Theo tiêu chí nào để hy vọng năm 2020 Việt Nam cơ bản thành 1 nước công nghiệp?

Thứ năm - 06/03/2014 11:47 - Đã xem: 1330
Đánh giá từ WB cũng cho thấy, nước nào có tỉ lệ nhập học cao thì có thu nhập bình quân cao, Việt Nam được công bố chỉ ngang bằng với Lào và Cambodia.
Trước sự xáo trộn của cơ cấu ngành nghề hiện nay, TS. Lê Viết Khuyến và đồng nghiệp đã có những đánh giá, nhận xét, nêu thực trạng và đưa ra những giải pháp căn bản để tái cơ cấu nguồn nhân lực, đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiềm lực để tới năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


TS. Lê Viết Khuyến
Tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cũng đã được Chính phủ hết sức quan tâm trong nhiều năm qua. Tại phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực mới đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã cho biết, đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết sách giáo khoa. 
 
Song song với sách giáo khoa là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rồi đến kiểm tra, thi cử.
 
Phó Thủ tướng cũng nói, nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc.
 
Nguồn nhân lực từ đâu ra?
 
TS. Lê Viết Khuyến, hiện làm việc tại Ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập), ông từng là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
 
Trước những vấn đề hệ trọng liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước hiện nay đang ở vào giai đoạn “có nhiều mối lo” khi mà mục tiêu trở thành nước công nghiệp đang cận kề.
 
TS. Khuyến đã dành rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu các mô hình giáo dục, cách phân luồng các bậc học của các nước trên thế giới để lựa chọn áp dụng linh hoạt vào điều kiện nước ta.
Trong cuộc làm việc mới đây giữa nhiều chuyên gia về giáo dục, TS. Khuyến đã thẳng thắn đặt vấn đề và có đánh giá sát thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay.
 
Theo TS. Lê Viết Khuyến, xét về bối cảnh thế giới thì đã có sự “đổi ngôi” rõ rệt về xu thế giáo dục đại học. Trước kia đại học là theo tinh hoa để đào tạo ra nguồn nhân lực ưu tú, bây giờ đại học  theo hướng đại chúng và phổ cập, theo đó có thể đào tạo không chỉ những người tinh hoa mà còn cho ra nguồn nhân lực mang tính đại trà. 
 
Thế giới xuất hiện 4 xu thế cơ bản trong giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực: Xu thế quốc tế hóa, xu hướng đa dạng hoa và thị trường hóa trong giáo dục đại học, xu hướng phi tập trung hóa (trao quyền tự chủ cho các trường đại học, và phải có trách nhiệm xã hội). 
 
Một dẫn chứng thực tế về việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung cho kinh tế tri thức sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước đi lên. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, thống kê giữa hai nước Ga Na và Hàn Quốc về đầu tư cho giáo dục những năm 1958 – 1960, thời điểm đó hai nước này có thu nhập bình quân như nhau, sau 30 năm thì Hàn Quốc vượt lên gấp nhiều lần, theo đánh giá đó là vì Hàn Quốc tập trung phát triển kinh tế tri thức, và giáo dục đóng vai trò quan trọng.
 
Trong khi đó Ga Na chỉ dựa vào sức lực “cơ bắp” con người, không phát triển nguồn nhân lực trí tuệ và chấp nhận tụt hậu rất xa.
 
Cũng đánh giá từ Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, nước nào có tỉ lệ nhập học cao thì có thu nhập bình quân cao, Việt Nam được công bố chỉ ngang bằng với Lào và Cambodia. Cũng là nước Châu á nhưng Hàn Quốc có tỉ lệ vượt  tới 103% số người nhập học. 
 
Vậy đào tạo nguồn nhân lực với cơ cấu như thế nào là hợp lí? Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, việc đào tạo một ngành để làm thợ thì không phải chỉ có một loại thợ mà có tới 4 loại thợ, thợ thao tác chỉ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ văn hóa đầu vào chỉ là tiểu học.
 
Thợ công nhân lành nghề phải được đào tạo ở trình độ trung học nghề, thợ cả hay công nhân lành nghề phải là trình độ cao đẳng, thợ cả phải đào tạo trên cao đẳng. Và do đó chương trình đào tạo không chỉ có một mà phải đa dạng.
 
Nguồn nhân lực Việt Nam kém chất lượng
 
Nếu chúng ta áp dụng 10 tiêu chí hiện đại hóa của một quốc gia (áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ) thì trong đó có 2 tiêu chí liên quan tới giáo dục. Đó là tỉ lệ người biết chữ phải chiếm trên 80% dân số và tỉ lệ nhập học phải đạt trên 15%.
 
Tuy nhiên, nhìn vào con số này để thấy được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 hướng tới là đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp thì tiêu chí đó chúng ta khó mà hoàn thành. 
 


Dự kiến phân luồng học sinh sau năm 2015 sẽ theo hai hướng:
 hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng. 
 
Chúng ta cũng đều biết tầm quan trọng trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tại Nghị quyết 29, Hội nghị TƯ 8 vừa qua có xác định về nguồn nhân lực như sau: Xây dựng một nền giáo dục mở.
 
Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020, phân luồng mạnh sau THCS. Ngoài ra, phải có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Nghị quyết cũng xác định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo 2 định hướng: Nghiên cứu và ứng dụng – thực hành.
 
Một đánh giá khách quan về nguồn nhân lực Việt Nam của tổ chức quốc tế BERI qua 4 tiêu chí: Khung pháp lí, năng suất tương đối, thái độ người lao động, thành thạo về kĩ thuật.
 
Theo thang điểm điểm 100 thì Việt Nam trong suốt thời gian dài chỉ giao động ở mức 30, trong khi đó Singapore năm 1999 đạt 84 điểm, Thụy sĩ 75 điểm, Nhật 73 điểm…
 
Từ bức tranh chung như vậy, TS. Khuyến nhận xét phần lớn nhân lực được đào tạo hướng dưới chuẩn, lực lượng công nhân chủ yếu là học nghề ngắn hạn, không được đào tạo bài bản.
 
Nhưng những người đó không yếu về học vấn, công nhân của chúng ta chủ yếu là tốt nghiệp phổ thông, trình độ cao nhưng hiểu biết về nghề nghiệp, về chuyên môn lại thấp. 
 
Nguyên nhân cũng có một phần được xác định là do cơ chế quản lí chồng chéo không hiệu quả, điều đó biểu hiện ở chỗ Bộ Lao động Thương bình và xã hội và Bộ GD&ĐT đều có trường đào tạo nghề. Nói như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguồn nhân lực của chúng ta rất kém chất lượng. 
 
Ngoài ra, TS. Lê Viết Khuyến nhận định thêm, công tác đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta không bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, thả nổi cho các cơ sở đào tạo. Hầu như chúng ta không có sự phân luồng người học và phân tầng cơ sở giáo dục. 
 
Phân luồng học sinh như thế nào cho hợp lí?
 
Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về các mô hình, cách phân luồng các bậc học của các nước có nền giáo dục phát triển, tiên tiến trên thế giới, do đó đề xuất của TS. Lê Viết Khuyến sẽ phân luồng học sinh, sinh viên Việt Nam sau năm 2015 chia làm hai hướng; hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng.
 
Hướng nghiên cứu: Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp lên phổ thông trung học rồi qua các đại học nghiên cứu và phát triển sau đại học. 
 
Hướng ứng dụng, thực hành: Tốt nghiệp THCS học sinh dẽ bắt đầu học từ trung học nghề lên cao đẳng nghề và đại học ứng dụng.
 
Theo phân tích của TS.Khuyến hàng năm tổng số tốt nghiệp THCS hiện nay của chúng ta là trên dưới 1 triệu em, trong đó sẽ chia thành 50% vào THPT và 30% vào trung học nghề, còn lại vào các hướng đào tạo nghề ngắn hạn (20%).
 
Hai hướng này đã đảm bảo 80% theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29, ngoài ra nhà nước phải có chính sách tập trung phát triển hai hướng này.

Những việc cần làm ngay
 
Đổi tên trường Trung cấp nghề thành trường Trung học nghề, điều chỉnh lại mục  tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề.
 
Bỏ hệ Trung cấp chuyên nghiệp. Chuyển đổi theo hai hướng: Cao đẳng công nghệ hoặc Trung học nghề. 
 
Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường Trung học nghề. 
 
Quy hoạch lại nhiệm vụ  các trường đại học theo hai hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho trường đại học trọng điểm, trường địa phương và trường các bộ ngành chủ yếu theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực địa phương.
 
TS. Lê Viết Khuyến cho biết thêm, nếu theo sự phát triển kinh tế của đất nước thì nguồn nhân lực ngày càng phải đa dạng hơn.
 
Có nhiều loại nhân lực khác nhau thì xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cũng phải khác nhau. Để có nguồn nhân lực đa dạng thì dứt khoát hệ thống giáo dục phải phát triển, có sự phân luồng và liên thông cho người học. 
 
Một mô hình phân luồng học sinh, sinh viên đáng chú ý của Đài Loan được nhiều nước đánh giá cao, với mô hình này đảo Đài Loan đã có được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng để phát triển kinh tế trong một giai đoạn rất nhanh chóng, vững chắc.
 
Theo đó, Đài Loan sẽ phân luồng sau bậc THCS. Phân luồng sẽ đi theo hướng hàn lâm và hướng công nghiệp theo tỉ lệ là 1 và 1,6.
 
Tỉ lệ được chia như sau: Trung học bậc cao + 3 năm đầu cao đẳng là 153,5 –  và 2 năm cuối cao đẳng + cao đẳng 2 năm + cao đẳng 3 năm là 44 –  và đại học chỉ là 1.
 
Đây là một mô hình phân luồng được nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ đánh giá rất cao để có được nguồn nhân lực tốt, chất lượng cho một đất nước công nghiệp.
                                                                                                                                         PVTH

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây