Cho nghỉ việc tùy tiện

Thứ sáu - 25/04/2014 08:10 - Đã xem: 1369
Nhiều doanh nghiệp tùy tiện cho người lao động nghỉ việc bất chấp quy định của pháp luật

Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động, anh Ngô Bá Chung (quận 4, TP HCM) thắc mắc: “Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Trường Dạy tiếng Anh và Dạy nghề Thăng Long (Trường Thăng Long, quận 4, TP HCM) nhưng nơi ra thông báo cho tôi nghỉ việc lại là Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn (SCC, quận 3, TP HCM), đơn vị bảo trợ của trường, như vậy có hợp lệ?”.

Có tiền thì có quyền?

Chung cho biết HĐLĐ của anh có thời hạn từ ngày 1-3-2013 đến 28-2-2014. Sau khi hợp đồng hết hạn, ngày 3-3, anh vẫn được phân công giảng dạy bình thường. Ngày 10-3, anh đột nhiên nhận được thư thông báo hết hạn hợp đồng và yêu cầu kết thúc công việc kể từ ngày 15-3 từ ông Paul Finnis, Giám đốc SCC. Anh bị mất việc kể từ thời điểm đó dù chưa hề nhận được quyết định thôi việc từ Trường Thăng Long.

Công ty Hoàng Vĩnh Kim (quận 12, TP HCM) bị kiện ra tòa vì cho 6 nhân viên nghỉ việc tùy tiện
Công ty Hoàng Vĩnh Kim (quận 12, TP HCM) bị kiện ra tòa vì cho 6 nhân viên nghỉ việc tùy tiện

Tại buổi hòa giải do Phòng LĐ-TB-XH quận 4 tổ chức, sau khi nghe phân tích, phía SCC đã nhận sai vì ra thông báo ngưng HĐLĐ không đúng thẩm quyền, đồng thời đề nghị trả lương tháng 3-2014 và bồi thường thêm 1 tháng lương để anh Chung nghỉ việc. Tuy nhiên, anh Chung không đồng ý mà yêu cầu phải bồi thường thêm 3 tháng lương vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vi phạm thời gian báo trước. Phía SCC không đồng ý với đề nghị này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Minh Thi, Hiệu trưởng Trường Thăng Long, thừa nhận đã sai khi giải quyết vấn đề của anh Chung. Tuy nhiên, khi đề cập việc bồi thường, bà Thi cho biết: “Tuy Trường Thăng Long ký HĐLĐ với anh Chung nhưng không thể quyết định việc bồi thường bởi kinh phí hoạt động của trường do SCC tài trợ. Nếu SCC không đồng ý thì tôi cũng bó tay”. Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4, cho rằng về mặt luật pháp, Trường Thăng Long ký HĐLĐ với anh Chung thì trường phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.

Vô tư sai phạm

Ngày 3-5-2013, chị Đặng Thị Thu Thanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) ký HĐLĐ không xác định thời hạn với UBND một phường tại quận Phú Nhuận. Đầu tháng 12-2013, bà D.T.H.T, chủ tịch phường, đột ngột thông báo cho chị nghỉ việc vì không có hộ khẩu thường trú tại TP HCM. “Tôi tốt nghiệp ĐH nhưng chỉ được trả lương 2 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, tôi cũng không được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp” - chị Thanh bức xúc.

Làm việc với chúng tôi, bà H.T giải thích: “Ký HĐLĐ với chị Thanh khi hồ sơ không đầy đủ là sai sót của chủ tịch phường tiền nhiệm. Khi tiếp quản công việc, tôi không thể trình hồ sơ của chị Thanh lên UBND quận để xin biên chế nên lương trả cho chị phải trích từ khoản tiết kiệm nội bộ. Việc này gây ảnh hưởng đến quỹ lương chung nên tôi buộc phải cho chị Thanh thôi việc”. Tuy nhiên, việc “sửa sai” của chủ tịch phường lại dẫn đến cái sai khác là đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động trái pháp luật. Bà T. cũng thừa nhận điều này.

Một trường hợp chấm dứt HĐLĐ tùy tiện khác xảy ra tại Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp, TP HCM. Trong ca trực ngày 22-3, ông P.T.H, nhân viên bảo vệ, đã để xảy ra mất xe máy của khách. Ngày 31-3, ông đột ngột bị cho nghỉ việc. Trả lời về việc này, ông Phùng Kiên Giang, Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp, cho biết: “Trong quá trình làm việc, ông H. hay say xỉn, bị nhắc nhở nhiều lần nhưng không khắc phục. Ngày 31-12-2013, HĐLĐ của ông H. hết hạn, chúng tôi chưa ký HĐLĐ mới vì muốn có thời gian thử thách thêm. Tuy nhiên, ông không khắc phục mà còn để xảy ra mất mát nên phải cho nghỉ việc”.

Ông Giang giải thích thêm: Vì HĐLĐ của ông H. là hợp đồng khoán việc, tất cả các khoản bảo hiểm trả vào lương nên ông không được nhận trợ cấp thôi việc. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng ghi rõ khi hết hạn thì coi như hợp đồng được thanh lý nên không cần ra quyết định thôi việc.

Sau khi chúng tôi phân tích việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là bắt buộc, giải quyết cho người lao động nghỉ việc phải tuân thủ pháp luật thì ông Giang thừa nhận thiếu sót và cho biết sẽ thỏa thuận lại việc chấm dứt HĐLĐ với ông H.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, hiện có nhiều doanh nghiệp thiếu sự quan tâm đối với pháp luật lao động. Do đó, khi tranh chấp xảy ra thường xử lý theo cảm tính, dẫn đến xâm phạm quyền lợi của người lao động và khiến cho chính doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

 

Bài và ảnh: Mai Chi

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây