Công tác giảm nghèo ở Đắk R'lấp: Nhìn từ việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Thứ ba - 05/04/2016 18:23 - Đã xem: 1000
Trong những năm qua, huyện Đắk R’lấp đã có những giải pháp đúng đắn, kết hợp đồng bộ các chính sách an sinh xã hội phục vụ cho công tác giảm nghèo.

Theo đó, để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thì đầu tư phát triển hạ tầng tại những xã, cụm dân cư thuộc diện khó khăn được huyện xem là khâu quan trọng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn. Trên cơ sở đó, cùng với nguồn vốn của trung ương và tỉnh, địa phương đã chú trọng huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 100% tỉnh lộ và trên 85% huyện lộ được nhựa hóa.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn cho người dân

Điển hình như ở thôn Quảng Thọ, xã Đạo Nghĩa, trước đây việc đi lại sinh sống, sản xuất của người dân trong thôn hết sức vất vả vì tuyến đường chính liên thôn luôn sình lầy vào mùa mưa và bụi mù vào mùa nắng. Năm 2013, cùng với đầu tư của Nhà nước, người dân thôn đã đóng góp để nhựa hóa gần 2km đường. Giao thông thuận lợi đã giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy sản xuất của thôn phát triển.

Bên cạnh đó, Đắk R’lấp hết sức chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở những vùng khó khăn, bảo đảm cho việc dạy và học ở những nơi này. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương thực hiện nghiêm túc các chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã giải ngân trên 127 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 51.000 lượt học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được vay; trên 2.000 học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập, với số tiền gần 2 tỷ đồng. Qua đó, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đắk R’lấp đã có bước phát triển, hạn chế được tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, huyện còn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là những lao động thuộc hộ nghèo với các nghề dân dụng, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, trang bị những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm để có thu nhập cho gia đình. Địa phương xem đây là biện pháp nhằm thay đổi nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân và từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc một số loại cây trồng, vật nuôi cho hàng ngàn lượt người tham gia. Địa phương còn tích cực hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo có được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, giúp cho người nghèo tạo thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có trên 10.000 hộ được vay vốn sản xuất với tổng dư nợ là trên 200 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vốn vay được người dân sử dụng đúng mục đích để tăng gia sản xuất, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình, huyện còn thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn, chính quyền các xã tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình giảm nghèo để người dân học tập, thay đổi phương thức canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhiều đường giao thông nông thôn ở xã Nhân Cơ được bê tông hóa sạch, đẹp

Theo đánh giá của UBND huyện Đắk R’lấp thì với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần hỗ trợ tích cực cho các hộ nghèo một cách thiết thực. Từ đó, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo, có hướng phát triển kinh tế một cách bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn dưới 6% (theo tiêu chuẩn cũ) giảm 12% so với năm 2010.

Mặt khác, việc hưởng lợi từ các dự án đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của huyện cũng có bước phát triển tích cực, từ đó hỗ trợ đắc lực cho địa phương phát triển một cách toàn diện. Trong thời gian tới, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Đắk R’lấp sẽ tiếp tục phát huy nội lực, huy động các nguồn đóng góp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các hình thức giảm nghèo, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây