Qua vụ án "con ruồi 500 triệu": Nghĩ về văn hóa ứng xử của doanh nghiệp

Thứ tư - 06/01/2016 22:18 - Đã xem: 982
Dù đã 2 tuần sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa vụ án “Con ruồi 500 triệu” ra xét xử sơ thẩm nhưng dư luận vẫn còn “nóng rực” với nhiều ý kiến, góc nhìn khác nhau xung quanh vụ việc này.

Điều đáng nói là chẳng thấy ai ngỏ lời thương xót cho Tân Hiệp Phát dù chỉ trong vòng gần 1 năm, công ty này đã thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng mà chú ý nhiều vào cách hành xử của doanh nghiệp này. Đây thực sự là một bài học quý giá để các doanh nghiệp suy nghĩ về văn hóa ứng xử đối với khách hàng của mình.  

Gần một năm trước, khi ông Võ Văn Minh bị Công an Tiền Giang bắt vì Tân Hiệp Phát “mật báo” chuyện thỏa thuận nhận 500 triệu đồng. Vụ án khép lại, với mức án 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh. Ngay sau phiên tòa, Tân Hiệp Phát đã nhận sự giận dữ của "cơn địa chấn" dư luận. Vì lâu nay, Tân Hiệp Phát đã quen với việc nhờ cậy chính quyền và truyền thông để làm lá chắn cho mình, trong khi người tiêu dùng mới giữ vai trò quyết định cho sự tồn tại lại không được coi trọng.

Cái giá của Tân Hiệp Phát phải trả cho kiểu cách hành xử lấy tiền, lấy thế mạnh để “giăng bẫy” một khách hàng khi phát hiện ra sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty này. Nếu lãnh đạo Tân Hiệp Phát hành xử có văn hóa thì khi nghe thông tin của anh Minh nói chai nước có ruồi và nổi lòng tham nhất thời trong thời đại kinh tế thị trường muốn thương lượng đánh đổi lấy một số tiền thì công ty cần mời Ủy ban An toàn thực phẩm đứng ra giải quyết vụ việc. Nếu đúng là sản phẩm của mình thì Tân Hiệp Phát nhận trách nhiệm. Còn nếu là hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. Làm được như vậy thì Tân Hiệp Phát mới là công ty quang minh chính đại, một thương hiệu lớn.

Đằng này, doanh nghiệp lại đi giăng bẫy một người nông dân thì thật là không nên. Trong kinh doanh, người tiêu dùng mới quyết định sự thành - bại của doanh nghiệp. Theo giới luật sư thì đây là "cái giá" mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử thiếu khôn ngoan của mình. Thậm chí, nếu sau phiên tòa phúc thẩm, bị cáo kia vẫn bị tuyên án tù nặng thì doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nguy cơ phá sản do bị người tiêu dùng quay lưng. Vấn đề cốt lõi nhất ở đây do ứng xử kém văn hóa của doanh nghiệp, khiến dư luận, người tiêu dùng phải lên tiếng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, xã hội rất tinh tường, do vậy, người tiêu dùng mới tẩy chay khủng khiếp như thế. Thực tế, những ngày gần đây, nhiều quán giải khát treo biển không bán sản phẩm của Tân Hiệp Phát, tố sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng thì cũng bày tỏ nói không… khiến Tân Hiệp Phát lâm vào sự khủng hoảng.

Hình ảnh bị cáo Võ Văn Minh ôm con trai ngồi trước vành móng ngựa, hình ảnh cháu bé đứng lấp ló nhìn cha bằng đôi mắt ngây thơ… tràn ngập trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội, cho thấy, một lần nữa, dư luận lại mở phiên tòa kết tội Tân Hiệp Phát. Và lần này thì bản án sẽ ở khung hình phạt cao nhất với đơn vị này.

Quay đầu lại là người tiêu dùng, muộn còn hơn không, nếu Tân Hiệp Phát muốn tồn tại. Hãy dũng cảm thừa nhận, chí ít là gần cả trăm chai trà thảo mộc Dr Thanh mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau đang thu giữ là có vấn đề. Tân Hiệp Phát đừng đổ cho thế lực thù địch, đừng nghĩ là có bàn tay phá hoại. Hãy nhìn cách mà Toyota, Honda và các thương hiệu lớn khác làm, khi họ sẵn sàng thu hồi hàng triệu xe ô tô, xe máy SH, hàng chục ngàn sản phẩm bị lỗi kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng của mình - những người quyết định thành - bại của một doanh nghiệp.

Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây