(Dự án xây dựng cầu Nhật Tân - điển hình của hợp tác Việt - Nhật.) “Tôi rất vui vì Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm đến công du đầu tiên. Đây là dấu hiệu tốt lành để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới” – ông chia sẻ.
- Ông dự kiến Thủ tướng Abe sẽ đề cập đến những vấn đề nào trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng?
- Dù khoảng thời gian Thủ tướng Abe ở thăm Hà Nội khá ngắn, nhưng tôi tin cuộc hội đàm giữa ông và người bạn cũ Nguyễn Tấn Dũng – người ông Abe đã hai lần gặp mặt tại Tokyo và Hà Nội trên cương vị Thủ tướng Nhật năm 2006 – sẽ rất hữu ích và mang lại kết quả tốt đẹp. Tôi cho rằng, Thủ tướng Abe sẽ tái khẳng định tầm quan trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật giúp Việt Nam đạt mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa vào năm 2020 thông qua các dự án xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dòng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, giúp VN đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện chính sách công nghiệp... Tôi tin tưởng, chuyến thăm của Thủ tướng Abe sẽ thắt chặt “mối lương duyên” Việt-Nhật và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước.
- Việt Nam đang có chính sách mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc kết thúc thành công giai đoạn IV của Sáng kiến chung Việt-Nhật cuối năm 2011. Động thái này được các nhà đầu tư Nhật đón nhận như thế nào, thưa ông?
- Không gì minh chứng rõ ràng hơn việc Nhật Bản giữ vững vị trí nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam năm 2012 (theo Bộ KHĐT, tổng vốn đăng ký của DN Nhật trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt 4,68 tỉ USD, tương đương hơn 49% tổng FDI của cả nước – PV). Trong năm 2012, các DN Nhật làm ăn trong nước gặp nhiều rủi ro do sự tăng giá của đồng yen và suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, các Cty Nhật đầu tư tại Trung Quốc muốn tìm điểm đến mới để giảm thiểu rủi ro từ việc tập trung vốn quá nhiều vào một quốc gia. Việt Nam- với ưu thế về nhân công, môi trường chính trị ổn định và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, là đích đến tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Các yếu tố này khiến làn sóng đầu tư từ Nhật vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên.
- Nguồn vốn vay ODA từ Nhật cho Việt Nam liên tục cán mốc mới trong những năm vừa qua. Chính phủ Nhật Bản có tiếp tục cung cấp nguồn trợ lực quý này cho Việt Nam trong những năm tới, khi Việt Nam đang rất cần những dự án cơ sở hạ tầng lớn không, thưa ông?
- Tôi tin tưởng Chính phủ Nhật sẽ duy trì dòng vốn ODA ở mức cao cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2012 (kết thúc tháng 3.2013), mức ODA Nhật dành cho Việt Nam dự kiến giữ mức kỷ lục 2,6 tỉ USD. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ khởi động xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), với tổng số vốn 150 tỉ yen (1,7 tỉ USD), trong đó 120 tỉ yen là từ nguồn vốn ODA của Nhật. Thủ tục chào thầu dự án đường sắt nội đô Hà Nội tuyến số 1 và số 2 (tổng trị giá 500 tỉ yen) sẽ diễn ra năm 2013, để có thể bắt đầu xây dựng năm 2014 và dự kiến hoàn tất năm 2018-2019. Các dự án ODA trọng điểm được tiếp tục trong năm 2013 gồm đường sắt nội đô TPHCM tuyến số 1, dự án phối hợp nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và tuyến đường nối cao tốc. Như vậy, trong năm 2013, vốn ODA của Nhật sẽ tập trung giúp Việt Nam xây dựng cả cửa ngõ đường không (nhà ga T2 Nội Bài) và cửa ngõ đường biển (cảng Lạch Huyện). Chúng tôi hy vọng, công nghệ và dòng vốn từ Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
VN là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NHK tối 13.1, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Việt Nam, Indonesia, Thái Lan là những quốc gia có tiềm tăng cho tăng trưởng. Tôi muốn tăng cường quan hệ của Nhật Bản với những quốc gia này trong lúc thành lập một hệ thống kinh tế quốc tế lớn hơn”. Tokyo muốn tăng cường sự hiện diện của các công ty Nhật tại 3 thị trường trên, cũng như tại Châu Á, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như chống lại sự cạnh tranh của các tập đoàn Hàn Quốc. Trong chuyến thăm này, dự kiến ông Abe sẽ công bố các nguyên tắc cơ bản của chính quyền mới về chính sách ngoại giao Châu Á, có thể được gọi tên “Học thuyết Abe”. Chính quyền Tokyo sẽ xem xét giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á thành lập hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội và các khu công nghiệp thông qua nguồn vốn phát triển chính thức (ODA). Điều này sẽ giúp các công ty Nhật, bao gồm công ty nhỏ và vừa, mở rộng kinh doanh tại đây. Ông Abe cũng tiết lộ sẽ tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia đang quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển. Trong cuộc họp báo tại Australia hôm 10.1, Ngoại trưởng Nhật Kishida nói: “Trung Quốc có rất nhiều vấn đề trên biển Đông. Làm cách nào để đối phó với Trung Quốc là vấn đề chung đối với các quốc gia quan ngại”. Nhật Bản đã ký các tuyên bố chung về hợp tác an ninh với Australia và Ấn Độ, đồng thời tham gia diễn tập chung với những quốc gia này. Trong thời gian tới, Tokyo sẽ thúc đẩy hơn hợp tác an ninh tương tự. A.P |