Hy vọng Hài cốt của ba Liệt sỹ sớm được phủ Quốc kỳ

Thứ hai - 08/09/2014 03:32 - Đã xem: 1932
Đã hơn nửa năm nay rất nhiều người ở Hải Dương, Thái Bình, Hà Tĩnh và DakLak. Là thân nhân, xóm giềng, đồng đội đang bức xúc bởi: Hài cốt của 3 Liệt sỹ, đã được Công văn số 170/CCT-BCS (CV170)V/v cung cấp thông tin Liệt sỹ, do Đại tá Nguyễn Thái Tương (TL.Chủ nhiệm-Trưởng ban Chính sách Quân đoàn 3) ký ngày 14/11/2013 vẫn chưa được cất bốc, quy tập vào Nghĩa trang Liệt sỹ.

Ban Chính sách Quân đoàn 3 rất chu đáo đính kèm CV170 bảng “Danh sách Liệt sỹ được mai táng ở tọa độ 60.200-47.200” tại địa bàn huyện Dak Song (trước thuộc DakLak, nay thuộc Dak Nông)

Danh sách ghi chi tiết lý lịch trích ngang: Năm sinh, Quê quán. Ngày nhập ngũ. Đi B. Cấp bậc. Chức vụ. Đơn vị. Ngày hy sinh. Trường hợp hy sinh. Nơi mai táng (bao gồm cả địa danh và tọa độ) và tên cha, mẹ, vợ của từng Liệt sỹ.

Cụ thể:

01./ Nguyến Ngọc Thịnh

- Năm sinh: 1943. Quê quán: Yên Nhuế, Nguyệt Đức, Thuận Thành, Hà Bắc.

- Nhập ngũ: 02/1964. Đi B: 09/1967.

- Cấp bậc: Trung sỹ. Chức vụ: A Trưởng.

- Đơn vi: C5 D33 E40

- Ngày hy sinh: 20/11/1969. Nơi hy sinh: Bu Prăng. Trường hợp hy sinh: Chiến đấu. Nơi mai táng: 60.200-47.200 Bu Prăng

- Tên cha: Nguyễn Ngọc Canh. Tên mẹ: Nguyễn Thị Cúc. Tên vợ: Trần Thị Nhàn

02./ Phạm Khắc Hạt

- Năm sinh: 1945. Quê quán: Sơn Quế, An Khoái, Quỳnh Côi, Thái Bình.

- Nhập ngũ: 10/1963. Đi B: 09/1967.

- Cấp bậc: Thượng sỹ. Chức vụ: B phó.

- Đơn vị: C5 D33 E40

- Ngày hy sinh: 19/11/1969. Nơi hy sinh: Pu Pơ Răng. Trường hợp hy sinh: Chiến đấu. Nơi mai táng: 60200-47200 Pu Pơ Răng 1/50000

- Tên cha: Phạm Khắc Yết.

03./ Nguyễn Hữu Lịch

- Năm sinh: 1948. Quê quán: Cẩm Hoàng, Cẩm Gàng, Hải Hưng

- Nhập ngũ: 01/1966. Đi B: 03/1968.

- Cấp bậc: Thượng sỹ. Chức vụ: B trưởng.

- Đơn vị: C49 D30 E40

- Ngày hy sinh: 16/11/1969. Nơi hy sinh: Đắk Song, Đắk Lắk. Trường hợp hy sinh: Chiến đấu. Nơi mai táng: 60200x47200

 

Trao cho tôi bản photo CV170, anh Trần Quốc Huy, nguyên Đại tá –phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh DakLak đã nghỉ hưu mở tấm Bản đồ Quân sự, chỉ vào một điểm và nói:

- Đây chính là tọa độ 60.200-47.200. Các anh ấy đang “nằm” tại đây. Địa điểm này rất dễ tìm. Với tâm trạng nửa đau xót, nửa hồ hởi, anh nói thêm:

- Nhất định sẽ xác định được hài cốt của anh Nguyễn Hữu Lịch, chính là ở phần mộ có chiếc dao găm cán duyra. Vì khi còn ở với nhau, mình đã làm cho các anh em trong đơn vị mỗi người một cán dao găm như vậy. Anh Bộ, người trực tiếp mai táng anh Lịch cũng còn nhớ rất rõ điều như vậy.

Khi này tôi mới hiểu nỗi vui buồn lẫn lộn trong tâm trạng của anh Huy.

Tôi hỏi:

- Cơ duyên nào mà anh có được CV170 này vậy?

- Là do anh Bộ cùng Nguyễn Hữu Điểm là em trai Liệt sỹ Lịch, đã vào đây. Tụi mình cùng kéo nhau đến Quân đoàn 3 ở GiaLai, xin xác minh.

