Người bảo tồn và phát huy điệu múa khèn H’Mông ở xã Cư Knia

Thứ năm - 11/04/2013 22:50 - Đã xem: 2303
Đến xã Cư Knia hỏi thăm 2 anh em Lầu Văn Sinh và Lầu thị Thu Hương ở thôn 9 không ai không biết đến. Bởi 2 anh em là một trong những người phát huy được điệu múa Khèn truyền thống của người đồng bào dân tộc H’Mông trên đất Cư Knia này, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và bảo tồn nét đẹp văn hóa của người H’Mông giữa núi rừng Tây Nguyên.


Mặc dù theo cha mẹ từ quê hương Cao Bằng vào Tây Nguyên lập nghiệp và định cư tại thôn 9, xã Cư Knia, nhưng cho đến khi Lầu Văn Sinh đi học Trung cấp kế toán ở Cao Bằng, được tham gia vào đội văn nghệ của Trường và tiếp cận với những điệu múa, làn điệu dân ca của dân tộc mình mới tạo cho Sinh một niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt với nền văn hóa truyền thống của người H’Mông, nhất là điệu múa Khèn. Năm 2011, khi hoàn thành khóa đào tạo trở về xã Cư Knia và được bố trí công tác cán bộ ủy nhiệm thu của xã. Mặc dù còn bận với công việc, nhưng bằng sự cố gắng, kiên trì cộng với bầu nhiệt huyết sáng tạo của tuổi trẻ, Sinh đã sáng tạo điệu múa Khèn của dân tộc mình theo phong cách hiện đại nhưng không mất đi bản chất truyền thống. Đặc biệt, Sinh đã truyền dạy điệu múa này cho em gái là Lầu Thị Thu Hương để cùng múa đôi theo điệu Khèn “gọi bạn”. Theo đó, người con trai thì thổi Khèn, vừa múa Khèn với những động tác thành thạo, khéo léo. Đáp lại điệu múa Khèn của chàng trai, cô gái ngả chiếc ô trên đầu vào múa cùng. Những lúc như vậy trời đất bỗng nhiên gần hơn, con người trở nên xinh đẹp hơn. Được biết, Lầu Thị Thu Hương hiện đang là học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Cư Knia. Mặc dù mới được anh trai truyền dạy những điệu múa Khèn nhưng với lòng đam mê, Hương đã thể hiện rất thành thạo.
 

Những lúc rảnh rỗi, 2 anh em lại cùng nhau say sưa luyện tập. Mặc dù có chúng tôi chứng kiến nhưng khi đã bắt đầu vào điệu múa thì cả 2 anh em như hòa vào từng nhịp điệu, từng tiếng Khèn làm lòng người càng thêm mênh mang. Theo Sinh: qua tiếng Khèn như kêu gọi mọi người trở về với cội nguồn, trở về với cái mộc mạc chân chất của dân tộc mình. Có thể nói, trong lĩnh vực nghệ thuật, muốn thành công trước hết bắt nguồn từ lòng đam mê, sự am hiểu, năng khiếu và ham học hỏi. Ở Cư Knia người dân tộc H’Mông không có những buổi chợ phiên hay chợ tình như ở miền Tây Bắc, nhưng họ vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình; và Lầu Văn Sinh là một trong những người phát huy được điệu múa Khèn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người H’Mông trên mảnh đất Cư Knia.
 

Mặc dù mới dạy em gái múa Khèn nhưng 2 anh em đã thành thạo tất cả các điệu múa của dân tộc mình. 2 anh em đã tham gia các Chương trình văn nghệ do xã, huyện và tỉnh tổ chức và đã dành nhiều giải thưởng, được các ngành, địa phương đánh giá cao.

Có thể nói, anh em Lầu Văn Sinh là một trong những người tiên phong trong việc bảo tồn và phát triển điệu múa Khèn của người H’Mông ở xã Cư K’nia, góp phần không nhỏ cùng với các cấp, các ngành bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc H’Mông ở xã Cư Knia nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Huyện Cư Jút nói chung./.
Hương Thơm - Văn Trọng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây