Thông tư 27/2012 bị “tuýt còi” nhưng hàng ngàn CMND “có tên cha mẹ” đã được cấp - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đánh giá của các chuyên gia tư pháp tại hội thảo cho thấy các thông tư (do các bộ ban hành) hoặc thông tư liên tịch còn bất cập, hạn chế; không được ban hành đúng về thời gian quy định, khiến giảm hiệu lực quản lý, làm luật hoặc pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống. Thậm chí, rất nhiều thông tư không đảm bảo tính thống nhất, khả thi hoặc trái với quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định; gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc dư luận.
Hàng loạt quy định bị “tuýt còi”
|
Điển hình nhất là Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định bắt buộc phải điền họ tên cha mẹ lên CMND. Điều này đã gặp phải phản ứng khá dữ dội từ phía dư luận. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc xem xét và “tuýt còi” vì trái với quy định trong Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ Công an tiến hành sửa đổi Thông tư 27 và Nghị định 170/2007 theo hướng bỏ việc ghi họ tên cha mẹ trên CMND. Tuy nhiên cũng đã có hàng chục nghìn người dân ở Hà Nội đang phải mang CMND này vì vừa được cấp trước khi quy định bị chỉ trích.
Ngoài ra, Thông tư 04/2013 của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Sau khi dư luận lên tiếng phản ánh quy định này trái với luật Khiếu nại tố cáo và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có ý kiến, Bộ GD-ĐT đã phải ban hành ngay Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung Thông tư 04, bỏ quy định này.
Gần đây nhất là thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ về quản lý, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm đã tính tới cả việc xử phạt đối với hành vi đội mũ không đủ 3 lớp (thuộc thẩm quyền của nghị định do Chính phủ ban hành - PV) bị dư luận lên án và phải sửa đổi ngay sau đó.
Đại diện Bộ Tư pháp nói rằng điều này xuất phát từ quy trình xây dựng, ban hành thông tư chưa chặt chẽ, mang nặng tính chất “khép kín” trong nội bộ các cơ quan. Hoặc thiếu quy định kiểm soát chất lượng đầu vào như: phân tích chính sách; xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng văn bản chưa minh bạch, rõ ràng...
Thay đổi tư duy làm luật
|
Bộ Tư pháp cho biết đề án thí điểm sẽ tiến tới kiểm soát hoạt động xây dựng và ban hành các thông tư liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Sẽ có cơ chế kiểm soát ở tất cả các giai đoạn xây dựng; quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành trong việc tham gia đầy đủ vào các giai đoạn của quá trình xây dựng, ban hành văn bản.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ còn kiến nghị hướng dẫn việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật.
Trong năm 2013 tập trung kiểm tra văn bản thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp hoặc những lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc như các lĩnh vực: tổ chức cán bộ, đất đai, quản lý khai thác khoáng sản...
Theo TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc mỗi năm xuất hiện hàng nghìn văn bản trái luật, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp đã được nói tới từ cả chục năm nay nhưng không thay đổi được do tư duy làm luật, xây dựng văn bản từ trên xuống dưới vẫn như vậy. “Ở các nước phát triển, họ xây dựng ít luật thôi nhưng các quy định trong đó được nêu rất chi tiết để người dân thực hiện theo. Còn chúng ta thì quá chuộng xây dựng, ban hành các luật khung, nội dung không chi tiết rồi sau đó giao việc hướng dẫn thực hiện luật cho Chính phủ. Các bộ ngoài việc giúp Chính phủ xây dựng nghị định, còn trực tiếp xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định... Qua mỗi cấp như thế số lượng văn bản lại nhiều lên và nhiều khi khiến người dân không làm theo luật mà lại căn cứ theo nội dung của các văn bản, thông tư hướng dẫn”, ông Khiển nói và khẳng định, nếu Quốc hội và Chính phủ không thay đổi cách làm luật thì việc hàng nghìn văn bản trái luật “hành” dân, gây thiệt hại không thống kê nổi mỗi năm sẽ khó giảm.
Thế Văn
QUỐC HỘI SỚM ĐIỀU CHỈNH SỬA ĐỔI LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Trong thời gian vừa qua, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã phát hiện một số văn bản của một số Bộ ngành ban hành không đúng theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản và đã tuýt còi đề nghị thu hồi lại, như Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế vv… được dư luận rất hoan nghênh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều văn bản dưới luật ban hành hướng dẫn không thống nhất, nội dung mâu thuẫn với nhau nhưng chưa được Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị sửa đổi kịp thời.
Nhiều năm qua Quốc hội đã có nhiều luật đã được quốc hội thông qua đang áp dụng trong cuộc sống, tuy nhiên đến nay còn nhiều luật vẫn chưa có những văn bản dưới luật hướng dẫn để thực hiện , do vậy các cơ quan áp dụng pháp luật không thể thực hiện được. Có nhiều luật đã có nghị định của Chính phủ nhưng lại không có thông tư của cấp Bộ hướng dẫn cuối cùng cũng không thực hiện được. Nhiều khi người dân nói cho vui Thông tư của cấp Bộ còn cao hơn luật do Quốc hội ban hành , vì cấp Bộ không có thông tư hướng dẫn thì các cơ quan áp dụng pháp luật đành chịu, không thể áp dụng được. Chính vì trong thời gian vừa qua do chưa có thông tư cấp Bộ hướng dẫn, đã hạn chế quyền hoạt động và kinh doanh, làm thiệt hại đến nhiều tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình kinh doanh, không thể nào thống kê được. Các tổ chức doanh nghiệp cá nhân cũng không biết kêu ai.
Có những luật đều được quốc hội thông qua như Luật đất đai, Luật công chứng , nhưng khi có những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện nhưng không thống nhất , như Luật đất đai cho phép người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng , chuyển đổi đất đai , có thể được lựa chọn làm thủ tục tại UBND các xã, phường thị trấn ; văn phòng đăng đai cấp huyện, thị, thành phố hoặc tại phòng công chứng. Trong khi đó văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật công chứng thì bắt buộc người dân phải làm thủ tục tại phòng công chứng. Trong thời gian vừa qua nhất là làm thủ tục chuyển nhượng đất đai tại Phòng công chứng tư đã lộ lên những bất cập , do Phòng công chứng không nắm được thông tin, tính xác thực nguồn gốc đất đai đang làm thủ tục sang nhượng, do vậy kẻ xấu đã lợi dụng làm bìa đỏ giả hết sức tinh vi giống như thật, đã qua mắt các công chứng viên làm thủ tục chuyển nhượng trót lọt, đến khi cơ quan điều tra phát hiện được đã làm thiệt hại cho rất nhiều người mua đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa tính đến có thể nhiều bìa đỏ giả hiện nay đang thế chấp tại các ngân hàng thương mại, cũng chưa thống kê được mức thiệt hại như thế nào ?. Đề nghị việc công chứng hay chứng thực việc chuyển nhượng đất đai, nên thực hiện tại UBND cấp xã, phường, thị trấn và tại Văn phòng đăng ký đất đai là tốt hơn, vì tại nơi này các cơ quan chuyên môn sẽ đối chiếu bìa đỏ , biết được nguồn gốc của thửa đất thì phát hiện ngay bìa đỏ làm giả ngay.
Để khắc phục tình trạng hiện nay các văn bản dưới luật các bộ ngành hướng dẫn không kịp thời, không đồng nhất, nội dung mâu thuẫn, đề nghị Quốc hội sớm bổ sung sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật , cần quy định thời gian nhất định cụ thể ban hành văn bản hướng dẫn, đình chỉ kịp thời các văn bản dưới luật do các bộ ngành ban hành dưới dạng thông tư, công văn hướng dẫn trái luật, trái nghị định chính phủ, đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý nếu văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gây thiệt hại , thì tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có thể kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã không ban hành văn bản đúng thời hạn. Đề nghi Ủy ban thường vụ Quốc hội khi nào có đủ các văn bản dự thảo dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật mà quốc hội sắp thông qua, thì mới trình cho kỳ họp quốc hội để thông qua. Có như vậy việc thực hiện luật mới đi vào cuộc sống , không bị ách tắt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
MINH TRÍ
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...