Ban Chính sách Quân đoàn rất tận tình, họ nhận đơn rồi sưu tra tàng thư và phúc đáp bằng “Công văn số: 170/CCT-BCS” ngay trong ngày.

CV170 được Ban Chính sách Quân đoàn trao trực tiếp cho anh Điểm, đồng thời được gửi đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh DakLak và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh DakNông.

- Vậy mà ba hài cốt Liệt sỹ: Thịnh, Hạt và Lịch vẫn chưa được cất bốc, quy tập, hả anh?

- Mình được anh Bộ điện cho biết: “Tỉnh đội Dak Nông có trao đổi với anh Điểm qua điện thoại là: Gia đình yên tâm chờ, vì..vì..”

Tôi mạnh dạn nêu ý kiến với anh Huy: “Anh em mình nhảy xe Buýp đến huyện đội Dak Song, thuê xe của “họ” để vào Bu Prăng. Đoạn nào xe ôtô không đi được thì ta đi xe thồ đến tọa độ 60.200-47.200. Xác định được khu vực mộ rồi thì thuê người dân sống ở gần đó đóng cọc làm hàng rào, hoặc xây bao đánh dấu. Tôi chịu hoàn toàn kinh phí!”

Suy nghĩ hồi lâu, anh Huy trả lời: “Kinh phí là chuyện không cần bàn đâu anh ạ! Nghiệt nỗi đôi chân mình hồi này lục cục lắm rồi, e rằng lội rừng không được!”

Tôi bấm máy gọi cho anh Bộ (số máy có được từ anh Huy), đề nghị anh Bộ cung cấp thêm thông tin về những việc đã làm, xung quanh việc đề nghị cất bốc, quy tập hài cốt của ba Liệt sỹ nói trên.

Từ người này, tôi biết được số máy của người khác.

Qua gần 30 cuộc gọi cho các số máy: Đến anh Huy; Đến anh Bộ; Đến anh Điểm; Đến anh Văn (em trai Liệt sỹ Thịnh); Đến cháu Thơ và chị Thường (cháu và em gái Liệt sỹ Hạt); Đến Đại tá Tương; Đến Ban Chính sách Quân đoàn 3; Đến Tổng đài tỉnh đội Đắk Nông; Đến Ban Chính sách tỉnh đội Đăk Nông (BCSTĐĐN). Cuối cùng là…đến cán bộ của BCSTĐĐN. Cũng nhờ có các nhà mạng và ngành Bưu chính viễn thông giúp sức, chứ mà phải chạy đi chạy lại thì “khả năng” của tôi không thể nào đáp ứng nổi. Vậy nên tôi được biết chính xác nhiều điều:

1/ Cha mẹ của các Liệt sỹ không chờ được đến ngày thắp hương trên phần mộ Liệt sỹ của con mình. Các cụ đã “khuất núi”. Trong đó cụ Nguyễn Thị Quắn là mẹ của Liệt sỹ Hạt, cụ mất năm 2008 mới được truy tặng danh hiệu “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG” dịp 30/4 vừa qua.

2/ CV170 đã được anh Bộ và anh Điểm đưa trực tiếp cho BCSTĐĐN ngày 15/11/2013, chỉ một ngày sau khi Công văn được ký.

3/ Cuối mùa khô 2013-2014, do không nhận được thông tin gì về việc quy tập hài cốt 3 Liệt sỹ, nên đầu tháng 4/2014, đại diện 3 gia đình đã gửi Đơn đề nghị đến 5 cơ quan hữu trách, đó là:

Ban chính sách Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Ban chính sách Tỉnh đội Dak Nông

Ban chính sách Tỉnh đội DakLak

Sở Lao động Thương binh Xã hội Dak nông

Sở Lao động Thương binh Xã hội DakLak.

Đến ngày 15/4/2014 duy nhất chỉ có BCSTĐĐN trả lời (qua điện thoại chứ không bằng văn bản. Trích nguyên văn một đoạn thư của anh Điểm): “Họ trả lời là gia đình cứ yên tâm đó là trách nhiệm của họ giờ đang là mùa mưa và chúng cháu còn đợi kinh phí trên cấp về. Họ hứa là từ nay đến mùa khô sẽ cho người đi quy tập. Chứ giờ mưa cũng không làm được và theo tọa độ hy sinh 60.200-47.200 tại Đắc Song Đắc Lắc. Nhưng dóng bản đồ thì lệch địa điểm. Hiện tọa độ này nằm ở Tuy Đức hay Quảng Đức gì đó, em nghe không rõ lắm vì nó sâu hơn và giáp biên giới Campuchia và phải làm việc với cả Bộ đội Biên phòng nên phải có thời gian…

Không biết rằng: Sau khi nhận được CV170 do hai anh Bộ và Điểm đưa trực tiếp đến BCSTĐĐN, thì Tỉnh đội Dak Nông đã xúc tiến thế nào. Chỉ biết rằng: Tất cả đã phải đợi ròng rã suốt năm tháng mùa khô (từ 15/11/2013 đến 15/4/2014).

Không biết rằng: Bộ chỉ quân sự tỉnh Đak Nông đã tốn bao nhiêu thời gian làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh này rồi và còn cần bao lâu nữa.

Nhưng ai cũng biết rằng: Dù là Dak Song của DakLak khi xưa, hay Tuy Đức của Dak Nông hiện nay, hay là gì gì khác nữa của mai sau thì tọa độ 60.200-47.200 vẫn tĩnh tại, hoàn toàn bất di bất dịch chứ đâu có chuyển dịch theo địa danh.

Một lần được gặp Đại úy Phan Tất Đại –Đội trưởng K5, tôi có mạnh dạn trình bày trường hợp 3 liệt sỹ mai táng ở Đắk Nông chưa được quy tập, bởi vì trước đây tôi nghe tin: K51 chỉ tìm kiếm, cất bốc và quy tập những hài cốt Liệt sỹ trong nội vi tỉnh DakLak, tỉnh Mondulkiri thuộc nước bạn Campuchia.

- Tôi biết hai trường hợp: Thứ nhất có ba Liệt sỹ cùng là quân nhân của E40, hy sinh trong chiến đấu (tháng 11 năm 1969), được mai táng ở cùng một tọa độ 12 số và một trường hợp nữa có một liệt sỹ cũng hy sinh trong chiến đấu (tháng 3 năm 1966) được mai táng ở tọa độ 4 số chỉ rõ ô, nhưng không ở tỉnh DakLak mình mà ở tỉnh Dak Nông, vùng giáp ranh cửa khẩu Bu Prăng thì các anh có cất bốc giúp không? 

Nghe nguồn thông tin của tôi, người Đội trưởng Đội K51 vồn vã:

- Dạ! Cháu báo cáo Thủ trưởng cấp trên và đơn vị sẽ xúc tiến liền. Xin bác cung cấp cho cháu thông tin.

- Đơn vị sẽ tiến hành ngay cả trong mùa mưa này?

- Dạ! Anh em đơn vị sẽ tranh thủ thời tiết. Bởi chậm một ngày thì mức độ tàn phá càng thêm khủng khiếp. Qua bao nhiêu lần bốc cất, cháu thấy “Bác” nào được khâm liệm bằng tấm tăng, hoặc nilon che mưa thì hài cốt còn tồn lưu được khá nhiều. Chứ ngoài hai thứ đó thì hầu như chỉ bộ răng là còn được khá nguyên vẹn. Ngay cả vết kim rút thuốc trên nắp caosu của chiếc lọ Penixiline cũng rộng ra tới 1mm, hoặc bị rễ cây mò qua. Đại thở dài chua xót. Các “Bác” hy sinh trong chiến đấu thì…có phải “Bác” nào cũng được khâm liệm trong tăng bạt và nilon che mưa đâu ạ!

Nói rồi Đại vội mở sổ để ghi chép thông tin.

Trước phong thái làm việc thận trọng người Đội trưởng, tôi không muốn cung cấp thông tin “suông”, nên nói:

- Xin anh chờ để chúng tôi (tôi và anh Huy) thay mặt các gia đình Liệt sỹ gửi đơn đến Đội K51 và bản sao “Công văn cung cấp thông tin liệt sỹ của cấp Quân đoàn” để có chứng lý pháp lý rõ ràng!

- Dạ! Anh buông một tiếng thở dài. Cháu chờ!

Niềm vui rộn lên trong tôi. Hoàn toàn không hẳn là niềm vui “bắt được Vàng”, mà hòa trộn bao nỗi vui mừng, tràn trề mãn nguyện: Niềm vui trọn vẹn Nghĩa tình Đồng Đội. Niềm vui –nước mắt dành cho ngày gặp mặt của các bậc Sinh thành, của khúc ruột trên, khúc ruột dưới, của tình vợ nghĩa chồng đã khắc khoải mòn mỏi ngóng trông của thân nhân các Liệt sỹ.

Những dòng viết này muốn được là nén tâm nhang, tiếng chuông, tiếng mõ cầu siêu cho linh hồn các Anh. Sự hy sinh của các Anh là chất liệu góp phần làm nên tượng đài chiến thắng vĩnh hằng của dân tộc.

 

 

 

 Trần Đình Hằng

 

Nguồn tin: Đài TT-TH huyện Cư Jút

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây