Giáo viên có thai không được đứng lớp!
Tại trường Trần Đại Nghĩa (phường 4, thành phố Vĩnh Long) từ năm 2007 đến 2009 đã có những quy định vô cùng “quái gở”.
Theo báo cáo của đoàn công tác UBND thành phố Vĩnh Long, đã có tám giáo viên bị bà Đỗ Thị Oanh- Hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa, cho ngừng giảng dạy vì… có thai. Bà Oanh cho biết, việc cho giáo viên có thai thôi giảng dạy nhằm giảm nhẹ công việc, giúp giáo viên có thời gian giữ gìn, chăm sóc tốt sức khỏe của mẹ và con.
Theo bà Oanh, sau khi ngừng giảng dạy, các giáo viên có thai được phân công dạy thay cho các giáo viên vắng đột xuất. Khi biết có giáo viên nào mang thai, bà Oanh sẽ mời giáo viên lên động viên viết đơn tự nguyện xin không đứng lớp.
Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược lại. Bà Oanh đã tìm mọi cách để buộc các giáo viên có thai không được đứng lớp; ngay sau khi không còn đứng lớp, bà Oanh thậm chí còn chỉ đạo cắt 35% phụ cấp đứng lớp của các giáo viên này.
Các giáo viên mang thai sau khi chuyển sang làm giáo viên dạy thế cho giáo viên vắng đột xuất, nếu không có tiết dạy thế, các giáo viên này phải mang sổ sách đi từ tầng trệt đến lầu 3, qua hết 25 lớp để lấy sĩ số học sinh các lớp.
|
Quy định gây “sốc” khi lên Facebook của THPT Dân lập Lương Thế Vinh. |
Những cấm kỵ khi lên Facebook của THPT Dân lập Lương Thế Vinh
Đầu năm 2013, dư luận xôn xao về những điều cấm kỵ khi sử dụng mạng xã hội của Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Ngay sau khi được đăng tải lên trang Facebook chính thức của nhà trường, quy định này đã thu hút hàng nghìn "like", bình luận và chia sẻ.
Rất nhiều trang cá nhân, tập thể, trường học được dịp bàn tán náo nhiệt về quy định này.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quan điểm của nhà trường và cho rằng đây là hành động cần thiết để quản lý học sinh, thì hầu hết các bạn học sinh đều tỏ ra không đồng tình với quy định này, bởi các bạn cho rằng "Facebook là mạng xã hội, mình post status là quyền cá nhân chứ. Tại sao lại có những quy định cứng nhắc kia?".
Quy định cấm học sinh mặc quần bó đến trường
Giữa tháng 8 vừa qua, gần 100 học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp (Cần Thơ) phải quay về nhà thay quần vì đã mặc quần bó đến trường. Khi thông tin được đăng tải trên các báo và trang tin điện tử, đề tài này cũng được đem ra bàn luận trên mạng xã hội, các diễn đàn.
Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (thị trấn Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ,TP.Cần Thơ)- cho biết, việc kiểm tra quần đi học của học sinh nhằm chấn chỉnh phong trào mặc quần bó và hở mông phản cảm đang nở rộ trong phần lớn học sinh của trường.
Ông giải thích những năm trước nhà trường chỉ nhắc nhở và không xử lý gì nên học sinh không chấp hành, ngược lại ngày càng có nhiều học sinh mặc quần bó hơn. |
Hình minh họa. |
Quy định cấm nữ giáo viên mặc váy gây tranh cãi
Đầu năm học 2013-2014, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Việt-Trung (Quảng Bình) ra văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp.
Ông Lê Văn Hà- Hiệu trưởng nhà trường- nói rằng, việc cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp chỉ là một trong nhiều quy định về tác phong của giáo viên và học sinh, nhằm giúp học sinh tập trung hơn trong học tập.
“Ở trường tôi, đã có trường hợp cô giáo bị quạt tốc váy trong khi lên lớp khiến học sinh cười ồ, mất trật tự. Vì vậy, việc cấm các cô mặc váy lên lớp được giáo viên, học sinh và phụ huynh rất đồng tình ủng hộ. Ngay cả cô hiệu phó, rồi một số giáo viên có nhiều váy cũng không phản ứng gì, họ chấp hành nghiêm túc, tôi chưa nghe ai phản đối cả”- ông Hà nói. |
Trường THCS và THPT Việt Trung. |
Tuy nhiên, nhiều nữ giáo viên trong trường cho rằng, câu chuyện giáo viên nào đó bị tốc váy trên bục giảng là bịa đặt, bởi các lớp học hầu hết lắp quạt trần, gió chỉ có đẩy xuống. Theo họ, việc cấm tất cả các loại váy, bất kể váy ngắn, váy dài khiến không ít giáo viên gặp khó, đặc biệt là những giáo viên mang bầu.
Ông Hà cho biết thêm: Đây chỉ là quy định tạm thời, mang tính tham khảo, nếu thiếu, chưa chặt chẽ thì bổ sung thêm, nếu sai thì hủy. Theo Tri thức trẻ