Giữ gìn và phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên ở huyện Cư Jút

Thứ năm - 04/04/2013 22:09 - Đã xem: 1921
Ở Tây Nguyên nói chung và huyện Cư Jút nói riêng, đối với bà con đồng bào dân tộc Ê đê và M’ nông thì văn hóa cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của họ. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị trường nên tình trạng chảy máu cồng chiêng đã và đang diễn ra ở các buôn làng. Trước tình hình đó, trong thời gian qua, huyện Cư Jut đã chú trọng phát triển và bảo nét đẹp văn hóa cồng chiêng ở các bon, buôn trên địa bàn. Đồng thời, đào tạo lớp trẻ kế cận, với một đội cồng chiêng khá đông đảo, tích cực tham gia nhiều hoạt động liên hoan nghệ thuật trong và ngoài huyện.


Những năm gần đây, tiếng cồng, tiếng chiêng và nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác của người dân tộc thiểu số tại chỗ ở huyện Cư Jut đã dần bị thiếu vắng trong đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây, thay vào đó là các loại nhạc cụ hiện đại được sử dụng ngày một phổ biến. Trong khi đó, cồng chiêng lại là loại hình nghệ thuật độc đáo, có tính cộng đồng cao lại đang dần bị lãng quên. Chính vì vậy, huyện Cư Jut đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng truyền dạy cho chính những nghệ nhân đã có kinh nghiệm, uy tín ở các bon, buôn. Điều đó không những giúp các nghệ nhân có thêm nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng mà còn có thể truyền dạy cồng chiêng một cách bài bản cho thế hệ trẻ trong buôn góp phần giúp lớp trẻ ở các buôn có thêm niềm đam mê, hứng thú với cồng chiêng, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Sim Êban, ở buôn Buôr xã Tâm Thắng cho biết: “Cồng chiêng là hồn làng, thời nào cũng vậy không thể để mất hồn làng mà phải làm cho nó giàu thêm. Mình đang dạy bảo lũ trẻ biết đánh chiêng hay và lưu giữ, chỉnh sửa cho đúng âm thanh của từng loại chiêng”. Hiện nay hầu hết thanh thiếu niên ở Buôn Buôr đều biết chơi cồng chiêng, gắn bó với cồng chiêng trong mọi sinh hoạt cộng đồng.

 

Theo thống kê, toàn huyện Cư Jút hiện có 10 buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang lưu giữ trên 46 bộ cồng chiêng, tập trung chủ yếu tại Buôn Buôr, Buôn Nui xã Tâm Thắng và Bon U1, Bon U2 của Thị trấn Eatling và có khoảng 70 nghệ nhân sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ này. Trong thời gian qua, thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy Lễ hội-Văn hóa - Cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc của các dân tộc thiểu số tại chỗ”, Phòng VH-TT huyện đã tổ chức được 9 lớp truyền dạy cồng chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ như: đàn Brố, Ching Đram, đàn Goong, hát Ayray...cho hơn 80 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong độ tuổi từ 15-20 tuổi nhằm giúp cho các học viên hiểu được giá trị truyền thống các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Đồng thời, nhằm mở rộng phạm vi truyền dạy Cồng chiêng, sử dụng nhạc cụ tới các đối tượng là con em đồng bào dân tộc tại chỗ trên toàn huyện.

Trong thời gian tới, huyện Cư Jut sẽ tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh công tác sưu tầm, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng; tích vận động các ban ngành và nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giữ gìn và lưu truyền lại những giá trị văn hoá cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Hi vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ trên, nét đẹp văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở huyện Cư Jut sẽ mãi lưu truyền cho con cháu đời sau./.
Tùng Nhi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây