Cử tuyển và chất lượng

Thứ bảy - 21/09/2013 02:14 - Đã xem: 1115
Đất nước đã qua thời kỳ khó khăn, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghiệp nên cần có nguồn nhân lực chất lượng. Thế nhưng, hệ cử tuyển vẫn tồn tại và hình như ngày càng phát triển!

Đã có nhiều ý kiến nên dừng hệ cử tuyển để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, mục tiêu mà Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đang đặt ra. Tuy nhiên, hệ cử tuyển vẫn phình to và tập trung vào những ngành nghề đòi hỏi người học phải có trình độ cao như kinh tế, y dược, sư phạm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhân lực học hệ cử tuyển ở ngành y tế chiếm đến 26%, kinh tế 16,8%, sư phạm 23%. Tỉ lệ đó cho thấy có quá nhiều bất ổn!

Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ đã thấy điều đó qua kết quả học tập của sinh viên hệ cử tuyển. Việc nhiều sinh viên học không nổi, phải nghỉ ngang giữa chừng hoặc tỉ lệ tốt nghiệp thấp cho thấy có quá nhiều bất cập, chưa kể một số địa phương đưa người không đúng đối tượng đi học như Lâm Đồng, Đắk Nông... vào năm 2011. Bên cạnh đó, chế độ cử tuyển của một số địa phương còn thiếu công khai nên càng dễ bị lợi dụng.

Vậy mà hệ đào tạo này vẫn đang phát triển rất tốt! Ngày 12-8, tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo các địa phương ĐBSCL đã tham dự hội nghị về đào tạo nhân lực y tế khu vực này. Thông tin tại hội nghị cho biết ĐBSCL còn thiếu trên 3.000 bác sĩ, hơn 600 dược sĩ và kiến nghị Trường ĐH Y Dược Cần Thơ xin thêm chỉ tiêu đào tạo. Thực tế, ĐBSCL đã có nhiều trường ĐH đào tạo ngành y, thậm chí thí sinh chỉ cần đủ điểm sàn cũng có thể học ngành bác sĩ đa khoa! Nay nếu tăng cường đào tạo theo hệ cử tuyển thì chất lượng nhân lực ngành y của ĐBSCL sẽ ra sao?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ có 60% sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển ở các địa phương được bố trí việc làm. Vì sao vậy? Đơn giản vì các cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển công chức nên họ có quyền chọn lựa. Đó lại là một nghịch lý nữa của hệ đào tạo này!

Đã đến lúc chấm dứt vai trò của hệ đào tạo cử tuyển để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương vùng khó khăn bằng các biện pháp khác. Việc luân chuyển cán bộ để giải quyết nguồn nhân lực trước mắt nên được áp dụng. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT và các địa phương nên áp dụng các biện pháp tích cực hơn như cấp nhiều học bổng, nâng cao chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn.

Đó chính là giải pháp tốt nhất để lấp lỗ hổng nguồn nhân lực đang thiếu, chứ không phải sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo èo uột của hệ cử tuyển. Như vậy mới tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn thiếu nguồn nhân lực ở các địa phương vùng sâu, vùng xa và hệ đào tạo cử tuyển cũng nên chấm dứt vai trò của mình đúng thời điểm, dù muộn.

LƯU NHI DŨ
 

ĐÃ ĐẾN LÚC DỪNG CHÍNH SÁCH CỬ TUYỂN
Trong những năm trước đây chính sách cử tuyển là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường nhân lực cho các địa phương. Nhưng đến nay là một gánh nặng cho các địa phương, vì hiện nay số lượng các em sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường về rất nhiều, do tình hình biên chế của các ngành có hạn đã tuyển dụng đủ biên chế, nên không biết sắp xếp các em về công tác ở đâu, như đối với ngành giáo dục là nhu cầu cần nhiều nhất, nhưng đến nay cũng đã bão hòa, nhiều trường có tình trạng thừa giáo viên vì số học sinh mỗi năm giảm đi, thực tế hiện nay có trường thiếu giáo viên chuyên môn như môn toán nhưng không tuyển dụng được, vì các em tốt nghiệp môn văn hoặc các môn khác các trường không có nhu cầu đành chịu. Một số địa phương như tỉnh Đăklăk, Đăknông theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thống kê số em học sinh đã tốt nghiệp kể cả cử tuyển những năm qua về địa phương, qua thống kê số lượng rất lớn nhưng đến nay không tìm được việc làm, UBND Tỉnh có phương án chỉ đạo các sở ban ngành và các huyện tuyển dụng, nhưng thực tế tuyển dụng không được bao nhiêu, vì không còn chỉ tiêu biên chế. Đã đến lúc Bộ giáo dục đào tạo nên xem xét dừng việc cử tuyển giảm bớt kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước ta đang gặp khó khăn hiện nay, đồng thời xác định việc đào tạo phải theo nhu cầu có địa chỉ cụ thể của thị trường lao động trong nước, như vừa qua có Trường Đại học Thái Bình Dương tại Nha trang vừa đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Đồng Tâm Long An, Tập đoàn Mesa, Công ty Công đoàn ACB, Công ty Cổ phần địa ốc ACB. Theo đó, 4 doanh nghiệp này sẽ tài trợ chi phí đào tạo trong thời gian 4 năm với mức tài trợ gần 4 tỷ đồng để Trường Đại học Thái Bình Dương tuyển sinh và đào tạo 200 sinh viên trong năm 2013 theo mô hình đào tạo ứng dụng và ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Đây là mô hình rất hay và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Bộ giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo nhân rộng trong các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trước mắt đề nghị Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ đạo các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB-XH ở các tỉnh, thành phố có phương án giới thiệu đến với các tập đoàn, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp sử dụng số sinh viên đã tốt nghiệp mà đến nay chưa có việc làm để tránh lãng phí nhân lực.

MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây