Bà trưởng phòng tham ô tiền tỉ

Thứ năm - 26/09/2013 06:19 - Đã xem: 1296
Tiền chính sách của học sinh, sinh viên nghèo, tiền trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, xây nhà tình nghĩa… đã bị chiếm dụng nhằm trục lợi cá nhân
Sáng 25-9, tại trụ sở UBND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã thực hiện quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Khai, nguyên trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Tân Phước, để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Bà Nguyễn Thị Khai bị bắt tại trụ sở UBND huyện Tân Phước
 
Ngay sau đó, bà Khai đã được đưa về nhà riêng để khám xét, thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án. Ngoài bà Khai còn có 2 cán bộ khác là Nguyễn Thị Bích Liễu (kế toán Phòng LĐ-TB-XH) và Lê Thị Bích Huyền (thủ quỹ) cũng bị điều tra.

Ăn chặn tiền của học sinh nghèo

Theo quy định của Chính phủ, học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, tàn tật, mồ côi… ở huyện Tân Phước được nhận tiền hỗ trợ. Nhưng từ tháng 10-2011 đến tháng 2-2012, bà Khai đã nhiều lần chiếm dụng hơn 1,2 tỉ đồng tiền này cho mục đích cá nhân.

Cụ thể, theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, khoản chi hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo và miễn giảm học phí cho sinh viên là hơn 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Khai đã ký quyết toán khống với Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện về số tiền này và chỉ mới chi hơn 157 triệu đồng, bao gồm chi phí học tập cho học sinh nghèo 36,19 triệu đồng, chi miễn giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề 30,5 triệu đồng (phần chi này chỉ thể hiện trên giấy tờ chứ chưa được xác minh có thật sự chi cho đối tượng thụ hưởng hay không).
 
Phần còn lại 1,087 tỉ đồng chưa chi, sau khi quyết toán với Phòng Tài chính - Kế hoạch, bà Khai đã chỉ đạo thuộc cấp hủy toàn bộ hồ sơ ký khống nhằm chiếm dụng. Ngoài ra, từ tháng 1-2012 đến tháng 7-2012, bà Khai còn chiếm dụng các nguồn kinh phí của trung ương và địa phương với số tiền hơn 190 triệu đồng.
 
Tổng cộng 2 khoản bà Khai đã tham ô hơn 1,2 tỉ đồng. Khi bị phát hiện, bà Khai nộp lại cho đơn vị 290 triệu đồng.

“Mượn” kinh phí của đối tượng bảo trợ xã hội

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang, phần kinh phí tạm ứng để chi cho đối tượng thuộc Nghị định 13 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội 6 tháng cuối năm 2011 còn tồn hơn 113 triệu đồng nhưng Phòng LĐ-TB-XH huyện Tân Phước đã chi không đúng quy định, kiểm tra quỹ cũng không còn tiền mặt.
 
Trong năm 2009, Phòng LĐ-TB-XH huyện còn sai phạm trong việc thu, chi kinh phí vận động xây dựng nhà tình nghĩa. Cụ thể, tổng số tiền thu được là 583 triệu đồng, tổng chi là 326 triệu đồng, tồn quỹ 257 triệu đồng đã được duyệt chi không đúng mục đích, kiểm tra tiền mặt tại kho quỹ cũng không còn.
 
Khai với CQĐT, bà Nguyễn Thị Bích Liễu nói có biết việc bà Khai “mượn” tiền của đơn vị trong thời gian dài, lập chứng từ khống để quyết toán, tuy nhiên bà Liễu không báo cáo cấp trên mà tiếp tay cho bà Khai lập hồ sơ quyết toán khống với Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện.
 
Ngoài ra, bà Liễu còn chi trái quy định nguồn kinh phí của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2009 với số tiền 257 triệu đồng. Riêng bà Lê Thị Bích Huyền khi được phân công làm thủ quỹ Phòng LĐ-TB-XH đã cho bà Khai mượn số tiền lớn trong nhiều năm liền nhưng không báo cáo, dẫn đến bà Khai chiếm dụng. Việc này bà Huyền khai làm theo chỉ đạo của bà Khai.

Cấp dưới tích cực giúp sức

Bà Nguyễn Thùy Trang - viên chức Phòng LĐ-TB-XH huyện Tân Phước phụ trách hồ sơ, chứng từ chi hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo - cũng biết việc lập hồ sơ khống để quyết toán nhưng vẫn giúp cho bà Khai thực hiện; không nhận tiền chi cho đối tượng nhưng vẫn trực tiếp ký nhận tiền trên phiếu chi (số tiền 1,014 tỉ đồng) để quyết toán.
 
Sau khi quyết toán, bà Trang giao chứng từ lại cho bà Khai hủy và in lại danh sách thực hưởng của đối tượng để lưu trong hồ sơ. Riêng bà Nguyễn Thị Ngọc, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH, không trực tiếp chi cho đối tượng được giảm học phí học nghề nhưng vẫn ký nhận tiền vào phiếu chi để quyết toán (số tiền hơn 150 triệu đồng).
Bài và ảnh: Minh Sơn
 

ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ NÊN GIAO CHO CÁC TRƯỜNG ĐH & CĐ CHI KHÔNG GIAO CHO CÁC PHÒNG LĐ&TBXH CHI ĐỂ TRÁNH TIÊU CỰC
Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Theo quy định mới, từ năm học 2010 trở đi, sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí cho trường, sau đó gia đình sẽ được địa phương hoàn trả lại khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Phòng lao động thương binh xã hội của các địa phương thực hiện việc chi trả này. Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình thực hiện có nhiều địa phương không có nguồn kịp thời để chỉ trả cho gia đình có con đi học thuộc đối tượng được hưởng, vì ngân sách trung ương chưa cấp kinh phí về kịp thời cho các địa phương để chi trả. Do thủ tục rất rườm rà, phòng lao động thương binh xã hội phải tổng hợp tất cả các đối tượng được hưởng có giấy xác nhận của các em sinh viên đang học ở trường nào đúng đối tượng không? Sau đó mới tổng hợp báo cáo về Sở tài chính và Sở lao động thương binh xã hội, các Sở tiếp tục tổng hợp báo cáo về các bộ ngành trung ương, sau đó các bộ ngành trung ương kiểm tra mới cấp kinh phí về cho địa phương, thì địa phương mới có nguồn để chi trả cho các đối tượng. Chúng ta đều biết ngay từ đầu năm học các sinh viên đều phải nộp học phí thì nhà trường mới cho các em học, do vậy phụ huynh phải lo nộp học phí ngay, tuy nhiên đối với gia đình có điều kiện về kinh tế thì không sao, nhưng đối với các gia đình gặp kinh tế khó khăn, các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì rất khó khăn về tài chính để nộp học phí cho các em. Nhiều gia đình phải vay nóng từ bên ngoài để có tiền cho các em đóng học phí để đi học, vì nghĩ rằng sẽ được nhà nước giải quyết kịp thời, mãi đến khi nhận được tiền hổ trợ gia đình phải xoay sở thêm để trả tiền lãi vay. Người dân có ý kiến rất nhiều về vấn đề này nhưng không được cơ quan nào xem xét giải quyết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em yên tâm đi học và gia đình không phải lo lắng nhiều có tiền để đóng học phí, nhà nước cần đơn giản cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết chi trả học phí như hiện nay. Đề nghị Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ lao động thương binh xã hội xem xét việc chi trả học phí giao về cho các trường đại học và cao đẳng. Các trường có nhiệm vụ tổng hợp số lượng sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí báo cáo về Bộ ngành liên quan để cấp kinh phí cho các trường. Sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí có trách nhiệm xác nhân ở các địa phương nơi có hộ khẩu thường trú, để làm cơ sở cho nhà trường xem xét được miễn giảm học phí theo quy định.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây