Ông Dương Trung Quốc: VNA phải biết giữ hình ảnh quốc gia

Thứ sáu - 28/03/2014 04:07 - Đã xem: 985
Đó là nhận xét của Nhà sử học Dương Trung Quốc, trước sự việc một nữ tiếp viên hàng không của hãng VNA bị Nhật tố ăn cắp.

VNA phải tự kiểm điểm

Chia sẻ thông tin với Đất Việt, trước sự việc này, ông Dương Trung Quốc cho biết: "Sự việc này cũng đã xảy ra nhiều. Người quản lý của hãng hàng không thì phải thấy ngành của mình là đại diện hình ảnh quốc gia mà đừng làm xấu nó. Muốn vậy thì phải giáo dục đạo đức cho nhân viên cho tốt lên".

Nhà sử học cho rằng, thời gian tới, hãng hàng không VNA phải có sự nhìn nhận và kiểm điểm lại nguồn đội ngũ, cán bộ, nhân viên của mình.

Một nữ tiếp viên hãng VNA bị bắt vì vận chuyển hàng ăn cắp ở Nhật

VNA phải biết mình là hình ảnh quốc gia

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nhưng chúng ta không nên lấy một sự việc để khái quát lên thành một quan điểm lớn, như vậy sẽ không tốt".

Liên tiếp những sự việc nhân viên VNA mắc lỗi

Không ít lần tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm nghiêm trọng nội quy hàng không khiến hãng phải "muối mặt".

Mới đây nhất, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1988) bị cáo buộc xách lô hàng lậu trị giá 3 triệu Yen lên máy bay và nhận tiền công vận chuyển từ tháng 6/2013.

Vào tháng 9/2013, tiếp viên Bích Ngọc từng bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen trên chiếc xe buýt chở phi hành đoàn từ một khách sạn ở Osaka đến sân bay quốc tế Kansai. Nữ tiếp viên bị cáo buộc theo yêu cầu của một phụ nữ người Việt 30 tuổi ở Nhật, đã bị truy tố vì mua hàng ăn cắp.

Hồi cuối tháng 2/2014, một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines cũng bị cáo buộc tương tự khi bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật.

Nhiều tiếp viên VNA dính cáo buộc vận chuyển hàng ăn cắp.

Nhiều tiếp viên VNA dính cáo buộc vận chuyển hàng ăn cắp. (Ảnh minh họa)

Tháng 9/2013, Công an TP Hà Nội tạm giữ Bùi Ngọc Tuấn, tiếp viên của VNA để điều tra về hành vi buôn lậu. Ngày 22/9/2013, khi chuyến bay mang số hiệu VN106 của VNA từ Paris đáp xuống sân bay Nội Bài, lực lượng an ninh sân bay phát hiện Bùi Ngọc Tuấn mang theo 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không làm thủ tục khai báo.

Trước đó, ngày 22/11/2011, Hải quan sân bay Incheon - Seoul (Hàn Quốc) phát hiện 20 lượng vàng trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên VNA chuẩn bị xuất về Việt Nam. Các nhà chức trách đã lập biên bản, tạm giữ 3 nhân viên trên để điều tra làm rõ nguồn gốc và áp dụng mức phạt theo quy định của Hàn Quốc.

Cuối năm 2011, tiếp viên Thái Anh Tiến của Vietnam Airlines bị khởi tố cùng siêu mẫu Vĩnh Thụy vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM.

Hồi năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.

Cuối năm 2008, phi công Đặng Xuân Hợp, cơ phó của Vietnam Airlines trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo đã bị Hải quan Nhật Bản tạm giữ để điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép...

Tháng 11/2008, Vietnam Airlines cũng buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Trong vụ việc này, phi công Trần Đình Đang bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép 6,5 triệu đô Úc về Việt Nam.

Trước những vụ việc trên, đại diện Vietnam Airlines cho biết, quan điểm của hãng từ trước tới nay vẫn là xử lý đúng người đúng hành vi. Tùy mức độ vi phạm, tiếp viên có thể bị cảnh cáo đến đuổi việc.

Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Thanh Huyền

Nguồn tin: baodatviet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây