Đề phòng tội phạm du lịch

Thứ sáu - 14/02/2014 01:57 - Đã xem: 1074
Tội phạm trong lĩnh vực du lịch có yếu tố nước ngoài gia tăng về số vụ và đối tượng phạm tội, tính chất ngày càng nghiêm trọng

Trong năm 2013, TAND TP HCM đã thụ lý và xét xử 29 vụ án, phạt tù 40 người nước ngoài chủ yếu tập trung vào các tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy”, “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các giấy tờ có giá giả”…

Liều lĩnh, táo bạo

Điển hình, ngày 6-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên y án đối với Parameswary Amutha G Letchumanan (52 tuổi, quốc tịch Malaysia) tù chung thân về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Parameswary bị bắt quả tang tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi đang vận chuyển 1.642,2 g Methaphtamine.

Trước đó, TAND TP HCM đã xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” với bị cáo là Arimeni Vasudevan Pramod (SN 1983, quốc tịch Ấn Độ). Pramod vào Việt Nam du lịch, sau đó xin làm đầu bếp tại một nhà hàng ở trung tâm quận 1, TP HCM. Tối  29-3-2013, khi đang đi bộ trên đường, phát hiện một phụ nữ cầm điện thoại, Pramod xông đến giật rồi bỏ chạy.

 

Các bị cáo người Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang nghe TAND TP HCM tuyên án
Các bị cáo người Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang nghe TAND TP HCM tuyên án

 

Theo nhận định của VKSND TP HCM, các đối tượng phạm tội không chỉ thực hiện hành vi cướp giật, trộm cắp, cướp… mà còn dùng các hình thức khác như cưỡng đoạt, lừa đảo và hủy hoại tài sản với giá trị bị xâm hại, chiếm đoạt ngày càng cao. Cá biệt, một số đối tượng trong lúc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã dùng hung khí gây thương tích đối với các du khách tham quan tại trung tâm TP HCM.

Điển hình là vụ Đặng Tuấn Thanh (SN 1995, ngụ tỉnh Tây Ninh) mời anh Harry Beẹnamin Chafer Cook (quốc tịch Anh) hút bồ đà, sau đó dùng hung khí đe dọa, yêu cầu nạn nhân đưa tiền.

Chọn án điểm xét xử lưu động

Mới đây, Công an TP HCM đã ban hành thông báo đến công  an 24 quận - huyện cũng như các hãng lữ hành, cơ sở kinh doanh lưu trú yêu cầu nhắc nhở du khách có ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm, chấp hành nghiêm túc quy định cho thuê lưu trú, hạn chế các đối tượng lợi dụng sự dễ dãi, thiếu chặt chẽ làm nơi ẩn náu, hoạt động. Đặc biệt, các nhà nghỉ, khách sạn cần chú ý khách lưu trú dài hạn, khách có hành vi nghi vấn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến an ninh trật tự, phải khẩn trương trình báo và cung cấp đầy đủ thông tin cho công an để có biện pháp xử lý.

Từ tình hình tội phạm phức tạp trên, VKSND TP HCM cũng đã gửi công văn kiến nghị UBND TP HCM tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban - ngành có liên quan tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân tình hình phạm pháp hình sự, hành vi và thủ đoạn phạm tội mới; tăng cường công tác khoanh vùng, nắm bắt, quản lý và giáo dục các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ma túy; cương quyết trong việc xử lý, thu gom những đối tượng lang thang. “Trong phạm vi, nhiệm vụ của mình, VKSND TP sẽ phối hợp với TAND TP và chính quyền địa phương chọn những vụ án điển hình xét xử lưu động; mời các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện hút đến dự phiên tòa để tăng cường giáo dục họ” - ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng VKSND TP HCM, cho biết. 

Công tác quản lý còn hạn chế

Theo VKSND TP HCM, tội phạm trong lĩnh vực du lịch có yếu tố nước ngoài gia tăng là do khách du lịch thiếu cảnh giác, thường tìm đến những tụ điểm vui chơi, giải trí không lành mạnh, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu khống chế, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các công ty du lịch chưa quan tâm đến việc nhắc nhở du khách phải cảnh giác.

Đặc biệt, công tác quản lý, nắm bắt các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, sống lang thang của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa đồng bộ và triệt để.

 

Bài và ảnh: Hạnh Duyên

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây