Vụ cháy xảy ra ngay tại quận trọng yếu của TP Hà Nội mà phải mất tới hơn 4 giờ, lực lượng PCCC mới có thể khống chế hoàn toàn ngọn lửa. Đó là chưa kể ngọn lửa tưởng đã được dập tắt song lại bất ngờ bùng cháy trở lại khiến 9 chiến sĩ PCCC bị bỏng phải cấp cứu.
Điều đáng lo ngại nhất là cây xăng bị nổ, cháy nằm ở vị trí trọng yếu và nhạy cảm. Chỉ chưa đầy chục mét đối diện với chiếc xe bồn bốc cháy khi vào tiếp xăng là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với hàng ngàn bệnh nhân đang khám và điều trị. Nằm sát cây xăng còn là một đơn vị quân đội quan trọng. Không xa địa điểm cháy là trụ sở của Thông tấn xã Việt Nam...
Bởi thế, vụ cháy từ xe bồn ở đầu phố Trần Hưng Đạo lại một lần nữa đặt ra vấn đề đã được cảnh báo lâu nay. Đó là những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ nguy hiểm như cây xăng, sang chiết gas... nằm lẫn trong phố phường, khu dân cư đông đúc.
Không phải đến lúc xảy ra vụ cháy cây xăng nói trên, chúng ta mới nhận ra mối nguy hiểm khôn lường của những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nằm chung với khu dân cư. Đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra. Mỗi lần như vậy lại đặt ra sự cấp thiết phải ngăn ngừa, không thể để tái diễn, trong đó giải pháp căn cơ là phải phát hiện, di dời những cơ sở nguy hiểm này. Thế nhưng, mỗi vụ việc như vậy xảy ra lại chẳng khác nào thêm 1 hòn đá ném xuống ao bèo.
Hiện chưa thấy các thành phố lớn ở nước ta, nhất là các trung tâm chính trị - kinh tế như Hà Nội, TP HCM... lên được kế hoạch căn cơ để di dời, tách bạch các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như cây xăng, sang chiết gas khỏi các khu phố đông đúc, sầm uất. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc không ít người dân còn phải tiếp tục “chung sống với tử thần”.
Rồi đây, các cơ quan hữu trách sẽ điều tra, tìm nguyên nhân vụ cháy tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo. Song, ngay từ khi hay tin về vụ cháy nổ này, không ít người đã phải giật mình liên tưởng tới vấn đề chất lượng xăng dầu. Trước vụ cháy nổ này xảy ra một ngày, các phương tiện thông tin đại chúng lại một lần nữa cảnh báo về việc rút ruột, pha chế tác động nghiêm trọng tới chất lượng xăng dầu. Cảnh báo này làm liên tưởng tới nguyên nhân cháy, nổ hàng loạt ô tô, xe máy trong năm 2012 đến nay vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ.
Để người dân còn phải “chung sống với tử thần” đến bao giờ? Câu hỏi đó một lần nữa được đặt ra từ vụ cháy cây xăng ở Hà Nội.