Còn mơ hồ về chất lượng sách giáo khoa

Thứ ba - 20/08/2013 01:00 - Đã xem: 931
Trong 10 năm đã ban hành 461 văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa nhưng hiệu quả của các văn bản này chưa thể hiện rõ.
Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (báo cáo giám sát).

Trình bày báo cáo giám sát, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - khẳng định nền giáo dục phổ thông đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Báo cáo giám sát nêu rõ quy trình biên soạn chương trình, SGK thiếu tính khoa học; chưa bảo đảm sự liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học; một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh.

GS Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - nói: “Mục tiêu báo cáo đặt ra 3 vấn đề: chất lượng, chương trình và SGK thì phải trả lời “chất lượng cao hay thấp”, “chương trình nặng hay nhẹ”, “SGK là hiện đại hay lạc hậu”. Nhưng báo cáo đã không trả lời được 3 đơn đặt hàng của UBTVQH” - ông Dũng phê bình.

Các đại biểu cũng tập trung “mổ xẻ” mô hình phân ban ở cấp THPT, hiệu quả của mô hình trường chuyên, việc ban hành các văn bản không phù hợp với thực tiễn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Phạm Vũ Luận tập trung phân trần việc đầu tư cho ngành giáo dục còn hạn chế với mức chi duy trì từ 20 năm qua. Đáp lại giải trình của người đứng đầu ngành giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai, nói: “Bên cạnh 20% ngân sách nhà nước, xã hội luôn sẵn sàng dồn sức cho con em đến trường. Vấn đề ở đây là phải nghĩ ra cơ chế để huy động mọi nguồn lực”.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu: Trong 10 năm qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành 461 văn bản nhưng báo cáo của đoàn giám sát chưa nêu được tác động, chất lượng quyết định chính sách của 461 văn bản trên. Đại biểu Phan Trung Lý đề nghị Bộ GD-ĐT cần sắp xếp, hệ thống hóa các văn bản này.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hải quan sửa đổi.

THẾ DŨNG


CẦN CÓ MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA HOÀN CHỈNH GIẢM TẢI CHƯƠNG TRÌNH HỌC ĐỐI VỚI CÁC CẤP HỌC PHỔ THÔNG.
Ba mươi năm vẫn thực nghiệm có lẽ không ai thể ngờ được, không lý nào ngành giáo dục Việt Nam trong 30 năm với một lực lượng đội ngũ trí thức hùng hậu mà không chọn được trong số đó để biên soạn hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa các cấp học phổ thông, mà chỉ sử dụng chương trình thực nghiệm. Ai cũng trãi qua các cấp học phổ thông, nhưng một điều kỳ lạ người học trước nhưng không thể nào hướng dẫn dạy lại cho người học sau được, các lớp cao hơn như trung học cơ sở trở lên không nói, nhưng chỉ cấp tiểu học phụ huynh hướng dẫn làm bài tập cho các em kết quả cô giáo chấm không đúng, phụ huynh cũng không hiểu tại sao? Qua tìm hiểu hàng năm ngành giáo dục đổi mới liên tục thay đổi phương pháp giải, nếu phụ huynh giải không đúng theo đáp án duy nhất của ngành thì thầy cô chấm kết quả là sai. Do vậy phụ huynh phải cho các em học thêm! Bộ sách giáo khoa những năm qua liên tục được cải cách thay đổi bổ sung nhưng kết quả không mong đợi. Qua cải cách trọng lượng bộ sách ngày càng nặng hơn, chữ càng nhiều hơn, tội cho các em nhỏ phải mang bộ sách nặng trên vai các em vượt hơn trọng lượng cơ thể của mình. Không biết chương trình giáo khoa cải cách như thế nào, nhưng thực tế phải kéo dài thời gian học hơn thời gian học như trước đây, bây giờ bước vào đầu năm học, phải học trước 2 tuần trước ngày khai giảng như Bộ Giáo dục đào tạo quy định ngày 05 tháng 09 hàng năm, thì mới học hết chương trình theo bộ giáo khoa mới, cách nói của ngành giáo dục học trước để giảm tải. Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo, nếu chương trình thực nghiệm trong thời gian vừa qua được đánh giá có kết quả tốt, cần nên hệ thống thành bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh để tất cả các trường tiểu học trong cả nước có cùng một chương trình dạy cho các em giống nhau, tránh xãy ra phụ huynh phải chen nhau, xô đẩy để mua hồ sơ cho các cháu đi học không còn gì là văn hóa nữa, như trường hợp ở trường PTCS thực nghiệm tại Hà nội vừa qua. Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, bộ cũng cần sớm hoàn thiện bộ sách giáo khoa cho các cấp học này, làm thế nào chương trình sách giáo khoa súc tích đầy đủ ngắn gọn hơn, các em học sinh không phải học trước để giảm tải, ngày khai giảng tựu trường đều đúng ngày 05 tháng 09 hàng năm, được tổ chức đồng loạt trong cả nước. Như vậy ngày khai giảng mới có ý nghĩa, không phải học trước khai giảng sau như mấy năm vừa qua.

MINH TRÍ


 

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây