Đến mùng 1 Tết, tốc độ internet Việt Nam mới trở lại bình thường

Thứ năm - 12/01/2017 07:55 - Đã xem: 1176
Sau khi tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố hôm 8/1, đơn vị điều hành tuyến cáp đã bắt tay vào việc khắc phục sự cố, nhưng phải đến ngày 28/1 tốc độ truy cập internet mới ổn định trở lại.

Cả tuyến cáp AAG và IA cùng nhau gặp sự cố

Trước đó, vào ngày 8/1, một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) trong nước cho biết tuyến cáp AAG đã gặp sự cố cùng ngày gây ảnh hưởng đến việc truy cập internet của người dùng. Các ISP đã chuyển sang khai thác tạm băng thông từ những tuyến cáp quang khác đễ hỗ trợ người dùng, nhưng tốc độ truy cập vẫn chậm hơn so với thông thường.

Không chỉ tuyến cáp quang biển AAG mà cả tuyến cáp IA cũng gặp sự cố khiến tốc độ truy cập internet tại Việt Nam khá chậm

Nhưng đến chiều 11/1, nhiều người dùng Internet Viettel ở TP.HCM và Đà Nẵng phản ánh tình trạng không thể truy cập vào Google, Facebook và một số website quốc tế. Theo đại diện trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) gặp sự cố vào ngày 10/1, với vị trí xác định gần Hồng Kông theo hướng từ Việt Nam đến. Điều này càng khiến cho tốc độ truy cập internet tại Việt Nam trở nên chậm chạp sau khi AAG đã gặp sự cố trước đó.

Đến mồng 1 Tết nguyên đán khắc phục xong sự cố tuyến AAG

Một đại diện đơn vị ISP cho biết đã xác định được nguyên nhân sự cố với tuyến cáp AAG là do rò điện, và sự cố dự kiến sẽ được khắc phục vào ngày 18/1 (tức 21 tháng Chạp). Tuy nhiên, theo thông báo từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG gửi đến các ISP mới đây cho biết, phải đến ngày 27/1 (tức 30 tháng Chạp) thì tàu sửa cáp mới tiếp cận được vị trí lỗi, được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km. Nhưng đến ngày 28/1 (mồng 1 Tết nguyên đán), tốc độ truy cập internet tại Việt Nam mới trở lại hoạt động bình thường.

Nguyên nhân gây sự cố với tuyến cáp AAG được xác định do bị rò rỉ điện

AAG là tuyến cáp quang biển quốc tế quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để kết nối các quốc gia Đông Nam Á với Mỹ. Chính thức đi vận hành vào tháng 11/2009, đây là tuyến cáp có tổng chiều dài 20.000 km cùng dung lượng lên đến 2 Tbps.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Tiêu biểu trong năm 2016, tuyến cáp quang AAG đã liên tục gặp sự cố và bảo trì tổng cộng đến 4 lần (tháng 3, 6, 8 và 9). Riêng trong tháng 8/2016, tuyến cáp này đã gặp sự cố kép khi liên tiếp bị đứ ở 2 vị trí nhánh cáp S11 hướng Hồng Kông và S1B hướng Singapore. Hướng Việt Nam nằm trong nhánh cáp S1.

Tương lai sẽ không còn lo ngại đứt cáp?

Trước bối cảnh sự cố cáp quang biển AAG liên tục gặp sự cố trong thời gian qua, các ISP lớn tại Việt Nam đã bắt đầu khai thác tuyến cáp một tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương khác mang tên Asia Pacific Gateway (APG) sau 4 năm đầu tư thi công. APG là tuyến cáp có băng thông cao nhất tại khu vực châu Á, lên đến 54 Tbps. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại công suất mà APG được các nhà mạng khai thác mới chỉ đạt 4 Tbps.

Sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang mới được khai thác trong thời gian tới hứa hẹn giải quyết triệt để vấn đề kết nối internet chậm chạp khi AAG hoặc IA gặp sự cố

Ngoài ra, trong thời gian tới các ISP cũng sẽ sử dụng thêm tuyến cáp quang Asia Africa Euro 1 (AAE-1), nối các nước châu Á đến châu Âu và châu Phi.

Nhã Vân

Nguồn tin: người đưa tin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây