Không ai sinh ra đã hoàn thiện

Thứ tư - 04/03/2015 20:45 - Đã xem: 1185
Nếu không được uốn nắn thường xuyên, con người dễ dàng hành động theo bản năng, bất chấp tất cả để đạt được mục đích

Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài “Choảng nhau dễ dàng, vì sao?”, nhiều bạn đọc đã phản hồi về báo, cho rằng đây là thực trạng đáng báo động, diễn ra từ lâu nhưng không được điều chỉnh kịp thời.

“Choảng nhau từ trong nhà ra phố chợ, từ trường học đến công sở... nhưng mọi người chỉ biết tặc lưỡi cho qua; các cơ quan chức năng xem đó chẳng phải trách nhiệm của mình. Chỉ tội nghiệp cho người hiền lành bị hiếp đáp không thương tiếc. Chẳng ai bênh vực được cho họ và nghiễm nhiên cái ác ngày càng lộng hành” - bạn đọc Lý Quân lý giải.

Không ai sinh ra đã hoàn thiện. Hành vi của mỗi người được điều chỉnh bởi giáo dục, các quy định xã hội và luật pháp để dung hòa các mối quan hệ xã hội. Nếu không được uốn nắn thường xuyên, người ta dễ dàng hành động theo bản năng, bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình.

Lý giải cho vấn nạn này, nhiều bạn đọc cho rằng do lạm dụng rượu bia, do nền giáo dục lệch lạc, bỏ qua những giá trị nhân văn vốn có của truyền thống Việt Nam. Quan trọng hơn, luật pháp không đủ nghiêm và các cơ quan thực thi không kiên quyết xử lý. “Không ở đâu ăn nhậu nhiều như ở nước ta. Từ vùng quê hẻo lánh đến thành phố nhộn nhịp, nơi đâu cũng nhan nhản quán nhậu. Ít tiền thì uống rượu đế quán cóc, nhiều chút xíu vào quán thường thường uống bia, giàu có hơn thì vào nhà hàng rượu tây... Lý do nào cũng có thể uống: sinh nhật, cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng... Buồn quá cũng uống, vui quá cũng uống, không buồn không vui cũng uống. Uống kiểu này mà không sinh chuyện mới lạ”- bạn đọc lấy tên Lưu Linh phân tích.

Lý giải rộng hơn vấn đề, bạn đọc Quang Hòa viết: “Cuộc sống trở nên khó khăn, ngày càng có nhiều thanh niên thất nghiệp không tìm được lối thoát, khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng, bất công xã hội ngày càng lớn... Vì thế, tâm lý con người trở nên ngày càng bức xúc, bế tắc. Trong tâm trạng này nếu xảy ra xích mích, dù nhỏ, cũng dễ dẫn đến những mâu thuẫn lớn và cách giải quyết nhanh nhất là... đánh nhau”.

Mỗi người có một tính cách, một nền tảng giáo dục riêng nên không thể đòi hỏi mọi người phải có cách ứng xử giống nhau. Thế nhưng, trong mối quan hệ xã hội chung, mọi người buộc phải ứng xử đúng mực nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho xã hội cũng như quyền lợi cho tất cả mọi người. Công cụ để điều chỉnh tất cả hành vi cho phù hợp với ứng xử xã hội chính là luật pháp. “Ai có cách ứng xử làm tổn hại đến người khác phải được xử lý. Cũng giống như chạy xe ngoài đường vậy thôi. Rất nhiều người muốn chạy nhanh nhưng nếu có cảnh sát giao thông thì ai cũng phải chạy đúng tốc độ quy định. Nếu đánh nhau hoặc là đánh người khác mà bị xử lý nghiêm khắc thì người bị xử lý sẽ không dám tái phạm” - bạn đọc Hữu Nhất đúc kết.

Phạm Hồ

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây