Một điểm sạt lở mạnh dọc bờ sông Krông Nô. Ảnh: Đức Hùng |
5 lần dời nhà vì sạt lở
Năm 2004 gia đình anh Đỗ Sơn Lâm, từ tỉnh Đắk Lắk sang thôn Quảng Hòa, xã Nâm N'đir (Krông Nô) mua 4 ha đất gần dọc bờ sông Krông Nô để lập nghiệp. Trên diện tích đất này, ban đầu, gia đình chủ yếu trồng hoa màu để tránh lũ. Tuy nhiên, từ khi có các công trình thủy điện ở thượng nguồn, vùng đất này hàng năm không có lũ nên anh đầu tư trồng bơ booth để xen cây ngắn ngày nhằm "lấy ngắn nuôi dài".
Hiện nay, bơ đã phát triển tốt, đang chăm sóc năm thứ 2. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, việc sạt lở bờ sông Krông Nô đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của gia đình anh. Ngoài nhiều diện tích cây trồng thường xuyên bị trôi sông thì ngôi nhà anh ở cũng liên tục phải di chuyển vì sạt lở.
Cách đây một tuần, anh Lâm lại phải thuê người di chuyển ngôi nhà đang ở vì đất sạt lở ngày càng mạnh, sợ không biết khi nào nó trôi cả nhà xuống sông. Theo anh Lâm thì đây là lần thứ 5 gia đình phải chuyển nhà "chạy sạt lở".
Anh Lâm cho biết: Hiện nay tôi không dám ở cố định trong căn nhà này nữa mà chỉ sử dụng để làm nơi bảo quản máy móc và dụng cụ lao động, nghỉ trưa. Vì chưa có điều kiện mua đất, gia đình tôi đành phải mượn đất của người dân trong thôn làm tạm nhà để ở. Không nói đến nhà, mặc dù khi trồng cây lâu năm, tôi đã trừ khoảng cách rất xa bờ sông nhưng vẫn không tránh được sạt lở. Hàng chục cây bơ tôi bỏ vốn, bỏ công ra trồng, chăm sóc giờ đang phải chứng kiến nó lần lượt trôi sông mà thấy xót quá.
Gia đình anh Đặng Văn Quảng, trú cùng thôn có 5 sào đất trồng trồng bắp cũng đang thấp thỏm không yên. Thời gian qua, diện tích bị sạt lở đã lấy đi của gia đình anh 3 sào, chỉ còn lại 2 sào đất để canh tác.
Anh Quảng chia sẻ: "Không đầu tư thì không có thu nhập, mà đầu tư cũng không biết có được thu không vì chưa biết khi nào cả cây trồng lẫn đất sẽ trôi sông do sạt lở. Chúng tôi không biết làm sao, chỉ mong chính quyền có hướng khắc phục, chống sạt lở, hoặc có chính sách hỗ trợ tiền để gia đình đi mua đất chỗ khác tiếp tục canh tác chứ cứ thấp thỏm thế này thì cực chẳng đã...".
Cần sớm có giải pháp
Thống kê của xã Nâm N'đir (Krông Nô), thời gian qua có hơn 14 ha đất dọc bờ sông Krông Nô qua địa bàn xã bị sạt lở, trôi xuống sông. Vị trí sạt lở dọc theo bờ sông Krông Nô kéo dài từ thôn Nam Ninh đến thôn Quảng Hà với 47 hộ có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng.
Tình trạng sạt lở xảy ra mạnh nhất là khu vực gần trạm bơm số 5, công trình thủy lợi Đắk Rền. Đây cũng là khu vực mà Công ty TNHH Phú Bình được cấp phép khai thác cát. Trong thời gian vừa qua, người dân và chính quyền phát hiện nhiều tàu hút cát ra sức hoạt động gần khu vực sạt lở mạnh.
Đầu năm 2017, khi tình hình sạt lở tại khu vực gần trạm bơm số 5 diễn ra mạnh, UBND xã Nâm N'đir đã tiến hành kiểm tra, ghi nhận hiện trạng và đề nghị các hộ dân phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như thực hiện một số thủ tục để có kiến nghị, đề xuất phương án hỗ trợ, khắc phục.
Hoạt động khai thác cát tập trung một thời gian dài tại một địa điểm đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Krông Nô, huyện Krông Nô. Ảnh: Văn Tâm |
Theo ông Huỳnh Long Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, sau khi người dân phản ánh, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn để tiến hành thực tế, kiểm tra hiện trạng, tìm nguyên nhân. Qua kiểm tra thực tế, đã xác định có 7 điểm sạt lở mạnh, tổng chiều dài các khu vực bị sạt lở trên địa bàn xã Nâm N'đir khoảng 2.051m, chiều rộng các khu vực mới sạt lở tại thời điểm kiểm tra từ 1 - 5m. Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở đất sản xuất của người dân, Phòng tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm tiến hành kiểm tra các khu vực bị sạt lở mạnh trong các khu vực đã được cấp phép khai thác cát cho các đơn vị trên địa bàn huyện để cắm mốc tạm thời, cấm hoạt động khai thác khoáng sản tại các khu vực trên nhằm hạn chế sạt lở đất sản xuất của người dân.
Về phương án lâu dài, huyện Krông Nô đang tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khu vực đã cấp phép cho các đơn vị trên địa bàn huyện. Trường hợp các khu vực có kết cấu địa chất yếu, việc khai thác cát gây tác động mạnh đến việc sạt lở đất thì xem xét thu hồi một phần giấy phép khai thác của các đơn vị để bảo vệ diện tích đất sản xuất của người dân, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện và mất an ninh trật tự do hoạt động khai thác cát gây nên tại các khu vực trên. Đối với các khu vực đã bị sạt lở, huyện sẽ thành lập đoàn liên ngành, sớm xác định nguyên nhân và có phương án giải quyết để ổn định tư tưởng và đời sống của người dân.
Nhận định ban đầu của các phòng, ban chuyên môn huyện Krông Nô thì hoạt động khai thác cát không đúng vị trí cấp phép; các công trình thủy điện thượng nguồn xả nước làm thay đổi dòng chảy cộng với nền đất pha cát dễ rửa trôi là những nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở diện rộng, tần suất ngày một nhanh hơn. |
Đức Hùng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...