Ấm lòng từ những món quà
Còn khoảng 20 ngày nữa mới đến Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng ngày 5/1, Nhà văn hóa cộng đồng bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã đông vui như Tết. 50 hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam của bon và nhiều người khác quây quần tại nhà văn hóa cộng đồng để chia sẻ niềm vui với nhau. Người thì diện những bộ quần áo mới nhất, người thì mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, làm cho không khí buổi tặng quà thêm phần vui vẻ, đoàn kết.
Trong không gian nhà cộng đồng, cả người tặng và người được tặng quây quần, ngồi bên nhau ấm cúng, thân tình. Những cái bắt tay nắm chặt, những lời thăm hỏi ân cần và những câu chuyện về cuộc sống, tình hình phát triển kinh tế gia đình của mỗi hộ nghèo cứ như vậy được sẻ chia. Sự quan tâm về tinh thần, lẫn vật chất của các cấp, ngành làm cho bà con ấm lòng hơn khi năm mới cận kề. Mặc dù giá trị của món quà chưa thực sự lớn, nhưng chứa trong đó là tình cảm, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Bà H’Hônh, ở bon Dru cho biết: “Gần Tết rồi đó, nhưng mình chưa nghĩ đến việc sắm sửa cái gì hay làm gì hết. Món quà được nhận hôm nay, mình sẽ để dành đến Tết mới mở ra để con cháu, hàng xóm cùng chung vui”.
Tại các xã Nam Xuân, Đắk Sôr…(Krông Nô) cũng vậy, không khí Tết không chỉ về đến UBND xã, nơi có đoàn đến thăm, tặng quà hộ nghèo mà còn len lỏi đến một số hộ gia đình chính sách khó khăn. Tại đây, lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp đến thăm một số gia đình nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó động viên tiếp tục vững tin hơn trong cuộc sống.
Giữa thời tiết oi nồng, nóng bức, nhưng những người mù khó khăn thuộc Hội Người mù huyện Chư Jút cũng đã có mặt từ sớm tại trụ sở để đón đoàn thăm, tặng quà. Họ đến sớm không phải để mong lấy quà nhanh mà để có thời gian nói chuyện, gặp gỡ, chia sẻ những kết quả đạt được cũng như giãi bày tâm tư của mình trong năm qua.
Bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội người mù huyên Chư Jút cho biết: “Năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hội luôn cố gắng quan tâm, chăm lo đời sống hội viên. Vào các ngày lễ, tết, Hội cũng đã trực tiếp vận động các tổ chức cá nhân tặng quà những hội viên khó khăn với số tiền trên 179 triệu đồng. Và dịp gần Tết này, lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống thăm, tặng quà đã góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên người mù trong huyện tiếp tục nỗ lực hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống. Dù khiếm khuyết, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để khẳng định giá trị của bản thân, mù đôi con mắt, nhưng vẫn có đôi bàn tay để lao động, nuôi sống mình. Tôi cũng hy vọng, năm mới, các cấp, ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để những người như chúng tôi tiếp tục phát triển”.
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo, tặng quà Tết cho người nghèo từ các nguồn huy động đóng góp khác nhau. Như Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh thì tổ chức thăm, tặng quà người nghèo địa bàn Gia Nghĩa. Tỉnh đoàn phối hợp với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng quà cho người nghèo, trẻ em nghèo vượt khó tại huyện Tuy Đức và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em thiếu nhi…
Tặng quà người nghèo xã Nam Xuân (Krông Nô) |
Bảo đảm tất cả hộ nghèo đều có quà Tết
Đó là khẳng định của đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tỉnh. Theo đó, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh có khoảng 39.000 hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách cần được hỗ trợ, tặng quà.
Để bảo đảm 100% hộ nghèo đều có quà Tết, từ tháng 11/2016 UBND tỉnh đã triển khai phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam qua nhiều hình thức như vận động trực tiếp, phát động quyên góp ủng hộ, gửi thư kêu gọi tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, đơn vị...
Đến đầu tháng 1, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 18.000 suất quà và tiến hành phân bổ, trao tặng cho hộ nghèo tại một số địa phương. Số quà còn lại tuy việc huy động còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh quyết tâm bảo đảm tất cả các trường hợp thuộc diện được tặng quà sẽ có ít nhất 1 phần quà vui xuân đón Tết, mỗi suất quà tương đương 300.000 - 500.000 đồng.
Để tránh tình trạng tặng quà chồng chéo, hộ có hộ không, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát kỹ càng, lập danh sách cụ thể, phân loại đối tượng cũng như theo dõi sát sao việc tặng quà ở địa phương mình. Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị Tết tại một số địa phương, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Việc tặng quà Tết không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành với nhân dân mà còn thể hiện tình cảm giữa con người với nhau và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Do đó, mỗi địa phương cần phát huy nhiều nguồn lực để làm sao mỗi hộ có ít nhất một phần quà, tránh tình trạng hộ có hộ không, nếu để hộ có, hộ không là mình có lỗi với người dân, với bà con mình.
Bài, ảnh: Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...