Giảm thủ tục, nhẹ gánh cho dân

Thứ ba - 01/07/2014 23:31 - Đã xem: 1304
Từ ngày 1-7, 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành, đó là Luật Đất đai, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng cháy và chữa cháy(PCCC).

Nhiều nội dung tại 5 dự luật này tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó tinh thần chung được ghi nhận tại các luật là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào các vấn đề liên quan.

Luật Đất đai năm 2013 (gồm 14 chương, 212 điều), bổ sung quy định mới về  đăng ký đất đai trên mạng điện tử. Việc quy định hình thức đăng ký điện tử góp phần tích cực vào tiến trình cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký. Bên cạnh đó, điểm tiến bộ ở luật này là đã giảm nhiều thủ tục hành chính về nhà, đất, với số lượng thủ tục hành chính giảm 1/3 so với Luật Đất đai năm 2003. Thời gian  làm thủ tục hành chính về nhà, đất cũng được rút ngắn đáng kể. Điển hình thời gian cấp giấy chủ quyền nhà, đất giảm từ 55 ngày xuống còn 30 ngày.

Theo Luật Tiếp Công dân, người tiếp công dân phải có thái độ ứng xử đúng mực, tôn trọng công dân

Theo Luật Tiếp Công dân, người tiếp công dân phải có thái độ ứng xử đúng mực, tôn trọng công dân

Luật Đấu thầu 2013 (13 chương, 96 điều) cũng hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đấu thầu, đồng thời quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu với từng trường hợp cụ thể. Khác với trước đây, từ sau ngày 1-7, việc quyết định chỉ định thầu của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp… không còn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định như trước đây. Phân tích đạo luật này, giới chuyên môn cho rằng các quy định của luật giúp nhà thầu Việt Nam từng bước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ở Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nội dung mới của luật là bổ sung, làm rõ một số quy định liên quan việc phát hiện lãng phí và xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Theo đó, thông tin phát hiện lãng phí phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra lãng phí xem xét, xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện giải trình về việc để xảy ra lãng phí. Dư luận rất đồng tình với quy định này bởi nó tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí, góp phần ngăn chặn lãng phí, xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí.

Cũng gắn với cải cách thủ tục hành chính, Luật Tiếp công dân (9 chương, 36 điều) củng cố, nâng cao hoạt động tiếp công dân, xóa bỏ thói quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiến hà dân. Luật đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người tiếp công dân. Người làm công việc này phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Việc cháy nổ trong khu dân cư diễn ra nhiều trong thời gian qua một phần do không có quy định cụ thể về việc kinh doanh, sử dụng vật liệu cháy, nổ. Luật PCCC đã điều chỉnh phạm vi đối tượng, bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và không báo cháy khi có điều kiện báo cháy, trì hoãn việc báo cháy.

Nguyễn Duy

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây