Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy: Chư Jút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Thứ hai - 04/05/2015 21:00 - Đã xem: 915

Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy: Chư Jút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng thời gian qua được huyện Chư Jút triển khai một cách hiệu quả. Trong đó, việc triển khai đồng bộ các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật có chiều sâu, đạt chất lượng đã giúp cho người dân nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên rừng.

Hiện nay, diện tích trên địa bàn huyện Chư Jút còn khá lớn, với gần 37.000 ha, độ che phủ chiếm trên 55% diện tích tự nhiên của địa phương. Trong đó, diện tích rừng sản xuất khoảng 33.000 ha, rừng phòng hộ trên 1.454 ha, rừng đặc dụng 2.794 ha, tập trung chủ yếu ở xã Đắk Wil do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, Vườn Quốc gia Yok Đôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ vành đai biên giới quản lý.

Công ty cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh đã hoạt động hiệu quả tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (Chư Jút)

Trong những năm qua, để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, huyện Chư Jút đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, huyện đã triển khai được 840 lượt tuyên truyền tại các xã, tổ chức 71 buổi họp tại các thôn với 1.957 hộ dân tham gia, ký cam kết với 10 trang trại chăn nuôi, 10 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc không săn bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã.

Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tổ chức ký 109 bản cam kết trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với các hộ dân sống gần rừng, trong rừng. Cụ thể, tại xã Đắk Wil, Hạt Kiểm lâm huyện đã ký kết 22 bản cam kết, xã Tâm Thắng 21 bản, Đắk D’rông 43 bản, Chư K’nia 3 bản, xã Ea Pô 19 bản, thị trấn Ea T’ling 1 bản…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành trên địa bàn huyện cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và phương án quản lý, bảo vệ rừng tập trung của các đơn vị chủ rừng. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các phương án bảo vệ rừng tại các đơn vị như Công ty TNHH Vĩnh An, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú – Đắk Nông… ngày một cải thiện, hạn chế dần tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng tràn lan như trước đây.

Ngoài ra, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, huyện Chư Jút còn triển khai quy hoạch và di dời các xưởng chế biến gỗ vào khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Hiện nay, tất cả các xưởng chế biến gỗ còn hoạt động trên địa bàn huyện đều nằm trên các vị trí đã được địa phương quy hoạch, đồng ý cho xây dựng. Trong đó, huyện đã có 3 xưởng chế biến gỗ trong Khu công nghiệp Tâm Thắng và 2 xưởng đặt tại thị trấn Ea T’ling. Những xưởng chế biến nằm ngoài khu vực quy hoạch, không được chính quyền cho xây dựng đã ngừng hoạt động chế biến gỗ từ năm 2012.

Ngoài ra, Đoàn công tác 12 của huyện cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, truy quét các điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Cụ thể, từ tháng 6/2013 đến năm 2014, huyện đã phát hiện và lập biên bản 35 vụ vi phạm; trong đó, vận chuyển trái phép gỗ 19 vụ, mua bán, cất giữ trái phép gỗ 14 vụ… Đặc biệt, trong khoảng thời gian kể trên, với nỗ lực của các cấp, ngành hữu quan, huyện Chư Jút không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Theo đồng chí Lục Văn Tốn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Jút, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn lấn chiếm đất rừng. Bên cạnh kết quả quy hoạch 3 loại rừng thì các cấp, ngành hữu quan huyện Chư Jút đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp, quản lý dân cư, quy hoạch các xưởng chế biến gỗ, quản lý các đơn vị nhận khoáng, thuê đất, rừng trên địa bàn… nên trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, đất, rừng trên địa bàn huyện đã được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra. Thực trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để vì hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của một số đơn vị chủ rừng là các dự án nông lâm nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, còn bộc lộ nhiều yếu kém, buông lỏng quản lý…

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây