Triệt đường nhân viên

Thứ hai - 24/02/2014 13:58 - Đã xem: 1095
Công ty ép nhân viên ký hợp đồng lao động với những điều khoản bất lợi, nếu không ký phải nghỉ việc

17 giờ ngày 17-2, sau khi thỏa thuận ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thành, bà Đặng Thị Phương, Giám đốc (GĐ) Công ty TNHH MTV SX Hoàng Vĩnh Kim (viết tắt là DK - quận 12, TP HCM), đã ra thông báo tạm ngừng việc đối với 6 nhân viên (NV) chưa đồng ý ký HĐLĐ. Nội dung thông báo ghi rõ: “Đề nghị bảo vệ công ty kiểm tra kỹ, không cho phép các trường hợp này vào làm việc”, kèm theo họ tên, hình ảnh NV dán trước cổng công ty.

Không ký thì... cấm cửa!

Các NV nêu trên đều làm việc tại Công ty DK từ 6 tháng trở lên nhưng không được ký HĐLĐ; không được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chỉ có quyết định lương (bao gồm 2 mục tiền lương cơ bản và phụ cấp). Mới đây, một số NV thắc mắc về chế độ phép năm và tiền tăng ca năm 2013 thì bà Lê Thị Quỳnh An, phụ trách kế toán - nhân sự, trả lời rằng không có HĐLĐ nên không có phép. Riêng tiền tăng ca, phải có giấy xác nhận từ các đơn vị vệ tinh nơi họ được cử đến làm việc thì mới xem xét.

Sáu nhân viên đến Công ty DK làm việc ngày 18-2 nhưng bảo vệ không cho vào

Thấy NV bức xúc, sáng 17-2, Công ty DK yêu cầu một số người về văn phòng để ký HĐLĐ. “Công ty đưa ra 2 bản HĐLĐ và 1 bản đơn xin nghỉ việc, nói rõ nếu không ký HĐLĐ thì ký vào đơn xin nghỉ việc. Đơn xin nghỉ việc cũng đã được ghi sẵn lý do “tôi không chấp nhận ký HĐLĐ” - anh Lê Phay Phay cho biết.

Thông báo ngừng việc có dán hình 6 nhân viên được gửi đi nhiều nơi
Thông báo ngừng việc có dán hình 6 nhân viên được gửi đi nhiều nơi

Đáng nói là ở bản HĐLĐ thứ nhất, người lao động (NLĐ) phải làm việc 9 giờ/ngày, tăng ca không được trả lương. Công ty sẽ trả lương khoán gồm: lương cơ bản 3,5 triệu đồng, phụ cấp chuyên cần 1 triệu đồng, đồng phục và điện thoại 800.000 đồng, phụ cấp ăn ca 800.000 đồng. Ở HĐLĐ thứ 2, ngoài các khoản phụ cấp như HĐLĐ thứ nhất, lương cơ bản là 2,5 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc 8 giờ/ngày, khi tăng ca được tính tiền dựa trên lương cơ bản.

Cả 2 hợp đồng đều có mức lương cơ bản thấp hơn thỏa thuận ban đầu (từ 7,5-14 triệu đồng/tháng) và một số điều khoản chưa hợp lý nên NLĐ không đồng ý ký. Chiều cùng ngày, khi các NV đang làm việc, bà Lê Thị Hoài, trợ lý giám đốc, yêu cầu bảo vệ “trục xuất” 6 NV không ký HĐLĐ ra khỏi công ty. “Chúng tôi thật sự “sốc” khi thấy thông báo ngừng việc có cả ảnh của mình dán trước cổng công ty” - chị Tạ Xuân Liễu bàng hoàng.

Cố tình xúc phạm nhân viên?

Phản đối thông báo của Công ty DK, sáng 18-2, các NV đi làm bình thường nhưng bị cấm cửa. Các công ty vệ tinh cho biết họ đã nhận được danh sách có hình ảnh 6 NV kèm theo khuyến cáo: “Tất cả trường hợp trên không còn làm việc tại văn phòng DK. Đề nghị ban giám đốc các nhà máy ghi nhận thông tin trên và yêu cầu bảo vệ kiểm tra giấy tờ kỹ…”.

Tráo trở hơn, dù yêu cầu NLĐ đến các công ty vệ tinh xác nhận thời gian tăng ca nhưng trong email gửi tới 16 địa chỉ, công ty đề nghị “nếu các trường hợp này có yêu cầu xác nhận ngày giờ làm việc, vui lòng không xác nhận và không giải quyết”!

“Mỗi NV thường chỉ làm tại một nơi nhưng công ty cố ý gửi thông tin của chúng tôi đến tất cả các nơi, kể cả những đơn vị không phải là đối tác. Hành động này đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của chúng tôi, cố tình bêu riếu để bít đường tìm việc của chúng tôi sau này”- chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh bức xúc.

Trước hành động thái quá của Công ty DK, một đơn vị đối tác khi nhận được thông báo đã phản ứng: “Quản lý người ra vào công ty là việc làm nội bộ của từng nhà máy, không cần thiết văn phòng DK đề xuất chúng tôi làm gì. Vui lòng dừng việc gửi email tới lui về vấn đề này. Vui lòng cân nhắc khi gửi email”.

Làm việc với chúng tôi chiều 20-2, bà Nguyễn Thị Thúy Hường, người được giám đốc ủy quyền, cho rằng công ty chỉ tạm thời ngừng việc NV vì chưa thỏa thuận được mức lương chứ chưa hề ra quyết định cho thôi việc. Công ty vẫn trả lương những ngày họ không làm việc. Bà Hường thừa nhận hết thời gian thử việc nhưng công ty không ký HĐLĐ; không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ là sai. Ngoài ra, công ty sẽ thanh toán phép năm cho NLĐ, yêu cầu họ trở lại làm việc vào ngày 21-2 để thỏa thuận ký lại HĐLĐ. Tuy nhiên, đến ngày 21 và 22-2, dù NLĐ có mặt nhưng vẫn chưa được làm việc, chưa được ký HĐLĐ vì công ty khất hẹn và không giải quyết.

Phải tuân theo thỏa thuận ban đầu

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 12, nhận định  Công ty DK và NLĐ tranh chấp chủ yếu vì không thống nhất được mức lương chính khi ký HĐLĐ. Theo quy định, sau thời gian thử việc, dù công ty không ký HĐLĐ thì giữa 2 bên cũng đã xác lập quan hệ lao động. Do đó, khi thỏa thuận ký lại HĐLĐ mới, nếu 2 bên không thống nhất được mức lương thì căn cứ vào mức lương theo thỏa thuận ban đầu để truy đóng BHXH, BHYT, BHTN. “Trong tuần này, Phòng LĐ-TB-XH quận 12 sẽ tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành, NLĐ có thể kiện ra tòa. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra công ty trong thời gian tới” - ông Dũng cho biết.

 

Bài và ảnh: Mai Chi

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây