Khi những cánh rừng đã cạn thì thủy điện tấn công vào VQG - những khu rừng giàu tài nguyên còn sót lại của đất nước. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lấn VQG Cát Tiên, thủy điện Ea K’tuor “gặm” VQG Chư Yang Sing… và nay thì thủy điện Đrang Phốk nhăm nhe vào VQG Yok Đôn. Tại sao các nhà đầu tư thích lấy những cánh rừng quý, giàu tài nguyên để làm thủy điện đến thế?
Ai cũng hiểu các khu rừng trên là một trong những nơi ít ỏi còn sót lại những loại gỗ quý. Các loại gỗ quý này hiện “đắt như vàng” nên lực lượng kiểm lâm ngày đêm canh giữ nhưng không ít người vẫn dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí manh động để đưa gỗ ra khỏi rừng. Khi xây dựng cả đại công trình thủy điện thì sẽ “tàn sát” hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta rừng quý giá. Bên cạnh đó không ai có thể kiểm soát nổi số lượng gỗ quý bị triệt hạ là bao nhiêu.
Hậu quả do thủy điện gây ra đã từng diễn ra ở thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), nhiều khu rừng ở đây bị phá không thương tiếc. Trong khi nhà đầu tư đoan chắc rừng được quản lý chặt chẽ thì vào mùa mưa bão, hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ nhưng chưa kịp đưa ra khỏi rừng đã bị nước cuốn trôi ra lòng hồ thủy điện. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học cho rằng nhiều nhà đầu tư thủy điện không phải kiếm lợi nhờ… thủy điện. Lợi ích của thủy điện đối với người dân chưa thấy đâu nhưng sự thiệt thòi của cộng đồng dân cư đã rõ: tài nguyên rừng mất, lũ lụt ngày càng nguy hiểm, cuộc sống của người dân bị đe dọa, hệ sinh thái bị tàn phá…
Khó hiểu hơn là các cơ quan chức năng, các tỉnh, bộ liên quan… lẽ ra là nơi “gác cửa”, giữ gìn tài nguyên quốc gia, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân thì nay lại cho phép xây dựng những thủy điện này. Dư luận không khỏi thắc mắc vì cái gì và vì ai mà những cơ quan trên lại nhiệt tình ủng hộ thủy điện xâm hại VQG?.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...