Nguyên Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang vào tù

Chủ nhật - 10/11/2013 21:29 - Đã xem: 1113

Nguyên Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang vào tù

Bị cáo Phong vốn là Trưởng phòng CSĐT, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh Tiền Giang đã tự ý cho cấp dưới đưa số tiền thu giữ của bị can, đương sự trong vụ án đi gửi ngân hàng lấy lãi để tạo quỹ chi tiêu riêng cho cá nhân lẫn cơ quan.
Cái khó … “bó cái khôn”
 
Cái khó … “bó cái khôn”

Theo hồ sơ vụ án, Ngô Thanh Phong là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đang chỉ đạo điều tra vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Cty TNHH Thành Phát, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang - chuyên án 502X do Trần Thế Hùng (Hùng Xì Tẹc) cầm đầu.

Thấy Phòng mình đang tạm giữ rất nhiều tiền và tài sản của đương sự, Phong đã không theo mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước như quy định, lại chỉ đạo anh em dưới quyền đem số tiền thu giữ này đi gửi tiết kiệm lấy lãi lập quỹ riêng để chi tiêu .

Cụ thể lúc đầu Ngô Thanh Phong và cấp dưới là Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra đã bàn bạc và quyết định chỉ đạo cán bộ dưới quyền sử dụng toàn bộ số tiền thu giữ của các bị can, đương sự trong vụ án gửi tiết kiệm (loại tiết kiệm không kỳ hạn) để khi cần là có thể rút ra ngay nhập vào kho vật chứng. Tuy nhiên sau đó thấy gửi không kỳ hạn lãi suất rất thấp nên họ đã bàn bạc và chuyển qua kỳ hạn 3 tháng.

Tổng số tiền mà Phòng CSĐT thu giữ trong vụ án này từ tháng 10/2002 đến năm 2004 là gần 12,6 tỷ đồng và 250.000 USD. Phong và Nên đã chỉ đạo cho hai cấp dưới đứng tên đi gửi iết kiệm ở hai ngân hàng với số tiền là 11,4 tỷ đồng và 206.000 USD. Số tiền còn lại một phần đem nhập vào kho vật chứng, một phần dùng tạm ứng chi tiêu không thông qua kế toán, thủ quỹ.

Đến 31/5/2004, số tiền trên được rút ra và có số lãi là gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi rút ra, cơ quan này vẫn chưa chịu nộp vào tài khoản kho bạc theo quy định, mà Phong và Nên tiếp tục chỉ đạo và giao cho Phạm Văn Út là thủ quỹ của cơ quan tiếp tục đi gửi ngân hàng để lấy lãi.

Sau 3 tháng gửi, số tiền lãi đem về gần 200 triệu đồng. Cuối năm 2005, Phong lại chỉ đạo cho cấp dưới đem gần 6 tỷ đồng từ tiền bán đấu giá vỏ tàu trong vụ án để đi gửi ngân hàng lấy lãi với số tiền gần 200 triệu đồng.

Như vậy, tính đến tháng 9/2006, tổng số tiền lãi thu được từ 3 lần gửi ngân hàng là gần 1,4 tỷ đồng đem vào quỹ riêng của Phòng do Phạm Văn Út trực tiếp quản lý.

Số quỹ này được chi dùng chủ yếu theo sự chỉ đạo của Phong và Nên, trong đó  chi tiếp khách nhiều lần hết 100 triệu đồng, chi cá nhân không rõ mục đích gần 60 triệu đồng, chi 100 triệu đồng mua 4 chiếc xe máy mang biển số trắng cho 4 lãnh đạo phòng (dù số này đã có xe công vụ trước đó). Số tiền còn lại được chi tiêu mua sắm cho cơ quan và chia nhau trong các dịp lễ tết. 

Hành vi trên đã bị phát giác, Cục điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã vào cuộc làm rõ. Các bị cáo Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út bị TAND tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Phong 3 năm tù, bị cáo Út 1 năm tù đều về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Nên do bị bệnh tâm thần nên tạm đình chỉ để đi chữa bệnh.  

Công - tội phân minh

Cho rằng bản án trên là nặng và oan sai nên cả Phong và Út đều làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây của TANDTC, bị cáo Phong cho rằng việc lấy tiền vật chứng đi gửi ngân hàng lấy lãi để đưa vào quỹ cơ quan là có sự bàn bạc thống nhất.

Số tiền đó được đưa vào sổ sách và trả nợ cũ của cơ quan, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chung của đơn vị. Các khoản chi tiêu đều công khai, kèm theo chứng từ để theo dõi. Số tiền quỹ còn lại đã hỗ trợ cho toàn bộ cán bộ chiến sĩ đơn vị khi giải thể. Bị cáo không có động cơ hay mục đích tư lợi cá nhân.

Bào chữa cho các bị cáo, các luật sư cho rằng việc đưa tiền vào gửi ngân hàng là không vi phạm pháp luật vì đó cũng là hình thức cất giữ tang vật vì tiền gửi vào ngân hàng sẽ không bị mất mát, hao mòn, do đó việc buộc tội các bị cáo là không có cơ sở.

Hiện cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa làm rõ được danh sách vì sao có 63 người được hưởng lợi, nhưng chỉ đưa 3 bị cáo ra xét xử . Vấn đề quan trọng là các bị cáo đã chi tiêu công khai, không hề có tư lợi nào ở đây, có chăng cũng chỉ trái với quy định của ngành, và thực tế các bị cáo đã bị ngành xử lý giáng chức… Chính vì thế đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Phản bác lại những ý kiến trên, HĐXX nhận định: Qua đối chiếu các quy định của pháp luật và lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, vật chứng và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Út là thủ quỹ kiêm thủ kho vật chứng, là người có trách nhiệm quản lý vật chứng và các tài sản thu giữ trong các vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Vậy nhưng Út lại tích cực đem số tiền vật chứng đi gửi ngân hàng để lấy lãi là hoàn toàn sai với quy định.

Hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, làm suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân với cơ quan điều tra công an Tiền Giang nói riêng, mà còn gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, gây sự bất bình trong nhân dân… Do vậy cần phải xử lý nghiêm minh. HĐXX đã bác kháng cáo của các bị cáo, giữ y án sơ thẩm.    

Theo Quỳnh Anh
Pháp luật Việt Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây