Nơi có bình minh và hoàng hôn 45 phút/lần

Thứ tư - 18/05/2016 07:44 - Đã xem: 1272
17 năm kể từ khi được phóng lên không gian năm 1998, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vừa hoàn thành vòng quay thứ 100.000 quanh Trái Đất hôm 16-5.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo cột mốc quan trọng này hồi đầu tuần và giải thích quãng đường 2,6 tỉ dặm mà ISS hoàn thành tương đương với 10 vòng quay quanh sao Hỏa hoặc gần bằng quãng đường tới sao Hải vương.

ISS là thành quả hợp tác của 16 nước bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga, Brazil, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Anh.

Cứ 90 phút lại xoay trọn một vòng quanh Trái Đất, các phi hành gia trên ISS (đến nay là 222 người) có cơ hội ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn ngoạn mục mỗi 45 phút một lần.

Không gian làm việc và áp suất bên trong ISS cũng tương tự như chiếc Boeing 747. Trạm Vũ trụ Quốc tế nặng khoảng 450.000 kg và có kích thước của một sân bóng đá.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - thành quả hợp tác của 16 nước. Ảnh: CNN

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - thành quả hợp tác của 16 nước. Ảnh: CNN

ISS từ lâu đã là một phần của rất nhiều dự án nghiên cứu không gian, ví dụ như dự án Twins khi phi hành gia Scott Kelly thực hiện nhiệm vụ kéo dài kỷ lục 340 ngày trên vũ trụ nhằm nghiên cứu các tác động lâu dài của không gian lên cơ thể con người. Gần đây hơn là dự án Veggie khi các nhà khoa học thành công trồng được rau diếp cá trên ISS tháng 8-2015.

Hiện tại, các nhóm nghiên cứu đang tiến hành thí nghiệm đo sức mạnh nanh vuốt của những con chuột nhằm tìm ra cách ngăn chặn việc cơ và xương yếu đi sau thời gian dài sống ngoài không gian.

Cựu phi hành gia của NASA – ông Leroy Chiao – nay là cố vấn đặc biệt của chương trình – cho biết ISS là chìa khóa để phá vỡ ranh giới tiếp theo: đưa con người lên sao Hỏa. “Thử thách lớn nhất là về y sinh học: làm sao để giữ cho các phi hành gia khỏe mạnh trên đường đi và về từ sao Hỏa cũng như khi ở trên bề mặt hành tinh này” – ông Chiao nói.

“Có rất nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể con người trong không gian nhưng điều quan trọng nhất là một khi ra khỏi bầu khí quyểncủa Trái đất, bạn phải tiếp xúc nhiều hơn với bức xạ” – ông Chiao chia sẻ.

Trong khi đó, phi hành gia Jeff Williams, hiện đang ở trên ISS, vừa gửi một thông điệp mừng kỷ niệm: “Vòng quay thứ 100.000 và cuộc hành trình vẫn tiếp tục”.

Bảo Hạnh (Theo CNN)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây