Văn hóa dân gian một số dân tộc ở phía bắc: Duy trì, phát huy trên Tây Nguyên
Thứ hai - 04/03/2013 20:47
- Đã xem: 1261
Văn hóa dân gian là những giá trị vật chất và tinh thần do dân gian sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, luôn gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc. Văn hóa dân gian một số dân tộc phía Bắc không nằm ngoài sự phát triển chung đó. Những giá trị văn hóa này được đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư vào xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Ðắk Lắk) hay Nam Dong, Ea Pô (Chư Jút) tiếp tục duy trì và phát huy.
|
Ảnh: Tư liệu |
Hai địa phương được ví như vùng núi phía Bắc thu nhỏ, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Mưu sinh trên vùng đất mới nhưng đồng bào Tày, Nùng vẫn luôn nhớ về quê cũ và lưu giữ bản sắc, nghi lễ của dân tộc mình.
Tuy nhiên, những năm đầu khi di cư vào vùng đất Tây Nguyên xây dựng cuộc sống mới, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc tổ chức lễ hội văn hóa dân gian không được duy trì. Những năm gần đây, khi đời sống được no đủ các lễ hội cũng được khôi phục và phát huy trên quê hương mới.
Cứ đến Tết Nguyên tiêu hằng năm, khi mùa màng đã xong, thóc lúa chở về đầy sân, cất đầy bồ cũng là lúc đồng bào ở đây tổ chức lễ hội để cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu, lúa đầy đồng, cây trái xanh tươi và cầu mong một vụ mùa mới mưa thuận gió hòa,…
Lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số phía Bắc được tổ chức với phần lễ rất trang nghiêm gồm các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xóm làng yên vui hạnh phúc. Tiêu biểu nhất là lễ Lồng Tồng (xuống đồng). Ở lễ hội này, phần lễ luôn được những người cao tuổi trong làng chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ việc chọn nguyên liệu như gạo nếp, ngũ quả, gà, heo, rượu, các gia vị,… đến việc thực hiện các nghi lễ đều được thực hiện đúng như nghi lễ truyền thống của dân tộc mình để lại.
Nếu phần lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm thì phần hội lại rất vui vẻ với nhiều trò chơi dân gian mang bản sắc của đồng bào các dân tộc Việt Bắc như: biểu diễn đàn tính, hát then, hội tung Còn và các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co...; thi ẩm thực: nấu rượu, quay heo, làm bánh khảo, bánh trời, bánh tro bếp, khẩu ri,… |
Tiết mục hát Then của người Tày trong lễ hội |
Ðiểm nhấn của phần hội hàng năm chính là hội tung Còn. Tung Còn là một trò chơi đặc trưng nhất của dân tộc Tày, Nùng. Bởi theo quan niệm của người Tày, Nùng, trong ngày hội có người tung Còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Vì vậy mà phần hội tung Còn luôn thu hút đông đảo các thế hệ tham gia.
Những người ở tuổi trung niên tung Còn là dịp để họ thực hiện quan niệm của đồng bào, để ôn lại những kỷ niệm của tuổi trẻ; các nam thanh nữ tú tham gia phần hội này còn là dịp để họ bày tỏ tình cảm với nhau, tung Còn cho nhau, chàng trai thấy ưng ý cô gái nào, thì tung quả Còn cho cô gái đó, nếu cô gái bắt lấy quả Còn, chứng tỏ cô gái cũng mến chàng trai.
Ðể chuẩn bị cho phần thi này, giữa sân lễ hội người ta dựng một cây tre cao từ 20-30m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50-60cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật, Nguyệt tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Quả Còn được làm bằng vải màu, trong nhồi gạo hoặc ngô, có tua rua nhiều màu sắc. Ðể tung trúng vòng tròn không hề đơn giản, đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và sự khéo léo. |
Cột tre chuẩn bị cho hội tung Còn. Ảnh: Q.X.D |
Ðến với lễ hội, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc phía Bắc mà còn được chứng kiến cách chưng cất rượu ngô men lá, lợn quay ủ lá móc mật, thi gói bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, làm cơm lam, gà nướng; được thưởng thức hương vị của những sản vật mang đậm bản sắc của núi rừng phía Bắc, được hòa mình vào không khí của những trò chơi dân gian hấp dẫn thể hiện sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng.
Lễ hội diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm là dịp để đồng bào các dân tộc phía Bắc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của mình. Qua các hoạt động này, cộng đồng các dân tộc được giao lưu, khắc sâu tinh thần đoàn kết và giữ vững những nét tín ngưỡng lành mạnh… Ðồng thời, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa các dân tộc tại Ðắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online