Ít “lò” đào tạo cầu thủ

Thứ năm - 26/09/2013 06:11 - Đã xem: 1646
Tiếng vang của Học viện Arsenal-HAGL JMG đủ sức tạo nên hiệu ứng kích thích, bắt buộc VFF và các CLB phải nhìn lại công tác đào tạo trẻ nếu không muốn ngày càng tụt dốc
Trong thành công của đội tuyển U19 Việt Nam tại Giải Đông Nam Á 2013, với nòng cốt là Học viện Arsenal-HAGL JMG, người hâm mộ chỉ nhắc đến công lao của bầu Đức với tư cách là một ông chủ đầy táo bạo, có tầm nhìn chiến lược với bóng đá trẻ.

Công Phượng (trái), tuyển thủ U19 Việt Nam trưởng thành từ Học viện Arsenal-HAGL JMG Ảnh: Đức Anh
 
Ngược lại, VFF bị chê không hề có bất cứ vai trò nào ngoài việc gắn mác đội tuyển U19 quốc gia cho lứa cầu thủ trẻ tài năng mà bản thân liên đoàn không thể đào tạo nổi.

Không phải ngẫu nhiên khi bầu Đức đồng ý cho các cầu thủ Học viện Arsenal-HAGL JMG khoác áo U19 Việt Nam sang Indonesia dự giải trẻ khu vực lại được dư luận quan tâm nhiều đến vậy. 13 năm kể từ lứa Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường hay Lâm Tấn... gây tiếng vang tại Giải U16 châu Á, bóng đá trẻ Việt Nam hầu như không còn tạo được niềm tin dù hằng năm vẫn cho ra lò hàng trăm cầu thủ trẻ. Công tác đào tạo trẻ quá nhiều bất cập, thiếu đầu tư, đặc biệt là chuyện buông lỏng quản lý đã dẫn đến tình trạng VFF phó mặc hết nhiệm vụ đào tạo cho các CLB địa phương. Tuy nhiên, tư duy bao cấp, phụ thuộc vào nhà nước đã lần lượt khiến nhiều trung tâm đào tạo trẻ có tiếng trên cả nước dần mai một, chỉ còn một vài lò giữ được chất lượng nhờ biết thức thời, bắt tay với các doanh nghiệp, tìm tài trợ để nâng chất lượng như SLNA hay SHB Đà Nẵng...

Sáu năm kể từ ngày bầu Đức đi một nước cờ táo bạo bắt tay với Arsenal-HAGL JMG, vô tình cũng trùng với thời điểm VFF ra mắt trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Năm 2011, trung tâm được xây dựng khang trang ngay cạnh trụ sở chính của VFF, thế nhưng phải đến đúng ngày mà đội tuyển U19 Việt Nam trở về như những người hùng, lãnh đạo VFF mới tổ chức lễ khai giảng khóa dự tuyển bóng đá trẻ quốc gia đầu tiên với đội nam nòng cốt là những cầu thủ U16. Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, lứa cầu thủ này sẽ được đào tạo bài bản để đóng góp cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Mất đến 6 năm để VFF mở được một lớp đào tạo trong khi Arsenal-HAGL JMG đã bắt đầu “hái quả”. Cách làm của VFF đang khiến những người trong nhà ngạc nhiên, còn giới chuyên môn và người hâm mộ xem ra vẫn chỉ biết đặt hết niềm tin vào “gà” của bầu Đức.

Trao đổi cùng chuyên gia Nguyễn Văn Vinh về những cơ hội để bóng đá trẻ Việt Nam được nâng tầm, phát triển, ông không chỉ đánh giá cao học viện của bầu Đức mà còn dành nhiều nhận xét tốt về các trung tâm đào tạo tư nhân như PVF và Viettel. Vấn đề là mô hình đào tạo trẻ dù có đạt chất lượng như thế nào thì các trung tâm này vẫn rất muốn có được sự quan tâm, góp phần quản lý tốt từ ban ngành để định hướng tương lai, chuẩn bị sẵn đầu ra cho các cầu thủ trẻ, tạo cơ hội thi đấu cọ xát quốc tế... Việc VFF tiếp tục phó mặc cho các địa phương thực sự là một nỗi lo!

U21 TP HCM vào bảng khó

Chiều tối 25-9, tại Hải Phòng, BTC VCK Giải Bóng đá U21 quốc gia - Báo Thanh Niên 2013 đã tổ chức bốc thăm chia bảng. Đội U21 TP HCM rơi vào bảng A bị đánh giá là “bảng tử thần” với sự góp mặt của chủ nhà U21 Hải Phòng, U21 Hà Nội T&T và U21 Đồng Tháp.

Trong khi đó ở bảng B gồm 4 đội: đương kim vô địch SLNA, SHB Đà Nẵng, Viettel và Vĩnh Long. Nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch của đội bóng trẻ xứ Nghệ chắc chắn sẽ rất khó khăn khi SHB Đà Nẵng và Viettel có phong độ cao.

Trận khai mạc sẽ diễn ra lúc 18 giờ ngày 26-9 giữa U21 Hải Phòng gặp U21 TP HCM (VTV6 trực tiếp). Trước đó là trận U21 Hà Nội T&T - U21 Đồng Tháp. A.Dũng

Minh Ngọc

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây