Loại thứ hai mà chúng ta hay gọi nó là nông sản “dị biệt” vì mục đích thương mại không rõ ràng, không thể xác định được giá trị sử dụng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thì mơ hồ khó xác định. Như lá điều khô, rễ tiêu hay dị hơn là đỉa, móng trâu, móng bò. Nhưng nói chung những nông sản này thuộc loại cá biệt, bất thường. Và chiêu bài quen thuộc của những thương lái TQ vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm thương lái lẫn nông dân nước ta ôm hận. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đã chỉ ra những chiêu bài, thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi nhuận và phá hoại nền kinh tế nước ta.

GS Võ Tòng Xuân:

Chiêu thức làm giá + phá hoại nền kinh tế

Chân tướng sự việc, theo suy luận của tôi thì những hành động thu mua nông sản dị biệt của thương lái TQ là những chiêu bài làm giá thu lợi. Để minh chứng cho chiêu bài làm giá này có thể lấy vụ thu mua lá điều khô ra làm ví dụ với ba giai đoạn:

Giai đoạn 1, các thương lái TQ sẽ đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn lá điều khô với giá 500 đồng/kg và chỉ vài ngày (giai đoạn 2) giá thu mua được đẩy lên 1.000 đồng/kg. Rồi sau vài tuần (giai đoạn 3) tiếp tục đẩy lên gần 2.000 đồng/kg. Lá điều khô lâu nay người nông dân để vậy để giữ ẩm và tăng độ mùn cho đất, nếu không thì chỉ là rác nhưng với những mức giá chưa từng có như vậy đã dụ được lòng tham của nông dân. Họ sẽ gom hết lá điều khô trong vườn, thậm chí có người hái lá điều xanh đem phơi khô rồi bán hay phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt bất chấp sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của cây điều trong năm sau.

Thương lái nước ngoài sẽ thu mua lá điều vào giai đoạn 1, 2, đến giai đoạn 3 họ sẽ thổi giá tăng với mức trên trời nhưng không mua vào. Khi đó người dân lẫn thương lái Việt Nam sẽ đổ xô đi thu mua về chất đống để chờ bán lại cho thương lái TQ. Nhưng lúc này cũng chính là thời điểm thương lái TQ mang chính lá điều khô đã mua với giá thấp ở giai đoạn 1, 2 để bán ra với giá cao ngất ngưởng. Và thế là phần lợi nhuận nhờ chênh lệch giá ấy nằm trong tay thương lái TQ. Chỉ tuần sau các thương lái TQ biến mất, dừng thu mua, lá điều khô thành hàng vô giá trị. Người dân và thương lái nước ta ôm đống thiệt hại chỉ vì ham lợi và mắc bẫy thương lái nước ngoài. Đó là quy luật làm giá của thương lái TQ đối với những nông sản dị biệt.

Hậu quả kèm theo là phá hoại nền nông nghiệp và cả nền kinh tế. Thu gom lá điều khô khiến vụ điều giảm năng suất, móng trâu khiến nông dân mất “đầu cơ nghiệp”, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì củ còn bao nhiêu hay chỉ còn rễ? Thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Vấn đề ở đây là thương lái nước ngoài không được quyền thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân, họ ung dung mua lượng lớn, ngang nhiên đi lại thu mua ắt phải có giấy phép được cấp. Mới đây UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản cảnh báo người dân về tình trạng thu mua lá khoai lang. Đây là động thái tích cực của chính quyền địa phương nhưng chưa đủ. Cần phải kiểm tra chặt chẽ về giấy tờ, giám sát thương lái nước ngoài có các hành động bất thường. Truy tận nơi nguồn mua hàng, nếu có sai phạm phải xử phạt nặng.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương:

Chiêu thức cung-cầu ảo

Bất ngờ hay có thể nói là bất thường, theo thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu đưa ra thì số lượng thực tế các loại nông sản “dị biệt” mà thương lái TQ thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu,… được xuất sang nhưng nếu so với số lượng mà thương lái TQ thu mua thì chênh lệch lớn.

Thực chất ở đây thương lái TQ đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Lý do là họ có thể thổi giá nguồn cung tùy ý vì không có giá trị như con đỉa thì làm sao xác định được giá nó là bao nhiêu, không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ biến luôn. Cuối cùng người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán, hàng hóa không tiêu thụ mà chỉ truyền tay qua lại và thương lái TQ kiếm lợi nhuận, còn ai ôm hàng thì mang nợ, nông dân thì làm hại ruộng vườn mình. Chiêu bài này họ làm hoài vì lòng tham.

 Cách nay khoảng một tháng, từng có thương lái TQ do người Việt làm phiên dịch đến HTX Thành Lợi hỏi mua đậu bắp với giá cao hơn thị trường từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg mà không cần hợp đồng và cũng không đặt cọc nên bị từ chối

Trường hợp lá khoai lang sẽ giống với trường hợp đọt và lá khoai mì năm 2013. Sau khi thương lái nước ngoài thu mua với giá cao, nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng khoai mì. Hậu quả đầu tiên là doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu khoai mì. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài dụ nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ.

Khi nông sản của ta vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang TQ. Tại đây các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Khi đã thống lĩnh thị trường, thương lái TQ có thể xây nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam để thu mua nguyên liệu giá rẻ và xuất về TQ. Tuy nhiên, với chiêu bài này không thể trách nông dân mà trách chính doanh nghiệp trong nước. Nông dân họ mất niềm tin vào doanh nghiệp trong nước, thương lái mua giá cao dại gì họ không bán. Người nông dân làm ăn với doanh nghiệp trong hay ngoài nước kể cả thương lái cần thay đổi thói quen làm ăn, bán hàng phải có hợp đồng, nếu không chịu thiệt biết kêu ai.

Mua chẳng biết để làm gì

Nấm độc: Năm 2012, người dân các xã vùng cao của Bình Định rủ nhau hái nấm hòm - loại nấm rất độc để bán cho thương lái TQ với giá 30.000 đồng/kg. “Họ mua làm gì không ai biết, thấy có tiền thì nhiều người hái bán, tôi cũng mua đi bán lại kiếm tiền lời thôi” - một người thu gom loại nấm này nói.

Cây ngâu: Cuối năm 2011, thương lái TQ đến Bình Định tìm mua cây hoa ngâu. Họ không cho biết mua cây ngâu về để làm gì nhưng cứ cây nào cao ráo, xum xuê là họ hỏi mua với giá 3,5 triệu đồng/cây. “Không biết họ mua về để làm gì mà tranh giành nhau mua nhiều thế” - một người dân thắc mắc.

Hạt chè: Tháng 12-2013, tại Thái Nguyên có tình trạng thu gom hạt chè để bán với giá khoảng 6.000 đồng/kg không phân biệt chất lượng, kích cỡ mà chẳng ai biết họ mua để làm gì.

Cây hải đường: Đầu tháng 3-2012, ở Hải Phòng các thương lái TQ thu mua cây hải đường với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/cây mà chẳng ai rõ để làm gì.

Mua lá điều khô: Năm 2012, tại Đồng Nai, các thương nhân TQ thu mua lá điều khô làm đất suy kiệt dinh dưỡng, còn thương lái thì mang lá điều đi… đốt.

Mua hàng “độc”

Đỉa: Cuối năm 2011, người dân khắp nơi ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, nuôi đỉa để bán cho các đầu nậu với giá cả triệu đồng/kg. Sau đó các đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh đồng đầy đỉa cho người dân.

Rễ sim: Cuối năm 2012, người dân Lạng Sơn đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán với giá 2.500 đồng/kg. Hậu quả là xói mòn đất, tăng nguy cơ xảy ra lũ quét.

Cây phong ba: Thương lái TQ đặt mua số lượng lớn cây phong ba với giá từ 14.000 đến 15.000 đồng/kg. Nhiều ngư dân tìm đến những hòn đảo tại các núi đá vôi đốn hạ mang về bán. Cây phong ba có khả năng làm sạch không khí nên khi cây bị chặt ảnh hưởng đến môi trường.

Cây mật gấu: Còn gọi là ke ních, có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 ở hạng mục nguy cấp (EN) bị thương lái thu mua với giá rất rẻ chỉ 20.000 đồng.

Ong bầu: Đầu tháng 8-2012, ở Hà Tĩnh rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu với giá 500.000 đồng/kg tươi. Loài ong chuyên thụ phấn cây trồng bỗng chốc bị săn bắt muốn hết.

Phân trâu: Năm 2012, thương lái TQ thu gom, mua phân trâu khô với giá 4.000 đồng/kg tại biên giới ba nước Việt-Trung-Lào ở Apachair, Mường Né, Điện Biên.
Theo Pháp Luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây