Nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa

Thứ tư - 29/05/2013 22:42 - Đã xem: 988
Thiết thực triển khai tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Chương trình 09 của Tỉnh ủy, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tu bổ và phục dựng các di tích lịch sử; sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; củng cố và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…


Chương trình nghệ thuật "Những người con của núi" do Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Nông sáng tác, dàn dựng, biểu diễn – Tác phẩm đoạt giải A cuộc thi toàn quốc sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lần thứ I (giai đoạn 2011-2012). Ảnh: Y KRăk


Theo đó, ngành Văn hóa tỉnh đã làm tốt  vai trò tham mưu cho tỉnh cũng như nỗ lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông”; “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa”... để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các di dản văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
 Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 40 lượt lễ hội tiêu biểu như: lễ sum họp, đoàn kết các bon, lễ mừng chiến thắng, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, các ngày hội văn hóa các dân tộc ở cấp tỉnh, huyện, thị xã... Những lễ hội và ngày hội văn hóa được tổ chức với hình thức và nội dung phong phú, sinh động, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia...
 
Trong việc tổ chức lễ hội, ngày hội văn hóa đã chú trọng đến việc khôi phục các loại hình văn hóa như đan lát, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian, phù hợp với điều kiện từng vùng và loại bỏ hoàn toàn việc lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan.
 
Ngành Văn hóa cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 68 lớp truyền dạy cồng chiêng; 15 lớp tập huấn giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 9 lớp chế tác nhạc cụ; 5 lớp dân ca; 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân cồng chiêng, chỉnh chiêng và truyền dạy đánh chiêng cấp tỉnh.
 
Đồng thời, ngành đã trang bị 119 bộ chiêng, 5 bộ goong cho nhà văn hóa cộng đồng và  gần 300 bộ trang phục truyền thống, 180 loại nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông cho các đội văn nghệ dân gian cấp huyện, thị xã. Việc sưu tầm, xuất bản một số tác phẩm văn hóa dân gian M’nông và nhiều công trình, tác phẩm văn nghệ dân gian cũng được chú trọng đã góp phần giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa ở Đắk Nông cũng như định hướng các giải pháp bảo tồn vốn quý của văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và nhu cầu sáng tạo của nhân dân.
 
Ngành văn hóa tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành lập hồ sơ và đề nghị các cấp xếp hạng các di tích trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc trùng tu tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 danh thắng, di tích cấp Quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh.
 
Trên cơ sở đó, ngành đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ di tích và triển khai việc trùng tu đối với các di tích Nhà ngục Đắk Mil, di tích Đồi 722 - xã Đắk Sắk và di tích lịch sử kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV. Ngoài ra, ngành cũng đã tiến hành phục dựng lại buôn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê đê tại buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút); đồng thời, lựa chọn 2 bon đồng bào dân tộc M’nông tiêu biểu là bon Njriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đăk R’lấp) để triển khai xây dựng bon bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 133/145 bon, buôn, bản đã được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kiên cố; 289/625 thôn, tổ dân phố có hội trường; 71/71 xã, phường,  thị trấn có trạm truyền thanh; 43/71 xã, phường, thị trấn có bưu điện văn hóa; 5/8 huyện, thị xã có nhà văn hóa...
 
Hàng năm, ngành Văn hóa tỉnh còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ các ngày lễ, các sự kiện chính trị tại địa phương. Nhờ vậy, hoạt động văn hóa - thông tin cơ sở, nghệ thuật biểu diễn được tổ chức sôi nổi với những hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo lực lượng quần chúng, các ngành, các giới, các đoàn thể và tổ chức xã hội tham gia.
 
Với sự nỗ lực của mình, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giữ vai trò nòng cốt trong việc tạo được những nét văn hóa mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Đời sống văn hóa cơ sở không ngừng phát triển, chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao, hạn chế được những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp dần. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc được sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ.
 
Lam Giang

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây