Người LĐ đơn phương chấm dứt HĐ có được thanh toán lương?

Thứ tư - 05/03/2014 03:00 - Đã xem: 1399
Vào ngày 15.11.2013, tôi có ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) thử việc tại KS có thời hạn 1 tháng (từ ngày 15.11.2013 tới ngày 15.12.2013) và khi chấm dứt hợp đồng, hai bên phải thông báo trước 3 ngày. Nhưng do nhu cầu đi học thêm chuyên ngành ở nước ngoài, vào ngày 22.12.2013 tôi có thông báo với ban lãnh đạo công ty về việc xin thôi việc tại công ty. Bốn ngày sau, tôi thông báo với trưởng phòng nhân sự (TPNS) và gửi tin nhắn qua điện thoại cho anh TPNS công ty xác nhận về việc thôi việc. Ngày 28.1.2014, công ty thông báo do tôi nghỉ không thông báo nên không thanh toán lương tháng 12.2013. Về việc những lần thông báo và gửi tin nhắn, email của tôi, và anh TPNS cho rằng đó chỉ là lời nói suông và không có đơn xin nghỉ việc nên họ không có trách nhiệm phải trả lời. Như vậy, cho tôi hỏi: + Theo BLLĐ thì việc không thanh toán lương khi NLĐ xin nghỉ mà không có đơn xin nghỉ việc có đúng không? + Nếu công ty không thanh toán lương thì có thể khiếu nại đến đâu? pthao235@yahoo.com
Trả lời:
- Về việc NLĐ chấm dứt HĐLĐ sau khi hết thời gian thử việc:
Theo quy định tại Điều 29 - Bộ luật Lao động (BLLĐ): Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng LĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ.
Trường hợp của bạn khi hết thời gian thử việc, không ký kết HĐLĐ cho NLĐ, NLĐ không được thông báo kết quả thử việc mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức.
Tuy nhiên, BLLĐ không có quy định cụ thể trường hợp đương nhiên được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại HĐLĐ có xác định thời hạn bao lâu, do đó cần thiết phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký HĐLĐ loại gì, dùng làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện HĐLĐ đã được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.
Việc chấm dứt HĐLĐ phải tuân thủ quy định tại Điều 37 - BLLĐ 2012. Thời hạn báo trước là 30 ngày nếu là hợp đồng xác định thời hạn, ít nhất 3 ngày nếu là hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với trường hợp nghỉ việc do bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện được HĐLĐ.

- Việc nghỉ việc sẽ phải thông báo bằng văn bản thông qua đơn xin nghỉ việc theo đúng các trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ được quy định tại Điều 37 - BLLĐ. Tuy nhiên, ở đây, bạn gửi thông báo bằng hình thức nhắn tin và email cũng là một hình thức thông báo tới người sử dụng LĐ. Nếu HĐLĐ tiếp theo là hợp đồng theo một công việc nhất định và thời hạn dưới 12 tháng thì việc báo trước 3 ngày là phù hợp. Vì vậy, công ty có trách nhiệm trả đủ lương cho bạn trong những ngày bạn làm việc và bạn có trách nhiệm bàn giao công việc với công ty.

Theo quy định tại Điều 47 – BLLĐ, K2: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Nếu công ty vẫn không thanh toán lương, bạn có thể khiếu nại tới phòng lao động - thương binh và xã hội quận nơi công ty có trụ sở để được giải quyết.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Cty luật TNHH Đức An)

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây