Trong căn nhà cũng là trụ sở của Công ty Hồ Hoàn Cầu (xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ông Hồ Văn Hoàn luôn bận rộn với các khách hàng tìm đến mua sản phẩm. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi lần đầu tiếp xúc với người đàn ông 55 tuổi này là sự cởi mở với nụ cười nhân hậu luôn nở trên môi.
Về quê gắn với ruộng đồng
Nhà nghèo nên năm 1978, vừa học xong THPT là Hồ Văn Hoàn tạm chấm dứt ước mơ vào đại học, đi học trường nghề để mong sớm có việc làm đỡ đần cha mẹ. Ra trường, Hoàn xin làm công nhân ở một xưởng cơ khí được một thời gian thì xưởng giải tán nên thất nghiệp.
Chàng trai trẻ quyết định trở về quê gắn với ruộng đồng. Có chiếc xe máy cà tàng mua được sau hơn 10 năm đi làm công nhân, Hoàn quyết định bán để lấy tiền mở một xưởng cơ khí nhỏ sản xuất các nông cụ thô sơ như lưỡi cày, cuốc, xẻng… rồi bán cho nông dân trong vùng.
Thấy nông dân trong vùng ngày càng khó khăn với việc tìm kiếm chất đốt, Hoàn mày mò nghiên cứu rồi sáng chế được bộ bếp gang tiết kiệm nhiên liệu với ưu điểm giá thành chỉ 35.000-40.000 đồng/bộ nhưng tiết kiệm được 30%-40% chất đốt. Ban đầu, Hoàn cho bạn bè dùng thử, thấy quá lợi ích nên dần dà có người đặt hàng, rồi nhiều đầu mối đặt sản xuất với số lượng lớn để xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Cơ sở sản xuất bé nhỏ ở vùng quê nghèo heo hút bỗng dưng tấp nập người mua kẻ bán.
“Từ năm 1993 đến 2005, bếp gang của tôi bán rất chạy, sản xuất không kịp. Có ngày bán trên 1.000 bộ” - ông Hoàn kể và mở băng ghi hình cho chúng tôi xem phóng sự Vua bếp (nói về ông Hoàn) do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát trên sóng truyền hình năm 1998. Năm 2000, sản phẩm này giúp ông đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An.
Có vốn liếng kha khá nhờ bán bếp gang, ông Hoàn mày mò chế tạo các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và thành công với hàng loạt sản phẩm như máy bằm rau, máy tẻ bắp, máy xắt thuốc lào tự động. “Lúc đầu, nhiều chi tiết chưa chuẩn nhưng cứ khắc phục dần dần rồi sản phẩm cũng hoàn thiện và được thị trường đón nhận” - ông Hoàn nói.
Sản phẩm để đời của ông Hoàn là dây chuyền sản xuất gạch không nung dập cơ bằng tay, công suất 1.500-2.000 viên/ngày, ra đời vào năm 2004 và được cải tiến dần dần để đạt năng suất 4.000 viên/ngày vào năm 2007 và 7.000 viên/ngày vào năm 2011. Sản phẩm này cũng giúp ông đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.
Giúp nông dân thoát nghèo
Huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 100 cơ sở sản xuất gạch táp lô không nung sử dụng dây chuyền sản xuất gạch do “kỹ sư nông dân” Hồ Văn Hoàn chế tạo. Nhờ sử dụng dây chuyền này mà nhiều nông dân từ chỗ thiếu việc làm, giờ trở thành ông chủ, bà chủ với cơ ngơi tiền tỉ.
Các cơ sở sản xuất gạch này còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, giúp người dân thoát nghèo. Ông Lê Đôn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, nhận xét: “Nhờ có dây chuyền sản xuất gạch do ông Hoàn sáng chế mà địa phương có thêm một nghề mới là sản xuất gạch táp lô. Nghề này giúp người dân địa phương chúng tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Ưu điểm nổi bật của dây chuyền sản xuất gạch này là giá thành rẻ, dễ sử dụng. Nếu đầu tư cả dây chuyền thì chỉ hết 30 triệu đồng nên không chỉ người dân ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh sử dụng phổ biến mà còn được xuất khẩu sang Lào và tận châu Phi. “Riêng trong năm 2012, tôi bán được khoảng 500 dây chuyền, năm 2013 là 700 dây chuyền” - ông Hoàn cho biết.
Từ hai bàn tay trắng, sau hơn 20 năm chế tạo các sản phẩm cơ khí, hiện cơ sở sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng do ông Hoàn làm chủ đã thu hút được trên 80 lao động của quê nhà làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định. Anh Đậu Xuân Chính (ngụ xã Quỳnh Tân), công nhân cơ khí tại cơ sở của “kỹ sư nông dân” Hồ Văn Hoàn, cho biết: “Học ngành cơ khí, ra trường là tôi xin làm việc cho cơ sở này với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Làm việc ở đây ngoài thu nhập ổn định, còn học được rất nhiều kiến thức về lĩnh vực cơ khí, chế tạo do chú Hoàn dạy”.
Năm 1998, ông Hoàn vinh dự được tham gia hội nghị những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. Tại hội nghị này, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đến năm 2000, ông được Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Năm 2010, với sáng chế máy sản xuất gạch không nung, ông lại được mời tham dự hội nghị những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc và tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những sáng chế giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Mới đây nhất, tháng 1-2014, sản phẩm máy đúc gạch không nung trong dây chuyền sản xuất gạch của ông được Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tặng danh hiệu “Thương hiệu sản phẩm dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững”. Đó cũng là dịp ông vinh dự được nhận quà tặng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4
Kỳ tới: “Dương bắp” mê bứt củ lạc
Ở tuổi 55 nhưng đam mê sáng chế vẫn cháy bỏng. Ông Hồ Văn Hoàn bộc bạch: “Còn sức, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy. Với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất là được sáng tạo và nhìn thấy sản phẩm của mình giúp nông dân giảm nghèo”.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...