Ký quỹ để chống trốn

Thứ hai - 26/08/2013 02:59 - Đã xem: 1199
Ngoài ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động sang Hàn Quốc, người lao động bỏ trốn hoặc ở lại nước ngoài còn bị phạt số tiền tương đương

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký Quyết định 1465/QÐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động (NLÐ) đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động EPS. Theo đó, trong thời gian thực hiện thí điểm 5 năm, kể từ ngày 21-8, NLÐ trước khi sang Hàn Quốc bắt buộc phải nộp tiền ký quỹ 100 triệu đồng.


Từ ngày 21-8-2013, người lao động muốn sang Hàn Quốc phải nộp tiền ký quỹ 100 triệu đồng

Bỏ trốn sẽ mất tiền

Quyết định của Chính phủ dựa theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) nhằm ràng buộc trách nhiệm, ngăn ngừa lao động vi phạm hợp đồng, tự ý chuyển chủ, hết hạn hợp đồng không về nước mà bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp.

Theo quyết định trên, NLÐ về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của NLÐ gây ra (nếu có). Trường hợp phần thiệt hại vượt cao hơn so với tiền ký quỹ thì NLÐ phải nộp bổ sung. Ðối với trường hợp bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc trái phép thì không được hoàn trả tiền ký quỹ. Số tiền này sẽ được chuyển vào Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi NLÐ thường trú để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các hoạt động khác nhằm đẩy mạnh XKLÐ và giải quyết việc làm tại địa phương.

Quyết định cũng nói rõ NLÐ thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì được vay tối đa 100 triệu đồng để ký quỹ. Trong trường hợp vi phạm thì tiền ký quỹ của NLÐ được sử dụng để trả khoản vay này.

Áp dụng biện pháp mạnh

Vấn đề đặt ra là việc áp dụng biện pháp mạnh về kinh tế này có ngăn được tình trạng lao động tự ý chuyển chủ, phá vỡ hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước, bỏ trốn... đang gia tăng trong thời gian qua hay không? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB-XH, khẳng định việc ký quỹ không "đánh" vào người nghèo cũng không làm khó ai, bởi nếu tuân thủ tốt hợp đồng, NLÐ không những không mất tiền ký quỹ mà còn được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ.

Ông Hòa còn cho biết cùng với việc ký quỹ, sẽ có nhiều biện pháp khác được triển khai đồng bộ nhằm quyết liệt ngăn chặn tình trạng lao động vi phạm pháp luật ở Hàn Quốc nói riêng. Cụ thể, bên cạnh Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ LÐ-TB-XH vừa ra quyết định và tới đây sẽ mở thêm Văn phòng Quản lý lao động (đặt tại Seoul ) nhằm tăng cường quản lý cũng như hỗ trợ, tư vấn, vận động NLÐ tuân thủ hợp đồng. Song song đó, trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ, Bộ LÐ-TB-XH sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển lao động ở những địa phương có đông người bỏ trốn. "Quan điểm của chúng tôi là các địa phương và bản thân gia đình, NLÐ phải có trách nhiệm. Bằng mọi cách phải nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân" - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Ðào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, tỉ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc từ trên 50% vào đầu năm đã giảm còn hơn 40%. "Phía Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa ra các biện pháp chống trốn. Ðây là cơ sở quan trọng để tới đây 2 nước sẽ ký gia hạn thỏa thuận hợp tác chương trình EPS (đã dừng ký từ ngày 29-8-2012)" - ông Hải nói.

Có thể bị phạt từ 100-200 triệu đồng

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, ngay trong chiều 23-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo nghị định này, mức phạt áp dụng đối với các tổ chức vi phạm pháp luật về XKLÐ tối đa là 200 triệu đồng, đối với NLÐ là100 triệu đồng.

Bài và ảnh: DUY QUỐC

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây