Mỹ dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Thứ ba - 26/02/2013 04:07 - Đã xem: 1469

Mỹ dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Dưới đây là đoạn trích từ bài viết của Bill Bigelow, tác giả sách về cải cách giáo dục và phương pháp sư phạm, giảng dạy tại trường trung học Franklin, bang Oregon, về cách dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Phương pháp là thầy trò cũng đóng kịch để hồi tưởng sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam (Role Playing the Origins of U.S. Involvement in Vietnam). Bài đăng trên tạp chí Rethinking Schools (Xét lại tư duy dạy và học) nơi Bill Bigelow làm biên tập. Tác giả khuyên dùng cách mô tả (description) thay cho giảng giải (explanation) để dạy sử...

Liên Hiệp quốc từng tuyên bố 10 năm đang qua là thập niên của hòa bình. Nhưng điều trớ trêu đầy phiền muộn, là việc dạy sử vì hòa bình lại bắt đầu với việc học sử về chiến tranh. Nếu chúng ta không xem xét cẩn thận các động lực gây chiến, để thấu hiểu những nguồn gốc của các cuộc xung đột trên toàn cầu, chúng ta sẽ không thể đề cập các giải pháp (hòa hoãn) có sức thuyết phục, do không có được cơ sở để hình dung thế nào là hòa bình.

Việt Nam 1945. Nguồn ảnh: Tạp chí Rethinking schools.

Tiếc thay, khi tìm căn nguyên của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, không một giáo khoa lịch sử nào của Mỹ nhìn lại được xa hơn những năm 1950. Vì sao Hoa Kỳ dính líu vào Việt Nam? Như James Loewen chỉ ra trong ‘Những điều dối trá mà thày dạy tôi’ (Lies My Teacher Told Me) – phê bình 12 cuốn giáo khoa sử bán chạy nhất, “Hầu hết các giáo khoa sử đều lẩn tránh chủ đề này. Một phép phân tích có tính tiêu biểu từ sách ‘Những cuộc phiêu lưu của Mỹ’ (American Adventures): “cuối những năm 1950, chiến tranh bùng nổ ở Nam Việt Nam. Lúc này Hoa Kỳ đang viện trợ cho chính phủ Nam Việt Nam”.

“Chiến tranh bùng nổ” (!) – không lẽ môn sử lại được dạy đơn giản như thế?

… Khi lập giáo án với những lời giải thích, mà không giảng giải, như vậy, giáo viên thần bí hóa không chỉ các căn nguyên không chỉ của cuộc chiến ở Việt Nam, mà của mọi thứ chúng ta đang dạy. Học sinh phải học cách phân biệt giảng giải thích với mô tả, các khái niệm như “chiến tranh bùng nổ”, hay “hỗn loạn bùng phát”.

Trong tư duy về các sự kiện xã hội để nhận biết các nguyên do căn bản, việc luôn đặt các câu hỏi: “Vì sao?”, “Vì lợi ích của ai?” cần trở thành tập quán chủ đạo trong đầu của cả người dạy và người học. Chỉ bằng cách phát triển các công cụ nghi vấn sâu, mới làm cho học sinh tìm cách hiểu rành mạch về các cuộc xung đột trên toàn cầu hôm nay.

Một ấn phẩm về cải thiện chất lượng trường công lập ở Mỹ.

Đặc biệt là khi dạy các vấn đề như lịch sử Việt Nam, việc mô tả, mà không giảng giải, gây được sự say mê. Xét cho cùng, đã có biết bao phụ liệu (stuff – chất độn) cho vấn đề Việt Nam: không biết bao nhiêu phim, vô số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, rồi những cựu binh tới các lớp để nói chuyện… Tất cả những tài nguyên đó đều tuyệt, và sống động, nhưng nếu một nền tảng là những nguyên nhân gây ra chiến tranh không được kiến thiết sẵn, thì việc sử dụng những chất độn kê ở trên sẽ chỉ gây ra sự tọc mạch (voyeuristic), mà không có được hiệu quả giáo dục.

Đóng vai nhân vật lịch sử

Một ấn phẩm về cải thiện chất lượng trường công lập ở Mỹ

Giáo viên lập ra hai nhóm nhân vật chính cho học sinh đóng: các đại diện của Mặt trận Việt Minh, và các thành viên của chính phủ Pháp/ các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Có thể thêm các vai: các nhà quản trị tập đoàn kinh doanh Mỹ… các địa chủ Việt Nam đứng về phe Pháp. Các em có thể được phát một “kịch bản” (student handout), gợi ý cách nhập vai.

Mỗi nhóm được mời tới gặp “tổng thống Truman” (người mà về sau các học sinh sẽ được học, không bao giờ tiến hành một cuộc gặp như thế), để trình bày lập trường của mình về vấn đề độc lập cho Việt Nam. Giáo viên đóng vai tổng thống Truman, và chủ trì cuộc gặp. Các thành viên của từng nhóm phải giải thích với “tổng thống”:

• Họ chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới II ra sao.
• Vì sao Hoa Kỳ phải để tâm đến những gì đang xảy ra ở Việt Nam, và những trách nhiệm nào mà nhóm này cho rằng Mỹ phải cáng đáng…
• Liệu Hoa Kỳ có cần phải cảm thấy bị đe dọa bởi chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam…
• Tổng thống Truman, theo ý của từng nhóm, cần hành động ra sao với Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: ủng hộ, làm ngơ, hay chống lại bản Tuyên ngôn này;
• Chính phủ Hoa Kỳ (sau thế chiến II) có nên cho người Pháp vay nợ, và nếu định cho vay nợ, thì nên kèm theo những điều kiện nào?

Bìa một số tạp chí Rethinking School, số đặc biệt chống truyền đạt kiến thức "đóng hộp" cho học sinh.

Dĩ nhiên là nếu học sinh càng hiểu rõ tình hình ở Việt Nam và Pháp trước 1945, và về thế chiến II nói chung, thì diễn xuất của em càng xuất sắc hơn… Tuy nhiên, ngay cả khi kiến thức về giai đoạn lịch sử này của học sinh còn yếu, thì giờ học sử này vẫn diễn ra hấp dẫn, giới thiệu được những điểm chính diễn ra trong thời điểm lịch sử hệ trọng ấy…

Tôn trọng lịch sử

Nếu giáo viên sử chấp nhận cách giải thích của cố vấn an ninh quốc gia thời Johnson, Walt Rostow (rằng Mỹ dính líu vào Việt Nam để ngăn chặn sức mạnh Liên Xô), và của các nhà viết sách giáo khoa hiện hành, để rồi dạy sử chiến tranh Việt Nam khởi điểm từ cuối những năm 1950, sẽ không thể tạo tư duy tỉnh táo về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Nhất là khi các tổng thống (thời chiến tranh Việt Nam) nói chúng ta sang đó để bảo vệ nền độc lập của “Nam Việt Nam”(!?)

Sinh viên cần được đi ngược dòng lịch sử ít nhất đến năm 1945, để tư duy một cách có phê phán, về cuộc nhào nặn ra một nước gọi là Nam Việt Nam, nhằm bào chữa cho cuộc “bảo vệ” nước này. Cái chết của hàng chục ngàn người Mỹ, của hàng triệu người Việt, cùng với sự tàn phá về xã hội và sinh thái ở Đông Dương, đòi hỏi luống ánh sáng gay gắt của lịch sử chiếu thật rõ.

Nếu chúng ta định dành cho hòa bình một cơ hội, chúng ta phải suy luận trung thực về nguồn gốc của chiến tranh.

1: Nguồn: http://www.rethinkingschools.org/war/ideas/viet173.shtml

2: Role Playing an Historic Choice

Theo Vietnamnet

CẦN KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ NHỮNG BỘ PHIM VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ VIỆT NAM
Nhiều người nhận xét lớp trẻ hiện nay hiểu biết lịch sử của nước ngòai như Trung quốc, Anh, Pháp, Mỹ… nhất là lịch sử Trung quốc biết nhiều hơn là lịch sử của đất nước Việt nam. Xem các chương trình của Đài truyền hình Việt nam như Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi sinh viên 96,2000,2012, Hành trình văn hóa vv…có những câu hỏi về nhân vật lịch sử nước ta rất phổ thông như đời các vị vua, các vị tướng tài của đất nước, hoặc các danh nhân học sỉ qua các triều đại dựng nước và giữ nước, nhưng các em không trả lời được. Đây là vấn đề cần báo động, Bộ giáo dục đào tạo, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục Điện ảnh, các nhà sử học, các nhà đạo diễn cần nghiên cứu làm thế nào để người Việt nam phải hiểu lịch sử Việt nam nhất là lớp trẻ hiện nay là nguồn tương lai xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua theo dõi những năm qua các Đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương liên tục chiếu các phim về đề tài lịch sử Trung quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc thời chiến quốc, Tần thủy hòang, Lã bất vi, Thương ưởng, Tôn trung Sơn, Bao thanh thiên vv…thật sự đã thâm nhập vào khán giả Việt nam. Diễn viên tham gia đều thể hiện thành công vai diễn của mình, đã làm say sưa hàng triệu khán giả đủ các lứa tuổi dưới màn ảnh nhỏ, do vậy những nhân vật lịch sử Trung quốc đã thâm nhập vào bộ nhớ lúc nào không biết. Trong khi đó các nhà kịch bản, nhà đạo diễn làm phim Việt nam dường như ít quan tâm khai thác đề tài lịch sử Việt nam. Có một số ít hãng phim , nhà đạo diễn, nhà biên kịch cũng mạnh dạn đầu tư vào những bộ phim lịch sử Việt nam như Tây sơn hào kiệt, Đêm hội long trì, Nguyễn ái quốc ở Hồng kông vv…“Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu” là nhận định của nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam tại buổi Hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và truyền hình”, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 6/11/2012 tại Hà Nội. Tuy nhiên qua theo dõi các phim lịch sử được sản xuất bị các nhà phê bình điện ảnh khen ít mà chê thì nhiều, do vậy các hãng phim, các nhà biên kịch, nhà đạo diễn nản lòng không ai muốn thực hiện các lọai phim về đề tài lịch sử. Để có những bộ phim hay về đề tài lịch sử, đề nghị Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục điện ảnh cần tổ chức cuộc thi viết biên kịch phim về đề tài lịch sử, cụ thể nhân vật lịch sử nào đó có công trạng với đất nước, đối tượng tham gia cuộc thi rộng rãi trong và ngòai nước, sau đó chọn ra biên kịch phim xuất sắc kêu gọi các hãng phim, các nhà đạo diễn xuất sắc đầu tư sản xuất bộ phim này, nhà nước nên hổ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện cho các hãng phim hòan thành bộ phim này. Điểm qua lịch sử nước ta từ ngày dựng nước và giữ nước đến nay, có biết bao là vị vua anh minh đem lại thái bình hưng quốc như Đinh bộ Lĩnh, Lê Hòan, Lê Lợi, Lý công Uẩn, Trần thánh Tôn, Trần nhân Tôn,Quang Trung Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh vv…Và có nhiều vị tướng tài đem lại cho đất nước những chiến công hiển hách như Hưng đạo vương Trần hưng Đạo, Trần nhật Duật, Yết Kiêu, Phạm ngũ Lão, Lý thường Kiệt, Võ nguyên Gíap vv…Nhưng đến nay rất có ít phim nói về các vị vua, vị tướng anh hùng của dân tộc. Là người Việt nam, dân tộc Việt nam ai cũng mong muốn ngành điện ảnh Việt nam hết sức quan tâm đầu tư nhiều bộ phim về đề tài nhân vật lịch sử Việt nam điển hình. Để từ đó từ người già đến trẻ có điều kiện ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc , qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ Việt nam càng hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử đất nước mình, càng tự hào về dân tộc. Đây chính là mong muốn của những người yêu điện ảnh Việt nam.

MINH TRÍ


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây