Tình trạng quá tải ở bệnh viện được ưu tiên giải quyết đến "cỡ nào"?

Thứ tư - 11/09/2013 01:49 - Đã xem: 962
Thủ tướng chỉ đạo TP HCM tập trung thực tốt một số biện pháp như triển khai hiệu quả việc xây dựng các bệnh viện vệ tinh.
Sáng nay (7/9), tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh về triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện. Với quyết tâm chính trị cao và huy động tối đa các nguồn lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh dồn sức trong 3 năm tới tạo bước đột phá trong công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân mà một trong những nhiệm vụ ưu tiên là giảm quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.


 
Theo báo cáo tại buổi làm việc: trung bình mỗi năm ngành y tế TP Hồ Chí Minh khám và điều trị cho gần 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có tới một nửa bệnh nhân ở các tỉnh, thành phố khác và Campuchia. Mặc dù mạng lưới y tế của thành phố có 112 bệnh viện các loại với gần 32 nghìn giường bệnh nhưng tình trạng quá tải, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã và đang là vấn đề nhức nhối đối với cả chính quyền, ngành y tế thành phố và người dân. Đứng đầu là bệnh viện Ung bướu với 1.300 giường nhưng công suất sử dụng lên tới gần 250% nên có lúc 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh. Các bệnh viện khác như Nhi Đồng 1, Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Chợ Rẫy cũng trong tình trạng quá tải.

Cùng với tập trung thực hiện mô hình khoa vệ tinh của các bệnh viện tuyến thành phố; nhân rộng mô hình phòng khám vệ tinh; triển khai thí điểm mô hình bác sỹ gia đình; tăng cường thực hiện Đề án 1816 cử cán bộ có trình độ chuyên môn hỗ trợ các bệnh viện của 31, tỉnh, thành phố, TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Đề án thành lập bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành phố gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 15 bác sỹ/1 nghìn dân. TP Hồ Chí Minh cũng đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm của ngành y tế, nhất là phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành và đưa vào sử dụng bệnh viên Nhi Đồng và bệnh viên Ung Bướu cơ sở 2 với quy mô 1 nghìn giường hiện đại và tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Đến năm 2015 cũng là tròn 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh mới có được bệnh viện quy mô 1.000 giường hiện đại tiêu chuẩn các nước trong khu vực để phục vụ nhân dân. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng, bộ, chính quyền và cũng là mong ước của nhân dân TP Hồ Chí Minh…



 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước ta. Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng và ngày càng cấp thiết, đòi hỏi phải huy động tối đa các nguồn lực và quyết liệt tạo bước đột phá trong lĩnh vực này. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên là giảm quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối liên quan đến ung bướu, tim mạnh, chấn thương-chỉnh hình, sản và nhi. Các chuyên khoa tuyến cuối này lại chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cùng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rà soát, lựa chọn ưu tiên đầu tư giải quyết tình trạng quá tải tại bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cũng là biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng ta dồn sức đầu tư các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đang quá tải trong 5 lĩnh vực để làm nhiệm vụ vừa góp phần trực tiếp giảm quá tải, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tại các bệnh viện của các tỉnh, thành và bệnh viện vệ tinh thông qua đào tạo, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới, mà quan trọng nhất và cũng là khó nhất là phải đào tạo được đổi ngũ thầy thuốc giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm cho tuyến dưới...”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trung ương sẽ tính toán, cân đối nguồn lực khoảng 10.000 tỷ đồng để triển khai dự án xây dựng bệnh viên Nhi Đồng và bệnh viên Ung Bướu cơ sở 2 còn chính quyền TP Hồ Chí Minh phải tập trung quyết liệt, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành dự án trong khoảng 3 năm tới.

Thủ tướng cũng đồng ý kiến nghị của thành phố cho phép chỉ định tổng thầu đối với 2 dự án này gắn với cơ chế giám sát chặt chẽ để sớm đưa công trình vào phục vụ nhân dân với chất lượng cao nhất. Thủ yêu cầu yêu cầu Bộ Y tế nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục xây dựng và triển khai bệnh viện, khoa, phòng khám vệ tinh gắn với xã hội hóa, quân dân y kết hợp nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp để thực hiện; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực  cũng như tăng cường cử cán bộ y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816 và nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình…/.

PV VOV


NÊN LẤY MỘT SỐ BỆNH VIỆN KHU VỰC CẤP TỈNH LÀM CƠ SỞ 2 CHO BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG
Nếu thực hiện theo đề án chống quá tải bệnh viện hiện nay của Bộ y tế đề xuất thì số lượng bệnh viện phải đầu tư mới quá nhiều, không biết có nguồn kinh phí để đầu tư hay không, khi nào mới hoàn thành đề án? Đồng thời Bộ y tế cấm bác sĩ không cho bệnh nhân được phép chuyển viện lên tuyến trên để chữa bệnh là không thực tế. Nếu lấy bệnh viện khu vực tuyến dưới cấp tỉnh làm cơ sở 2 cho tuyến trên là giải pháp đúng đắn nhất, không phải xây dựng mới chỉ đầu tư bổ sung thêm trang thiết bị, không phải tốn kém nhiều, có thể triển khai được ngay, rất nhiều ý kiến đồng tình qua điểm này, để nghị Bộ y tế sớm áp dụng,đây là giải pháp khả thi nhất trong tình hình ngân sách nhà nước còn khó khăn đang tập trung chống lạm phát, hạn chế đầu tư công. Hiện nay tình trạng ở các bệnh viện bị quá tải nhất là các bệnh viện của trung ương tập trung ở Hà nội và thành phố Hồ chí Minh , như bệnh viện Bạch mai, bệnh viện K, Chợ rẫy, Việt đức, Nhi đồng vv... . Nguyên nhân trong thời gian vừa qua một số bệnh viện ở các tỉnh trình độ chuyên môn của y, bác sỉ trong quá trình điều trị chẩn đoán bệnh không chính xác, nên dẫn đến cái chết của bệnh nhân ; hoặc có trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng, người nhà phải đưađến bệnh viện cấp cứu, nhưng thái độ của y bác sĩ thiếu sự quan tâm đến bệnh nhân, chẩn đoán điều trị không chính xác, không kịp thời , dẫn đến cái chết của bệnh nhân , đã làm cho người nhà của bệnh nhân bức xúc, thiếu kiềm chế , đã có những hành động ẩu đã với y bác sỉ tại bệnh viện. Các vụ việc trên đã được báo đài phản ánh, nhưng đến nay cũng chưa khắc phục được. Có nhiều vụ các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, ra quyết định khởi tố vụ án và đã đưa ra xét xử. Trong khi đó tại các bệnh viện trung ương người dân theo dõi, thấy có rất nhiều ca bệnh nhân rất nặng nghĩ rằng khó qua khỏi, nhưng khi đưa vào các bênh viện trung ương đã được chữa khỏi, vì vậy đã làm tăng niềm tin của người dân đối với các bệnh viện này. Chính vì vậy người dân thiếu sự tin tưởng với trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỉ ở các bệnh viện của địa phương , nếu phát hiện người nhà có bệnh, gia đình cố gắng đưa người bệnh vào các bệnh viện tuyến trung ương để khám và điều trị, do vậy các bệnh viện trung ương bịquá tải là điều tất nhiên. Để có thể khắc phục giảm tải hiện nay ở các bệnh viện trung ương , đề nghị Bộ y tế nghiên cứu sử dụng các bệnh viện khu vực hiện nay như bệnh viện khu vực Cần thơ, bệnh viện khu vực Đăklăk, bệnh viện khu vực bắc Qủang bình, bệnh viện khu vực Phú thọ vv…đây là bệnh viện trung tâm một số tỉnh , làm cơ sở 2 cho bệnh viện trung ương ; có thể bệnh viện khu vực Đăklăk là cơ sở 2 của bệnh viện Chợ rẩy vv…Có như vậy bệnh nhân sẽ được điều trị tại các bệnh viện khu vực này , chắc chắn sẽ giảm tải đối với các bệnh viện trung ương đóng ở Hà nội và thành phố Hồ chí minh. Để có thể thu hút các y bác sỉ có trình độ chuyên môn cao đang công tác ở các bệnh viện trung ương, luân chuyển về công tác tại các bệnh viện khu vực trong một thời gian nhất định , đề nghị Bộ y tế nên có chế độ đãi ngộ thíchđáng cho đội ngũ y bác sĩ kể cả luân chuyển và tại chổ, như quy định phụ cấp khuyến khích hưởng từ 50 đến 100% lương được trích từ nguồn viện phí để cho họ yên tâm công tác vv... Nếu có cơ sở 2 của bệnh viện trungương, thì đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện khu vực có điều kiện thực tập đào tạo nâng cao tay nghề tại bệnh viện trung ương tại cơ sở chính. Đối các bệnh viện khu vực, đề nghi Bộ y tế quan tâm đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, để phục vụ cho việc khám chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân được chuẩn xác.
MINH TRÍ


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây