Nghề “nghe” tiếng cá

Thứ ba - 22/10/2013 09:16 - Đã xem: 1499

Nghề “nghe” tiếng cá

Và cũng chính từ những tháng ngày lam lũ làm thuê ấy, anh học được nghề “nghe” tiếng cá. Chính “nghề lạ” này đã giúp anh có thu nhập cao trong những chuyến ra khơi và được ngư dân phong là nhà “ngôn ngữ cá” trên vùng biển bãi ngang Quảng Trị…
Học nghề từ những chuyến làm thuê

Dọc theo con đường nhựa phẳng lỳ, tôi tìm về thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) để được gặp người có biệt tài “nghe” tiếng cá. Thực sự lấy làm lạ và tò mò bởi từ xưa đến nay tôi chỉ nghe nhiều đến nghề đánh cá, giăng lưới, thả câu chứ chưa bao giờ thấy ai “nghe” tiếng cá cả.

Gặp gỡ các ngư dân đang sửa chữa, kiểm tra ngư lưới cụ lần cuối trước lúc xuất bến, tôi được các anh cho hay: “Ở vùng bãi ngang này, ngư dân biết “nghe” tiếng cá chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng nghe chính xác nhất chỉ có anh Hiếu ở khu phố 7”. Dò hỏi mãi tôi mới tìm được nhà anh Hiếu-người được cho là có tài “nghe” tiếng cá giỏi nhất vùng bãi ngang này.


Chỉ với mái dầm, anh Hiếu có thể “nghe” được tiếng của nhiều loài cá

Sau tách trà nóng ấm, anh Hiếu cho biết: “Nghề này học không dễ, trăm người học thì chỉ có 1 đến 2 người nghe được tiếng cá. Muốn học được thì phải khổ luyện. Người học phải biết các loài cá, phải tập phân biệt âm thanh từng loài sau đó dùng tai áp sát mái chèo hoặc lặn xuống dưới nước để nghe cá “trò chuyện”. Có người học cả năm mà vẫn nghe sai âm thanh là chuyện rất bình thường”.

Cơ duyên đến với nghề được anh Hiếu kể lại qua nhiều câu chuyện xâu chuỗi liên quan đến cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề chài lưới ở vùng sông nước Cửa Việt nhưng anh lại lớn lên và trưởng thành ở miền Nam. Lúc 15 tuổi, anh theo cha lênh đênh khắp vùng sông nước Cà Mau để mưu sinh bằng nghề đánh cá. Và rồi trong những lần ra khơi ấy, anh học được của người dân nơi đây cái biệt tài “nghe” tiếng cá.

Anh vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên học nghề. “Mới đầu, lặn xuống nước, tôi căng tai nghe cũng không thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng máy nổ của thuyền phía trên và tiếng nước ùng ục”, anh Hiếu cho biết.

Vài tháng đầu, anh Hiếu vẫn gắng học nhưng hầu như đoán gì cũng sai, tuy nhiên vì sức hấp dẫn của nghề này đã khiến anh quyết tâm học đến cùng. “Mấy tháng liền tôi không sao phân biệt được tiếng cá với những thanh âm khác nên cũng hơi nản chí nhưng đã trót thích nghề này nên tôi càng cố gắng học hỏi”, anh Hiếu cho biết thêm. Từ đó, anh quyết tâm học hỏi kinh nghiệm của những bậc tiền bối về tiếng kêu của từng loài cá rồi học cách phân biệt chúng. Chỉ khoảng 5 tháng sau, anh Hiếu đã bắt đầu đoán đúng tiếng cá và kích cỡ từng loài.

Từ khi “nghe” được tiếng cá, anh liên tục được các chủ tàu mời đi biển để tìm luồng cá. Sau mỗi lần thuyền cập bến, các thuyền viên khác được chia một phần thì người “nghe” tiếng cá như anh được tới hai đến ba phần. Anh bảo rằng: “Công việc của người “nghe” tiếng cá không những rất cực khổ mà còn đóng vai trò quan trọng bậc nhất, quyết định cho việc thành bại của cả một chuyến đi. Đến mỗi vị trí đánh cá trên biển, họ phải lặn xuống trước tiên, sâu khoảng nửa mét để dò tìm luồng cá. Lúc này, nếu có cá hướng nào thì luồng nước sẽ mạnh lên hướng đó nên chỉ cần nhắm theo một hướng mà đoán xem số lượng bao nhiêu để báo cho các thuyền viên phía trên giăng lưới. Hôm nào không tìm được luồng cá, tôi phải dầm mình dưới nước hàng giờ liền, lúc trời rét mướt nước biển như đá, lạnh tê cả người. Nhiều lúc sợ cá mập tấn công nên tôi phải thường xuyên quan sát và nghe từ nhiều hướng”.

Nhận thấy nghề này mang lại thu nhập cao nên anh đã cố gắng bám trụ ở đất mũi Cà Mau làm thuê với mong ước có đủ tiền để về quê xây nhà, lập nghiệp.

Mưu sinh bằng “tai thần”

Ngày trở về quê, người dân nơi đây đồn đại anh có biệt tài “nghe” tiếng cá nhưng thực hư thế nào thì chưa có ai kiểm chứng. Mãi một thời gian sau, trong chuyến đi biển đầu tiên, anh khiến nhiều người ngỡ ngàng với tài lạ của mình. Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng tìm đến anh để nhờ theo thuyền ra khơi đánh cá. Một lão ngư bảo: “Tàu tôi trước đây cũng hay mời anh Hiếu đi cùng vì anh đoán khá chính xác từng loài đang tới và số lượng khoảng bao nhiêu tấn nên tàu tôi thường trúng khá đậm”.


Nhiều chủ tàu ở Cửa Việt mời anh Hiếu theo thuyền ra khơi để tìm luồng cá

Nay đã ở tuổi ngũ tuần nhưng trông anh vẫn còn rất nhanh nhẹn, tháo vát và đặc biệt là cặp mắt, đôi tai vẫn còn tinh anh. Dường như những năm tháng làm nghề “nghe cá nói chuyện” anh đã rèn cho mình có một đôi “tai thần”. Anh Hiếu cười hiền bảo: “Nghề này vất vả thật nhưng thú vị lắm. Nếu chim trên rừng cất tiếng gọi nhau thế nào thì cá dưới nước cũng chuyện trò với nhau như vậy. Dưới nước con cá nó kêu vào tai mình, nghe mãi thành quen nên tôi biết được chúng đang bơi kiếm ăn hay chạy trốn”.

Tôi tò mò muốn xem đồ nghề phục vụ cho công việc này thì anh Hiếu chỉ tay vào đôi tai, cười bảo: “Làm nghề “nghe” tiếng cá không cần trang bị đồ dùng hỗ trợ như nghề lặn mà chỉ mặc độc có cái quần xà lỏn, nhảy xuống nước, cách be thuyền 0,5 m là có thể hành nghề. Dưới nước, đôi tai người có thể nghe được âm thanh truyền đi trong phạm vi 5 km. Cho nên nếu có cá thì chỉ cần 1 phút sau, theo nhịp nước chảy là tôi có thể đoán được số lượng nhiều hay ít, loài cá gì”.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề chài lưới và gần 20 năm biết “nghe” tiếng cá, anh Hiếu có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xác định rạn (người dân biển gọi rạn là bãi đá, rặng san hô dưới biển). Vì thế chỉ cần đặt tai vào mái dầm là anh biết được đâu có rạn để bạn chài thả câu, đâu không có rạn để bủa lưới.

“Nếu nghe tiếng nổ nhỏ rì rào thì đó là rạn thấp còn rạn cao sẽ phát ra những tiếng nổ lách tách liên tục như khi ta rang bắp. Rạn là nơi cư ngụ của cá nhưng chỉ câu chứ không thả lưới được vì lưới sẽ vướng vào rạn nên tùy thuộc vào phương pháp đánh bắt mà xác định rạn để tiến hành câu hay thả lưới”, anh Hiếu chia sẻ.

Trong quá trình lặn xuống biển “nghe” tiếng cá nếu gặp nước chảy mạnh, có tiếng vù vù thì cá khá nhiều nhưng là loài nhỏ, còn nước chảy mạnh, đều là cá lớn. Khi cá vào chừng 100 m là có thể nghe rõ tiếng kêu của nó. Mỗi loài cá có tiếng kêu khác nhau nhưng không phải cá nào cũng kêu, cá trích, cá thu ẩu thì không kêu, chỉ có các loại như sóc nanh, cá ngao vàng đuôi, cá sóc trắng, cá lù đù, cá đỏ dạ mới kêu. Mỗi loài có tiếng kêu đặc biệt khác nhau, qua đó phân biệt được loài nào với loài nào. Chẳng hạn như cá sóc nanh kêu cụp... cụp, cá sóc trắng thì tọc... tọc, cá ngao vàng đuôi lại kêu lục đục, lục đục.

Để phân biệt được như vậy, phải lặn nhiều, nghe nhiều, sai vài lần thì lần sau tự khắc đúng. Nghề này cũng dự đoán được đến 90% số lượng mỗi đàn cá bơi đến, qua đó việc giăng lưới thành phạm vi cũng dễ dàng hơn. Theo nghề hơn 30 năm, anh Hiếu không nhớ hết là đã ra khơi bao nhiêu lần cũng như số lần dự đoán cá chính xác. Chỉ biết, ngư dân trong vùng này khi nhắc đến nghề “nghe” tiếng cá thì ai cũng biết đến anh như một bậc thầy cừ khôi vậy.

Hiện giờ, con cái đã có cuộc sống ổn định và khá thành đạt, với lại tuổi đã cao nên anh Hiếu không còn theo tàu lớn đi đánh bắt xa khơi nữa mà chỉ sắm cho mình chiếc thuyền thúng để mưu sinh ở vùng biển bãi ngang để thỏa chí đam mê sông nước và tài “nghe” tiếng cá của mình. Chưa lần nào người dân nơi đây thấy anh đi biển về tay trắng mà ngược lại anh luôn đánh bắt được những loại cá chọn lọc cho riêng mình.

 “Dùng lưới có thể đánh bắt được một số loài nhất định chứ không thể chọn lựa được cá to hay nhỏ, loài cá gì. Duy nghề “nghe” tiếng cá thì làm được điều đó, vì thế muốn đánh bắt loài cá nào theo chủ đích thì lặn xuống nước hay đặt tai vào mái dầm để nghe rồi mới lựa chọn loại lưới chuyên biệt để đánh bắt chúng”, anh Hiếu cho biết.

Nhờ tài riêng biệt đó mà ngày nào các tiểu thương thu mua hải sản đều đến đặt hàng anh đánh bắt cá. Dẫu biết rằng tài nguyên biển gần bờ đang cạn kiệt dần nhưng với anh để đánh bắt theo chủ đích thì cần chất lượng chứ không cần số lượng như nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ vẫn làm. Cách làm đó của anh đã góp phần bảo vệ, duy trì nguồn tài nguyên biển gần bờ.

                                                 
Theo NHƠN BỐN (Quảng Trị Online)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây